Bí quyết "vàng" dạy trẻ 5 tuổi lắng nghe, hiểu và ngoan hơn

Minh Nhật | 19-11-2022 - 11:00 AM

(Tổ Quốc) - Trẻ con vốn có một thế giới riêng trong suy nghĩ và hành động. Những tác động tâm lý theo độ tuổi có thể khiến con bướng bỉnh hơn, nhất là ở độ tuổi lên 5. Vậy có cách nào dạy con nghe lời hiệu quả?

    1. Tại sao trẻ 5 tuổi thường bướng bỉnh, không nghe lời?

Trước khi lý giải nguyên nhân và tìm cách dạy con nghe lời, cha mẹ cần chắc chắn rằng trẻ không bị các vấn đề sức khoẻ, ảnh hưởng đến nghe và hiểu. Ở độ tuổi nào thì con cũng có nhu cầu được lắng nghe và được người khác chấp nhận. Khi cha mẹ không hiểu nhu cầu của trẻ, con sẽ tìm mọi cách, kể cả cách tiêu cực để phản kháng lại. Đó có thể là do trẻ chưa đủ khả năng để kiểm soát cơ thể và ngôn ngữ của mình. Bằng cách chọn không nghe lời, trẻ cho rằng mình có thể khẳng định quyền lực của mình. Do đó, cách dạy con nghe lời hiệu quả là hãy trao cho trẻ quyền được quyết định trong giới hạn nào đó. Ví dụ như trẻ 5 tuổi có thể quyết định quần áo con mặc trước khi rời khỏi nhà, ăn món mình thích… Đó cũng là nguyên tắc để nuôi dạy con tự lập.

Nhiều cha mẹ thường phàn nàn rằng: "Con hay dỗi hoặc tức giận khi không được điều gì đó, và bé hay ném đồ vật mặc dù bé không dỗi ai. Vào lúc này, em luôn nghiêm khắc nói bé không được làm vậy, có lúc bắt bé úp mặt vào tường hoặc đánh 1 cái thật đau vào tay con và nói sẽ đánh đau như vậy nếu con tái phạm. Nhưng đâu lại vào đấy, bé cũng lại ném, nói trước quên sau. Đôi lúc em thấy bất lực quá, đành kệ cho con muốn làm gì thì làm, mẹ cứ cặm cụi đi nhặt về".

Bí quyết "vàng" dạy trẻ 5 tuổi lắng nghe, hiểu và ngoan hơn - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia tâm lý, lúc này cha mẹ cần nhìn lại xem phương pháp mình dạy con đã đúng chưa, đã phù hợp với độ tuổi của trẻ?

2. Làm thế nào để dạy trẻ lắng nghe, hiểu và ngoan hơn?

Những tình huống trẻ "nổi loạn", hay ném đồ, cãi lại thường rơi vào các bé có độ tuổi từ 15 tháng - 6 tuổi. Lúc này trẻ bắt đầu hiểu được sức mạnh của "thương lượng". Nghĩa là, trước đó con không có ý thức được rằng khi mình đòi hỏi cha mẹ sẽ đáp ứng, thì nay con có thể hiểu khái niệm này và học cách sử dụng nó. Nói dễ hiểu hơn, khi trẻ khóc đòi 1 món đồ, nếu bé nhận được món đồ đó thì con ghi nhận nó là một thương lượng thành công, và cứ thế mà trẻ sử dụng công cụ này để đạt nó khi đòi hỏi. Còn nếu không, có sẽ dùng mọi cách có thể để "thương lượng" với cha mẹ. Điều dễ nhìn thấy nhất là bé thường mè nheo ăn vạ, khóc lóc, ném đồ… Con sẽ làm điều này đến khi đạt được ý muốn hoặc bị người lớn phản đối 1 cách gay gắt hơn khiến chúng sợ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, việc cha mẹ la mắng, nhắc nhở, thậm chí đánh đau vào tay trẻ, cũng không hiệu quả kết thúc thương lượng của con. Hơn nữa, dù bạn có nhắc nhở, đánh đau thì bé cũng không thể nhớ được và trẻ vẫn có thể tiếp diễn ở lần sau vì sự tập trung của chúng rất ngắn. Cách đáp ứng với thương lượng là bạn cho trẻ thấy sự thương lượng luôn có quy tắc vận hành của nó. Và kiên trì thực hiện nguyên tắc đó để các cuộc thương lượng diễn ra đúng nguyên tắc. Kết quả của thương lượng mới là chìa khóa chấm dứt hành vi của trẻ tiếp diễn sau này.

Bí quyết "vàng" dạy trẻ 5 tuổi lắng nghe, hiểu và ngoan hơn - Ảnh 2.

3. Cách "thương lượng" với trẻ thế nào để con hiểu, nhớ và ngoan?

Quy tắc của việc thương lượng này rất đơn giản, đó là:

+ Rõ ràng được phép hay không được phép, không có ngoại lệ.

+ Lập lại cùng 1 thái độ cho mọi tình huống. VD, trong 1 tình huống không được phép dù nó xảy ra hôm nay, ngày mai hay 1 tháng tới thì thái độ kiên quyết và kết quả chỉ có 1 là "không được phép". Mẹ đổi ý hoặc nhượng bộ sẽ khiến phần thua của cuộc thương lượng sẽ về phía mình!

    a. Khi bé làm sai

Nếu hành vi hoặc đòi hỏi của con không đúng hoặc chưa được phép, phụ huynh chỉ nên giữ 1 thái độ khi xử lý, chỉ dùng 1 cách duy nhất để dạy trẻ và lập lại nó khi lần tới con vi phạm lại. Tuyệt đối cha mẹ đừng thay đổi cách xử lý.

Ví dụ như con đòi mua đồ chơi mỗi lần đi học về. Thực ra con chưa ý thức được việc mình mua đồ chơi là sai. Đơn giản là con thích và mong muốn cha mẹ mua cho mình. Tuy nhiên ngay lúc đó mẹ phải nói với trẻ rằng, con không được phép mua vì đã mua bánh kẹo ăn lúc sáng rồi. Nếu con không chịu, tiếp tục mè nheo thì mẹ hãy bế trẻ ra 1 chỗ yên tĩnh rồi nghiêm nghị nói với con rằng: "Món đồ chơi đó mẹ không mua được, mẹ không thích con hư như thế". Điều quan trọng ở đây là giúp trẻ liên kết giữa hành vi và kết quả. Nó sẽ sớm giúp trẻ nhận ra hành vi nào chưa tốt để trẻ tự thay đổi.

Tuy nhiên, khi bé đồng ý không đòi mua quà nữa thì mẹ hãy khen bé. Con sẽ ý thức được hành động nào của mình được khen, hành động nào bị khiển trách. Đôi khi lần khác đến cửa hàng đồ chơi, bé sẽ lại đòi mua. Lúc này mẹ đừng ngạc nhiên hỏi mình rằng: "Tại sao đã dạy hôm trước hôm nay lại quên?". Thế này mới đúng tính cách của trẻ con. Trong lần này, bạn chỉ đơn giản lập lại đúng quy trình như lần trước. Đừng thay đổi quy trình. Ví dụ lần đầu là nói nghiêm với bé, nhưng lần 2 là quát bé, hoặc đánh bé, hoặc bỏ qua. Như đã nói ở trên, trẻ con cần sự lập lại kiên nhẫn một quy trình đến lúc trẻ hiểu được quy trình đó của bố mẹ. Bạn cứ làm đúng 1 quy trình răn đe, kiên nhẫn lập lại.

b. Khi trẻ đúng đắn

Nếu hành động đó là đúng, đáng khen, bạn nên khen bé. Khen bé trước một người khác, một đám đông (nếu được) là khuyên làm. Nhưng lời khen đưa ra là phải đáng khen và tập trung vào nỗ lực của trẻ. Không nên khen sáo rỗng. Khen đúng và trước đám đông sẽ giúp bé tự tin vào bản thân bé, và bé sẽ thể hiện sự mạnh dạn.

Đừng bao giờ, so sánh trẻ trước đám đông, hoặc phán xét khả năng của bé khi con chịu làm 1 việc gì. Dù làm không tốt, nhưng bé đã mạnh dạn làm, đáng cổ vũ hơn là phán xét. Nhiều phán xét chỉ vô ý hoặc chỉ cho vui, nhưng đối với trẻ từ 3-12 tuổi là rào cản để bé tiếp tục làm điều đó trong tương lai. Bé sẽ thiếu tự tin để làm bất cứ việc gì.

Bí quyết "vàng" dạy trẻ 5 tuổi lắng nghe, hiểu và ngoan hơn - Ảnh 3.


Tóm lại cha mẹ cần nhớ:

Đừng nghĩ hình phạt/sự răn đe của bạn là có hiệu lực ngay đối với trẻ con sau đó. Trẻ con cần sự lập lại 1 hình thức răn đe để có thể hiểu và ngoan hơn.

- Khi cha mẹ phạt con nhất là đánh trẻ và cảm thấy hiệu quả, đừng vội vui mừng về điều đó. Đó là điều đáng lo hơn là đáng mừng, tâm lý trẻ con trước 5 tuổi rất yếu ớt, có một phần của sự thu mình/thiếu tự tin - một nhân tố cơ bản của sự tồn tại. Nếu phải đối mặt với nhiều stress, bé rất dễ thu mình lại, ít hoạt bát, ít nói, gây ảnh hưởng tâm lý và tự kỉ.

* Khen trẻ là khuyến khích khi trẻ chịu làm một điều gì, hoặc làm điều gì đó tốt. Khen trước đám đông là điều mà các chuyên gia tâm lý khuyên cha mẹ, nhưng phải khen đúng. Không nên phán xét bất kì gì khi bé đang làm việc gì. Cổ vũ con là điều khuyên làm. Hãy cho bé tham gia chơi cùng các bạn khác, và đó là những cơ hội tốt bạn cổ vũ con để bé tự tin vào bản thân.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Marketing - ngành học chưa bao giờ hạ nhiệt

Trong nền kinh tế hội nhập, doanh nghiệp nào cũng cần đến bộ phận Marketing để định vị chỗ đứng trên thị trường kinh doanh và kết nối khách hàng rộng rãi. Một nhãn hàng mỹ phẩm mới ra mắt hay một thương hiệu trà sữa muốn giới thiệu món uống mới thành công đều cần từng bước phân tích đến xây dựng chiến lược khéo léo, sáng tạo.