Vào mùa thu năm 2017, Marjorie Radlo-Zandi cảm thấy cực kỳ khó chịu. Bởi chú chó Poodle lông màu vàng mơ yêu quý của cô, Sabrina, vừa được chẩn đoán mắc bệnh ung thư.
"Tôi đã hoàn toàn suy sụp", Radlo-Zandi nói.
Không lâu sau khi nhận được kết quả chẩn đoán, cô có mặt tại một hội nghị nhà đầu tư và tình cờ nhìn thấy một bài thuyết trình dài 10 phút từ người sáng lập Torigen, một công ty khởi nghiệp đang phát triển các phương pháp điều trị ung thư sáng tạo cho những con chó như Sabrina. Sự kiện kết thúc bằng việc Radlo-Zandi đã viết tấm séc trị giá 10.000 USD cho dự án này, chính thức bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một nhà đầu tư thiên thần.
“Tôi cảm thấy tuyệt vời về khoản đầu tư của mình”, cô nói, “nhưng thành thật mà nói, tôi thậm chí còn cảm thấy tốt hơn cho tất cả những con chó có thể được điều trị”.
Các nhà đầu tư thiên thần, giống như các nhà đầu tư mạo hiểm, bỏ tiền ra để tài trợ cho các công ty khởi nghiệp đầy hứa hẹn ở giai đoạn phát triển sớm nhất. Tuy nhiên, không giống như các nhà đầu tư mạo hiểm - những người thường đầu tư tiền của người khác - các nhà đầu tư thiên thần tự dùng tiền của chính họ để đặt cược cho sự giàu có của chính mình. Đôi khi chính họ cũng từng là những những nhà khởi nghiệp thành công, và giờ đang tìm cách tận dụng lợi thế của mình để tìm kiếm các phi vụ mạo hiểm mới.
Đối với các công ty khởi nghiệp non trẻ, các nhà đầu tư thiên thần có thể cung cấp một nguồn lực rất cần thiết, và đặc biệt là chúng thường không có nhiều ràng buộc so với một khoản đầu tư từ các tổ chức chuyên nghiệp. Hàng loạt công ty lớn ngày nay như Yelp, Facebook và Google đều dựa vào các khoản đầu tư thiên thần để đi lên, trước khi tự thân nó có thể thu hút vốn đầu tư mạo hiểm theo cách truyền thống.
Nhưng thế giới của những thiên thần đầu tư từng là sân chơi độc quyền của giới siêu giàu và những người được kết nối tốt ở Thung lũng Silicon, giờ đang ngày càng trở nên rộng mở đối với bất kỳ ai, chỉ cần họ có vài nghìn USD trong tay cùng với sự tò mò.
Thương mại hóa việc đầu tư thiên thần
Ngày nay các nhà đầu tư thiên thần có thể lựa chọn tham gia từ một trong hàng loạt các nền tảng hỗ trợ đầu tư như AngelList, Angel Match, Canopy, Assure và Carta, chúng đã loại bỏ tất cả các rào cản gia nhập cho mọi người. Trung tâm Nghiên cứu về đầu tư mạo hiểm tại Đại học New Hampshire đã theo dõi hơn 360.000 nhà đầu tư thiên thần đang hoạt động, nhận thấy con số đã tăng hơn 80% so với 10 năm trước, khi trung tâm này lần đầu tiên bắt đầu công bố dữ liệu.
Với quy mô viết séc trung bình là 25.000 USD và nhiều nhà đầu tư vẫn tiếp tục làm công việc hàng ngày của họ chứ không biến đây thành công việc toàn thời gian, có vẻ như việc đầu tư thiên thần đã trở thành một sở thích đắt tiền của nhiều người ở Thung lũng Silicon giống như sưu tập xe thể thao.
"Nó giống như đánh bạc", David Spreng, một nhà đầu tư kỳ cựu, người từng là thiên thần đầu tư trong hơn một thập kỷ qua, chia sẻ.
Một trong những giao dịch đầu tiên của ông là khoản đầu tư 50.000 USD vào công ty tái tài trợ cho vay sinh viên SoFi. Ông đã được giới thiệu đến với công ty này bởi các giám đốc điều hành của công ty đầu tư mạo hiểm Ulu Ventures. Chỉ cần khoảng 30 phút để gặp gỡ những người sáng lập, nghe họ chào hàng và quyết định xem mình có muốn đầu tư hay không.
"Đối với tôi, điều đó thật phấn khích", ông nói, "giống như được tiêm một liều adrenaline, bạn biết đấy, có điều gì đó khiến tôi thích thú và muốn làm nhiều hơn nữa. Nhưng, bạn sẽ phải trả giá khá cao từ 50.000 USD trở lên cho một tấm séc, và cái giá đó đắt hơn rất nhiều so với một liều thuốc kích thích."
Một ngành “tiểu thủ công nghiệp” thậm chí đã mọc lên xung quanh một thế hệ các nhà đầu tư thiên thần nghiệp dư mới này. Có các “hội nghị thiên thần”, các “cuộc gặp gỡ thiên thần” và các “nhóm thiên thần”, cho phép các nhà đầu tư tham vọng tham gia vào các giao dịch cùng với các tổ chức đầu tư dày dạn kinh nghiệm dù trong túi chỉ có 1.000 USD.
Có các “học viện thiên thần”, chẳng hạn như Angel University của nhà đầu tư Jason Calacanis lập ra, cung cấp các khóa học nửa ngày trị giá 300 USD chia sẻ về mọi thứ từ tìm kiếm thỏa thuận đến phân bổ nguồn vốn. Có vẻ như chưa bao giờ dễ dàng hơn để trở thành một nhà đầu tư tại Thung lũng Silicon.
"Nhiều người nghĩ rằng đây là thứ mà chỉ những người giàu có nhất mới có đặc quyền tiếp cận", Dmitry Samoylovskikh, người đang xây dựng một nền tảng cho phép các nhà đầu tư thiên thần dễ dàng góp vốn của họ, cho biết.
Anh có ý tưởng trở thành một nhà đầu tư thiên thần vào đêm con gái anh chào đời, năm 2020. Đó là một trong những ngày khó khăn nhất của đại dịch, và anh nhớ mình đã đi đi lại lại trong phòng khách sau khi đưa vợ từ bệnh viện về nhà. Anh quyết tâm biến đứa con của mình thành con gái của một triệu phú khi cô bước sang tuổi 18. Anh viết tấm séc đầu tiên của mình ngay sau đó, khoản đầu tư 1.000 USD vào một nhà sản xuất máy bay điện.
"Bạn chắc chắn sẽ cảm thấy rằng bây giờ mình đang ở một đẳng cấp khác, ngay cả khi bạn chỉ viết một tấm séc 1.000 USD. Bạn đã là một nhà đầu tư thiên thần kể từ thời điểm đó", anh nói.
Samoylovskikh mô tả phong cách đầu tư của mình là "ném ra và cầu nguyện". Mỗi năm, anh cố gắng thực hiện 20 đến 30 khoản đầu tư, mỗi khoản từ 1.000 đến 2.000 USD.
"Điều khiến tôi phấn khích nhất về điều này không phải là lợi nhuận", anh cho biết, "mà là nhận thức rằng tôi đã hỗ trợ các công ty thực sự trong giai đoạn đầu khởi nghiệp và tôi giúp họ theo một cách nhỏ, rất nhỏ."
Nơi tất cả bắt đầu
Phong cách đầu tư thiên thần hiện đại dường như bắt đầu vào năm 1976, khi cựu giám đốc điều hành của Intel là Mike Markkula - người đã nghỉ hưu ở tuổi 32 - lái xe đến Los Altos, California, để thăm nhà để xe huyền thoại nơi mà Steve Jobs và Steve Wozniak đang làm việc trên một nguyên mẫu của máy tính Apple II.
Các công ty đầu tư mạo hiểm có tổ chức như Sequoia và Kleiner Perkins, do cảm thấy khó chịu với phong cách sống và làm việc của Jobs, đã từ chối đầu tư vào Apple. Nhưng bản chất của Markkula, một kỹ sư, đã ngay lập tức bị công nghệ trước mắt đánh bại và cuối cùng đã viết một tấm séc trị giá 91.000 USD (gần 500.000 USD ngày nay) để đổi lấy 26% cổ phần của Apple. Khi làm như vậy, ông có thể đã trở thành nhà đầu tư thiên thần hiện đại đầu tiên.
Vào thời điểm Apple niêm yết cổ phiếu vào năm 1980, cổ phần của Markkula trong công ty trị giá hơn 200 triệu USD (gần 700 triệu USD ngày nay).
Andy Bechtolsheim, người sáng lập Sun Microsystems và cũng là người đầu tư đầu tiên vào Google, đã viết tấm séc 100.000 USD vào năm 1998 cho công ty phát triển công cụ tìm kiếm này. Và số cổ phần mà ông nhận được vào thời điểm công ty phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 2004 có giá trị hơn 300 triệu USD, vào thời điểm đó.
Mike Walsh, nhà sáng lập Leverage Software vào năm 2010 đã trở thành người ủng hộ đầu tiên của Uber, với khoản đầu tư 10.000 USD, và ước tính đến nay nó có trị giá hàng chục triệu USD.
Những câu chuyện như thế này đã thêm vào danh sách các huyền thoại về đầu tư thiên thần ở Thung lũng Silicon. Cùng với đó là sự giúp đỡ của các “nhà truyền giáo” nổi tiếng như Tim Ferriss, một trong những người đầu tiên thu hút các khoản đầu tư thiên thần từ những người bình thường và Paul Graham, người đồng sáng lập Y Combinator, công cụ tăng tốc khởi nghiệp tốt nhất của Mỹ.
Cách tiền tệ vận hành ở Thung lũng Silicon
"Ở Thung lũng Silicon, bạn có thể thành lập một công ty hoặc bạn là nhà đầu tư thiên thần", Adrian Aoun, một nhà đầu tư thiên thần và là người sáng lập công ty khởi nghiệp chăm sóc sức khỏe Forward, cho biết. "Phần lớn mọi người không phải là những nhà sáng lập thành công, vì vậy họ chỉ đi loanh quanh và họ nói rằng họ là nhà đầu tư thiên thần, và rõ ràng là điều đó dễ dàng hơn nhiều".
Aoun đã đầu tư vào khoảng 300 công ty, bao gồm Impossible Foods, Pinterest và Robinhood. Anh thường cố gắng không viết các tấm séc nhỏ hơn 50.000 USD, dù vẫn lo lắng rằng nhiều công ty nghiệp dư mà mình đầu tư này có thể thất bại bất cứ lúc nào.
Bởi rốt cuộc, lợi nhuận mạo hiểm tuân theo điều được gọi là “luật phân phối quyền lực”, có nghĩa là phần lớn các khoản đầu tư là thất bại trong khi những dự án chiến thắng ở cấp cao nhất sẽ chiếm gần như tất cả lợi nhuận. Do đó, nếu bạn không có đủ tiền để đặt cược lớn vào các dự án chiến thắng của mình, số tiền thua lỗ từ những dự án thất bại có thể tăng lên nhanh chóng.
Tất nhiên, đối với nhiều nhà đầu tư thiên thần, đầu tư không chỉ là lợi nhuận. Janine Sickmeyer đã được truyền cảm hứng để trở thành một nhà đầu tư trong khoảng thời gian khó khăn của mình với tư cách là người quyên tiền cho công ty khởi nghiệp công nghệ hợp pháp mang tên NextChapter.
Cô đã mời chào 86 nhà đầu tư ở cả hai bờ nước Mỹ và tất cả những gì cô nhận được là những trải nghiệm khó chịu. Đó là việc nhận các yêu cầu họp vào đêm khuya trong phòng khách sạn, hay những lời bóng gió nói rằng công ty sẽ nhận được khoản tài trợ nếu cô chịu về nhà riêng với nhà đầu tư.
"Một lần, ngay khi vừa gặp mặt, một anh chàng đã nói: 'Chà, tôi có thể hiểu tại sao ai đó lại viết cho bạn tấm séc, vì bạn có một khuôn mặt xinh đẹp'", cô nhớ lại. Cuối cùng, cô quyết định không nhận bất kỳ khoản tiền từ bên ngoài nào. Thay vào đó, cô sử dụng doanh thu từ chính các khách hàng của mình để thoát khỏi khó khăn.
Và khi đã có số vốn cho riêng mình, cô trở thành nhà đầu tư thiên thần với hy vọng mình có thể giải thoát cho các nhà sáng lập nữ khác để họ không phải trải qua các trải nghiệm khủng khiếp như mình từng gặp. Cơ hội đó đã đến với Chrissy Cowdrey, người sáng lập nền tảng kể chuyện bằng hình ảnh Stagger. Sickmeyer đã trực tiếp và cực kỳ lạnh lùng nhắn tin trên Twitter yêu cầu một cuộc gặp với Cowdrey.
Sau khi thực hiện xong cuộc gọi trực tuyến qua phần mềm Zoom đầu tiên đó, cô đã quay sang nói với người chồng ngồi bên cạnh rằng: "Em muốn làm điều đó".
Khi tấm séc trị giá 50.000 USD được viết ra, cùng một dòng tweet thông báo về giao dịch đầu tiên của mình, một nhà đầu tư thiên thần mới đã được sinh ra.
Đối với những người như Sickmeyer, việc dân chủ hóa quá trình đầu tư thiên thần đã trở thành một cơ hội để cố giành được một chút quyền lực, dù nhỏ, trong thế giới được thống trị bởi một số ít các nhà đầu tư mạo hiểm khác giới. Cô cho biết sẽ tiếp tục thực hiện khoảng một chục khoản đầu tư thiên thần trước khi thành lập một công ty chuyên về đầu tư của mình, mang tên Overlooked Ventures, một công ty sẽ đầu tư vào những người sáng lập không nổi bật.
"Tôi muốn trở thành người trao tiền cho những người xứng đáng", Sickmeyer nói.
Tham khảo Business Insider, Bloomberg