IELTS (International English Language Testing System) là một hệ thống bài kiểm tra về khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh trải dài ở cả bốn kĩ năng Listening (nghe); Speaking (nói); Reading (đọc); Writing (viết). Không chỉ dừng lại ở một bài thi, IELTS hiện nay được coi là chiếc "vé vàng" để giúp các bạn trẻ dễ dàng vào các trường đại học danh giá, đi du học hay thăng tiến trong công việc...
Hiện nay, có rất nhiều người đạt IELTS cao, tuy nhiên đạt điểm tối đa 9.0 (không làm tròn) ở cả 4 kỹ năng thì Việt Nam mới ghi nhận 2 người (theo dữ liệu công khai). Người đầu tiên là thầy Luyện Quang Kiên (31 tuổi, Hưng Yên) và người thứ hai chính là thầy Đặng Trần Tùng (30 tuổi, Hà Nội). Dưới đây là những bí quyết để giúp họ đạt điểm số cao như vậy:
Thầy Luyện Quang Kiên
Thầy Kiên từng là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST), ngành Thiết bị điện tử. Trong suốt quá trình tiếp xúc với tiếng Anh, thầy chủ yếu là tự mò mẫm. Đặc biệt là lúc ôn thi và lấy chứng chỉ IELTS, thầy Kiên chưa từng đến một trung tâm, một lò luyện thi IELTS nào, nếu có chắc chỉ là những khóa học miễn phí được tạo ra nhằm cải thiện tiếng Anh cho sinh viên.
Thầy Kiên không nhớ nổi mình đã thi lấy chứng chỉ này bao nhiêu lần, chỉ có thể áng chừng vào khoảng 30 - 40 lần. Tính cả lần đạt điểm 9.0 mới đây nhất, thầy Kiên đã 5 lần đạt điểm IELTS tối đa.
Được biết, trong bốn kỹ năng của bài thi IELTS, thầy Kiên có thế mạnh ở phần Nghe và Đọc. Theo thầy Kiên, đây là hai kỹ năng dễ được điểm cao nếu người học biết cách "tắm" tiếng Anh hàng ngày. Cụ thể, thầy thường xem phim phụ đề tiếng Anh và giữ nhịp độ nghe ít nhất hai tiếng/ngày. Nếu phải học môn gì, thầy sẽ tham khảo song song cả tài liệu bằng tiếng Anh.
Còn về bí quyết làm bài thi, thầy chia sẻ ở kỹ năng Nghe, thí sinh dễ mất điểm ở dạng bài chọn đáp án đúng (multiple choice). Ở dạng này, chúng ta cần đọc kỹ câu hỏi để loại thông tin gây nhiễu. Giữa mỗi phần nghe, thí sinh sẽ có khoảng nghỉ, lúc này hãy tập trung để đọc hiểu câu hỏi.
Trong bài Đọc của IELTS, dạng bài True, False, Not Given (Đúng, Sai, Không có thông tin) thường gây khó khăn cho thí sinh. Theo thầy Kiên, đáp án False sẽ chứa thông tin đối lập, trong khi Not Given sẽ là có thể có hoặc có thể không.
Với kỹ năng Nói, điều giúp ứng viên nói tốt nằm ở kỹ năng Nghe. Khác với ba kỹ năng trên có thể tự luyện, thầy Kiên khuyên thí sinh nên có người hướng dẫn ở kỹ năng Viết.
Về lời khuyên trong việc học IETLS, thầy Kiên tâm sự không có phương pháp nào gọi là "thần dược" để giúp các bạn giỏi lên trong ngày một ngày hai. Học ngôn ngữ bản chất là cả một quá trình dài tích lũy, nếu có những cái phương pháp nào cao siêu như vậy, các bạn phải đặt dấu chấm hỏi, sử dụng khả năng tư duy phản biện (critical thinking) của mình để phân tích đánh giá đúng sai, trái phải.
Việc chọn lọc tài liệu học tập cũng tương tự, trên mạng hiện nay tràn lan rất nhiều tài liệu nhưng không phải cái nào cũng "chuẩn", cũng phù hợp với bạn. Do đó, việc sử dụng critical thinking lúc này là cần thiết hơn bao giờ hết.
Thầy Đặng Trần Tùng
Đặng Trần Tùng là một trong những cái tên quen thuộc trong cộng đồng học IELTS ở Việt Nam. Thầy giáo này từng có gần 20 lần đi thi IELTS, 5 lần đạt 9.0 IELTS và mới đây nhất đã chinh phục cột mốc 9.0 IELTS cả 4 kỹ năng (không làm tròn).
Được biết, thầy Tùng từng có cơ hội du học bên Mỹ. Vào giai đoạn đầu ở nước ngoài, thầy giao tiếp ổn nhưng vẫn chưa đủ khả năng để hiểu những chương trình TV, phim ảnh của người bản địa. Để khắc phục, thầy Tùng tìm một show truyền hình với phụ đề tiếng Anh để luyện nghe.
Sau khoảng 20 tập, thầy Tùng nhận ra mấu chốt của vấn đề là do bản thân chưa hiểu được văn hóa, hình ảnh so sánh, ẩn dụ của người bản xứ gài gắm trong từng câu nói. Mãi sau thầy mới nhận ra rằng sợi dây kết nối với văn hoá ở những nước nói tiếng Anh cũng là một phần quan trọng không kém so với việc học tiếng Anh.
Biết vấn đề mình gặp phải, thầy Tùng dành thời gian tìm hiểu văn hóa của người bản địa. Sống trong một môi trường nói tiếng Anh, trình độ ngoại ngữ của thầy Tùng cải thiện đáng kể. Từ đó làm tiền đề giúp thầy giáo 9x này đạt 8.0 IELTS trong lần đầu thi.
Thầy Tùng chia sẻ, trong việc học tiếng Anh, bản thân thầy thường chú trọng nhất là việc đọc. Thầy tránh học tiếng Anh từ sách vở (mặc dù bản thân có viết sách luyện thi IELTS). Bởi tiếng Anh là một ngôn ngữ khá hệ thống và dễ nắm bắt, nhưng không một sách vở nào có thể bao quát được sự đa dạng, phong phú của nó. Để có một cảm nhận tốt về ngôn ngữ này, người học cần liên tục sống trong nó.
Để cải thiện khả năng tiếng Anh, thầy Tùng chia sẻ người học có thể bắt đầu đơn giản với việc là xem và đọc bất cứ thứ gì mình thích bằng tiếng Anh. Kèm theo việc thay vì tìm tòi nghiên cứu, "search Google" bằng tiếng Việt thì mọi người cũng nên tìm kiếm bằng tiếng Anh luôn để giúp tăng môi trường tiếp xúc với ngôn ngữ và từ đó nhanh tiến bộ hơn.
Tổng hợp