Trong môi trường quân sự với những thiết bị máy móc tiên tiến, có rất nhiều rủi ro xảy ra đối với bất kỳ ai. Thậm chí có nhiều trường hợp các quân nhân thiệt mạng chẳng phải vì chiến đấu trên chiến trường mà vì những nguy cơ không ai lường trước.
Câu chuyên dưới đây nghe có vẻ là một tai nạn kỳ lạ, nhưng thực tế nó xảy ra nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ. Một kỹ thuật viên máy bay đang làm công việc thường ngày đột nhiên bị cuốn vào ống hút của động cơ phản lực.
Vào năm 2017, tai nạn như vậy đã xảy ra với một kỹ sư dịch vụ của Air India. Một kỹ sư máy bay người New Zealand cũng gặp số phận tương tự vào năm 2018.
Nó suýt xảy ra với một thủy thủ trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991. Khi đang chuẩn bị cho chiếc A-6E Intruder cất cánh vào ban đêm, thành viên phi hành đoàn 21 tuổi John Bridges bỗng thấy mình bị kéo vào cửa hút động cơ phản lực của máy bay.
Không giống như rất nhiều người khác, anh ấy đã may mắn sống sót.
Con tàu USS Theodore Roosevelt được triển khai đến Vịnh Ba Tư để hỗ trợ cho Chiến dịch Bão táp Sa mạc vào ngày 20/2/1991.
Làm việc trên sàn đáp vào sáng sớm là Bridges và Michael McDonald. Vào lúc 3h41 sáng, họ đang hoàn tất quá trình kiểm tra trước khi một chiếc A-6E Intruder cất cánh để thực hiện nhiệm vụ tấn công chính xác.
Lần kiểm tra cuối cùng của Bridges là đảm bảo máy bay được kết nối với hệ thống phóng trên tàu Roosevelt để cất cánh. Anh kiểm tra cơ chế khởi động và lùi xa khỏi chiếc Intruder, anh bắt đầu đi về phía trước nhưng chợt nhận ra mình không thể đi quá xa, khi một lực hút nào đó đang kéo anh lại.
Không chỉ Bridges bị nhấc ra khỏi sàn đáp, lực từ cửa hút còn xé toạc áo phao, kính bảo hộ, mũ bảo hiểm và các dụng cụ trên thân anh. Tất cả những đồ vật đó cuốn vào động cơ trước, gây ra một vụ nổ lớn, vô tình đã cứu sống chính anh chàng.
Khi một thứ gì đó không phải không khí đi vào tuabin động cơ phản lực, nó thường khiến cho cánh quạt bị mắc kẹt.
Thoát nạn khó tin
Những cánh quạt titan khi đó đang quay trong khoảng từ 1.000 đến 20.000 vòng mỗi phút. Tùy thuộc vào máy bay phản lực, có thể có nhiều hơn một bộ cánh quạt, vì vậy trước khi khởi động, về cơ bản nó giống như một máy xay thực phẩm khổng lồ.
Tuy nhiên, không giống như những chiếc máy xay thường thấy, với lưỡi dao sắc lẹm được tối ưu cho việc xử lý đồ ăn, cánh quạt động cơ không chuyên cho việc này.
Vì vậy, các mảnh vỡ từ đồ đạc của Bridges bị hút vào đã xé toạc các cánh quạt. Mũ bảo hiểm của anh ta bị vỡ vụn, nhưng nó đã làm được nhiệm vụ được giao phó và cứu sống chủ nhân.
Phi công cảm thấy có vật thể lạ gây hư hại cho máy bay nên đã cắt động cơ ngay lập tức, nhưng phải mất đến ba phút để tắt hoàn toàn. Ba phút đó có lẽ là là khoảnh khắc cả cuộc đời không bao giờ quên đối với Bridges. Lại một lần nữa, anh chàng đã may mắn trong vụ tai nạn quái đản này nhờ vào kích thước động cơ.
Lực hút vào A-6 Intruder không lớn lắm. Khi Bridges bị hút vào, anh đã duỗi hết cánh tay ra và bám mình vào trục cánh quạt và thành cửa hút, giúp bản thân chỉ cách cái chết trong gang tấc khi động cơ tắt hoàn toàn.
Các thủy thủ trên boong đã đến giúp đỡ Bridges. Anh thoát nạn chỉ với một xương đòn bị gãy, thủng màng nhĩ và một số vết cắt và vết xước trên cơ thể. Sau vụ việc, một thủy thủ trên tàu USS Theodore Roosevelt vào thời điểm đó cho biết Bridges đã không quay lại sàn đáp trong một thời gian.