Tác hại từ việc sử dụng thừa muối trong bữa ăn
Theo thống kê, người Việt Nam đang tiêu thụ lượng muối cao gấp đôi so với mức khuyến nghị. Vấn đề này bắt nguồn từ thói quen kéo dài qua nhiều thế hệ, nhất là ở giai đoạn đất nước gặp nhiều khó khăn, lượng lương thực thực phẩm không được đảm bảo như hiện tại, người dân buộc phải sử dụng muối để có thể kéo dài tuổi thọ của thực phẩm.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng chia sẻ chế độ ăn giảm muối.
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn - Trung tâm Khám Tư vấn, phục hồi dinh dưỡng & kiểm soát béo phì - Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia, việc sử dụng thừa muối ăn là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý liên quan đến huyết áp cao và bệnh về tim mạch. Không chỉ vậy, huyết áp cao còn có nguy cơ biến chứng thành các bệnh lý nguy hiểm khác như đột quỵ và một số hội chứng hoặc bệnh nguy hiểm như xơ vữa động mạch hay nhồi máu cơ tim.
Xem chi tiết buổi chia sẻ của TS.BS Nguyễn Trọng Hưng tại: https://www.youtube.com/watch?v=-17dC37FSLY&t=602s
Do đó, giảm lượng muối ăn hằng ngày là một trong những cách hiệu quả giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính không lây và từ đó có sức khỏe tốt hơn. Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng cũng đã đặt mục tiêu giảm lượng muối tiêu thụ trung bình của dân số (từ 15-49 tuổi) xuống dưới 8gr/ngày vào năm 2025 và dưới 7gr/ngày vào năm 2030.
Biện pháp giảm lượng muối tiêu thụ trong khẩu phần ăn hằng ngày
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, việc thay đổi thói quen ăn mặn của người Việt Nam thì rất khó và không phải một sớm một chiều. Muối ăn giữ một vai trò rất quan trọng đối với khẩu vị của người Việt Nam. Thực tế, theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Kaiser Permanente (Mỹ), khi giảm muối, điều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vị của món ăn: như vị mặn, vị ngọt, vị ngon của món ăn giảm đi, trong khi vị đắng và sự khó chịu của vị đắng lại tăng lên.
Theo TS.BS. Hưng, một số giải pháp giảm lượng muối ăn vào gồm có: xem hàm lượng Natri trong các sản phẩm sử dụng hàng ngày, gia giảm lượng muối ăn từng phần để cắt giảm lượng muối ăn từ từ khiến người ăn không nhận ra hoặc kết hợp sử dụng một số thành phần tạo hương vị, chẳng hạn như bột ngọt để giảm muối ăn mà vẫn ngon miệng.
Bột ngọt là một trong số những giải pháp giảm lượng muối tiêu thụ hiệu quả.
Việc sử dụng bột ngọt để giảm lượng muối ăn vào là một giải pháp được áp dụng phổ biến trên thế giới, kể cả các nước đang phát triển như Mỹ, Nhật Bản hoặc Phần Lan.
Bột ngọt là monosodium glutamate (MSG), là gia vị xuất hiện phổ biến hơn 1 thế kỷ nay. Cha đẻ của bột ngọt chính là giáo sư hóa sinh người Nhật Bản tên là Kikunae Ikeda. Bột ngọt tạo ra vị umami (trong tiếng Nhật có nghĩa là vị ngon, vị ngọt thịt), không chỉ giúp hài hòa hóa các vị cơ bản như chua, ngọt, mặn, đắng, mà còn có hậu vị kéo dài, giúp tạo nên vị ngon tổng thể cho món ăn. Vị umami do giáo sư người Nhật là TS. Kikunae Ikeda khám phá ra vào năm 1908 và đã được công nhận là 1 trong 5 vị cơ bản trong ẩm thực. Bên cạnh đó, lượng natri trong bột ngọt chỉ bằng ⅓ lượng natri trong muối ăn, do đó, bột ngọt vẫn đảm bảo duy trì được vị ngon của món ăn và giảm được đáng kể lượng muối ăn vào.
Theo các nghiên cứu khảo sát, như tại Nhật Bản, Brasil hay Phần Lan, bột ngọt giúp làm giảm đến 30 % đến 60% lượng muối nạp vào cơ thể. Tại Mỹ, từ năm 2010, bột ngọt cũng được các cơ quan y tế khuyến nghị như là cách để giảm lượng muối tiêu thụ mà vẫn duy trì được vị ngon của món ăn.
Sử dụng bột ngọt như thế nào để giảm muối an toàn và hiệu quả?
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng chia sẻ công thức nêm nếm kết hợp muối ăn và bột ngọt để giảm lượng muối ăn như sau: với mỗi 1 lít nước dùng thì cần sử dụng khoảng 8g muối để có đảm bảo vị ngon tuy nhiên lại có lượng natri cao. Nếu sử dụng kết hợp với 4,8g bột ngọt, chúng ta chỉ cần sử dụng một nửa lượng muối ban đầu thì nước dùng vẫn duy trì được vị ngon và giảm được đến 31,5% lượng natri ăn vào.
Gợi ý cách sử dụng bột ngọt để giảm muối hiệu quả mà vẫn giữ vị ngon.
Về góc độ an toàn, bột ngọt được nhiều tổ chức và cơ quan y tế uy tín trên thế giới như Ủy ban các Chuyên gia về Phụ gia Thực phẩm thuộc Tổ chức Lương thực và Thực phẩm Liên Hiệp Quốc (JECFA), Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO), Ủy ban Khoa học về Thực phẩm của Cộng đồng chung Châu Âu (EC/SCF), Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Bộ Y tế, Lao động, Phúc lợi Nhật Bản kết luận là gia vị an toàn. Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã chứng nhận bột ngọt là chất phụ gia an toàn được phép sử dụng.
Ngoài ra, JECFA và EC/SCF cũng kết luận không có hạn mức cụ thể quy định mỗi người một ngày chỉ được dùng tối đa bao nhiêu gam bột ngọt, vì thế có thể nêm nếm bột ngọt theo khẩu vị của người ăn. Các nghiên cứu cũng cho thấy ở nhiệt độ đun nấu hàng ngày (khoảng dưới 270 °C) bột ngọt không bị biến đổi thành chất không tốt cho sức khỏe, nên chúng ta có thể nêm bột ngọt vào trước, trong hoặc sau quá trình nấu ăn.
Chia sẻ về ý kiến cho rằng bột ngọt gây tê mỏi, khó thở, chóng mặt …, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng cho biết, các kết quả nghiên cứu thực hiện theo đúng mô hình khuyến nghị của FDA hay của JECFA xác nhận bột ngọt không phải là nguyên nhân gây ra các triệu chứng này.
Như vậy, không chỉ là gia vị an toàn với sức khỏe, bột ngọt còn là một giải pháp hiệu quả để có thể giảm lượng muối ăn hằng ngày mà vẫn đảm bảo vị ngon của món ăn, giúp phòng ngừa các bệnh liên quan đến cao huyết áp và tim mạch.