Michael Bloomberg sinh năm 1942 tại Medford, Massachusetts – một thị trấn nhỏ cạnh Boston, Mỹ trong một gia đình Do Thái bình thường. Cha ông làm kế toán cho một công ty sữa địa phương.
Michael Bloomberg từng theo học tại trường trung học Medford và tốt nghiệp năm 1960. Sau đó, ông thi đỗ vào trường Đại học Johns Hopkins chuyên ngành kỹ thuật điện năm 1964. Khi còn là sinh viên đại học, ông vừa đi học vừa tự kiếm sống bằng mọi cách, kể cả lao động chân tay. Từ hồi ấy ông đã say mê môn tin học và tỏ ra có năng khiếu xuất sắc trong lĩnh vực này.
Tỷ phú khởi nghiệp từ nghề đếm tiền. Ảnh: Internet
Đến năm 1966, sau khi lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh ĐH Harvard, Bloomberg làm công việc đếm tiền bằng tay tại hầm chứa tiền của ngân hàng Salomon Brothers ở New York. Công việc này đem lại cho ông mức thu nhập 9.000 USD/tháng. Thời gian làm việc tại đây đã giúp ông học hỏi được nhiều điều về chứng khoán, tài chính.
Nhờ cần cù, siêng năng và có đầu óc kinh doanh nhạy bén kèm theo tầm nhìn xa xuất chúng, sáu năm sau ông trở thành giám đốc bộ phận IT. Những năm tiếp theo, Michael hăng say làm việc và trở thành một chuyên gia hàng đầu về quản trị máy tính trên phố Wall.
Thế nhưng năm 1981, nội bộ Salomon Brothers xảy ra một cuộc đấu đá. Do tính nói thẳng hay làm người khác mất lòng mà Bloomberg bị hất ra khỏi công ty sau 15 năm tận tụy làm việc.
Nhưng cú vấp ngã đau điếng này chẳng hề làm ông nản chí. Bloomberg sử dụng khoản tiền 10 triệu USD công ty bồi thường để khởi đầu một sự nghiệp mới – lập công ty dịch vụ phần mềm tài chính lấy tên là Innovative Market Systems (năm 1986 đổi tên là Bloomberg L.P.).
Ý tưởng này xuất phát từ sự phân tích sáng suốt của Bloomberg, một người vừa nắm vững kiến thức chứng khoán, nghiệp vụ đầu tư lại cực giỏi về ứng dụng công nghệ máy tính. Ông thấy trước các công ty tài chính làm đầu tư, ngân hàng… sẽ cực kỳ cần sử dụng dịch vụ phần mềm máy tính để tăng hiệu suất công việc.
Quả vậy, năm 1982, công ty chứng khoán hàng đầu Merrill Lynch trở thành khách hàng đầu tiên của Innovative Market Systems, họ nhận đặt 20 thiết bị đầu cuối và đầu tư 30 triệu USD mua 30% cổ phần của công ty. Nhờ đó công ty của tỷ phú Bloomberg phát triển nhanh như thổi với tốc độ 40% mỗi năm. Số thiết bị đầu cuối từ 5000 năm 1987 tăng lên hơn 250 nghìn năm 2009.
Năm 1990, ông trùm truyền thông (và cộng sự Matthew Winkler) thành lập hãng thông tấn Bloomberg News để cung cấp báo cáo tin tức tài chính cho các thuê bao của Bloomberg Terminal. Tại thời điểm năm 2010, Bloomberg News có hơn 2.300 biên tập viên và phóng viên tại 72 quốc gia và 146 văn phòng tin tức trên toàn thế giới. Sau 22 năm ra đời, Bloomberg News đạt được thu nhập cao hơn cả Tập đoàn thông tấn Reuteus lớn nhất thế giới, có lịch sử 150 năm.
Tiếp đó Bloomberg lập đài phát thanh, đài truyền hình và website đều lấy tên mình. Kênh truyền hình Bloomberg phát suốt ngày đêm; là nguồn cung cấp tin tức gốc có tín nhiệm trên các lĩnh vực kinh tế, tài chính-tiền tệ toàn thế giới.
Tuy nhiên, đang ở đỉnh cao thành công, ông bất ngờ quyết định rút khỏi vị trí điều hành công ty trong sự nuối tiếc của nhiều người. Nhưng với 88% cổ phần tại Bloomberg chắc chắn rằng, ông sẽ không bỏ mặc "đứa con tinh thần" mà ông dành nhiều tâm huyết, thời gian xây dựng.
Cùng với các thành tích đó, Michael Bloomberg trở thành người giàu nhất thành phố New York và giàu thứ 5 nước Mỹ với tài sản cá nhân lên tới 16 tỷ USD năm 2009 (năm 2019 là 55 tỷ, năm 2021 là 60 tỷ). Chỉ trong hai năm ông nhảy từ bậc thứ 142 lên bậc thứ 17 trong bảng xếp hạng người giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes (2019 là thứ 7). Thật là một kỳ tích!
Năm 2001, Bloomberg quyết định gia nhập nền chính trị thế giới, ông tranh cử chức thị trưởng New York với tư cách là Đảng viên Đảng Cộng hòa. Ông bắt đầu công việc thị trưởng năm 2002, nơi đây ông đã vực dậy cả thành phố sau cuộc tấn công 11/9 tại New York. Ông chỉ nhận mức lương tượng trưng là 1USD/năm trong suốt 12 năm làm việc tại văn phòng thị trưởng. Tuy nhiên, trong 12 năm đó ông lại dành hết 650 triệu USD để làm từ thiện.
Cựu thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg nổi tiếng là nhà tỷ phú giản dị và nhà từ thiện hào phóng. Ảnh: Internet
Ông cũng không dùng ngôi biệt thự được cấp mà ở nhà riêng ở Manhattan và thường xuyên dùng tàu điện ngầm để đi làm. Tờ New York Post từng tiết lộ trong hơn 10 năm, Bloomberg chỉ sở hữu hai đôi giày công sở màu đen. Người phát ngôn của ông, Stu Loese, nói rằng cả hai đều đã rất mòn, không còn nhìn rõ nhãn hiệu. Một đôi giày ông đã dùng trước khi nhậm chức Thị trưởng thành phố New York.
Khi mua cà phê ông luôn chọn size nhỏ nhất đủ dùng, và chỉ mua khi khát. Quần áo cũng vậy, ông cũng sẽ chỉ sắm khi thật sự có nhu cầu. Bloomberg tiết lộ: "Tôi muốn dành dụm tiền cho những thứ khác xứng đáng hơn thay vì tiêu xài hoang phí cho những thứ chưa cần thiết".
2013 là năm Bloomberg rời khỏi ghế thị trưởng, nhưng ông vẫn chưa sẵn sàng nghỉ hưu. Chỉ một năm sau khi rời khỏi bàn làm việc, Bloomberg trở lại với vai trò CEO của Bloomberg LP, tiếp tục đưa công ty trở thành một đế chế truyền thông.
Keo kiệt với bản thân nhưng Bloomberg hào phóng trong việc từ thiện. Đến nay, vị tỷ phú đã đóng góp hàng tỷ USD cho các quỹ về sức khỏe, nghệ thuật, môi trường và giáo dục. Ông cũng cam kết cho đi một nửa tài sản sau khi qua đời.
Năm 2013, ông cũng quyên góp 350 triệu USD cho trường Johns Hopkins nơi ông từng theo học, nâng tổng số tiền đóng góp của ông cho ngôi trường này lên 1,1 tỷ USD. Việc hiến tặng này đã khiến ông trở thành người hiến tặng hào phóng nhất một trường học tại Mỹ. Ông đã trao cho Đại học Cornell 100 triệu USD vào năm 2015. Ông đã quyên góp hơn 8 tỷ USD tài sản của mình.
Trong một buổi nói chuyện với sinh viên tại trường Dartmouth College, tiểu bang New Hampshire, Bloomberg đã chia sẻ về tầm quan trọng của công việc thiện nguyện: "Từ thiện có thể là chiếc chìa khoá để kết nối những tấm lòng và kết nối những điều mà chúng ta không thể ngờ tới. Chắc chắn đó là những điều hết sức có lợi và có ý nghĩa".
Để đạt được những thành công như hiện nay, vị tỷ phú 79 tuổi này đã phải nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ. Ông hào phóng chia sẻ bí quyết thành công của mình là làm việc chăm chỉ. "Chỉ cần bạn chăm chỉ và không bao giờ bỏ cuộc, thành công sẽ mỉm cười với bạn".
Theo ông, để chạm tay đến thành công, con người phải tận dụng mọi lúc để làm việc. Dành ít thời gian để đi nghỉ, bớt thời gian tắm hay ăn trưa mà thay vào đó để dành thời gian cho công việc. Càng làm việc chăm chỉ thì sẽ càng có khả năng thành công.
Bên cạnh đó, chính từ những năm tháng khó khăn, gian truân tuổi trẻ đã giúp ông có được những bài học kinh nghiệm cuộc đời. Với hy vọng muốn thế hệ sau có thể học hỏi được nhiều điều bổ ích, ông đã đúc kết lại kinh nghiệm của bản thân:
"Trong kinh doanh, bạn cần phải làm được 3 điều này. Thứ nhất, bạn phải tạo ra được sản phẩm mà người ta cần. Thứ hai, bạn phải tìm ra cách kiếm tiền từ sản phẩm đó. Thứ ba, bạn phải nghĩ ra cách bảo vệ nó. Chỉ vậy thôi".
Đây là một lời khuyên cực kỳ quan trọng mà các bạn trẻ, đặc biệt những startup muốn khởi nghiệp cần nhớ rõ. Bên cạnh đó, vị tỷ phú cũng khuyên không nên cảm thấy quá sợ hãi với thất bại, hãy hoan nghênh nó để bạn biết được mình đang sai ở đâu mà thay đổi.
Ngoài ra, ông còn khuyên rằng dù làm bất cứ điều gì thì cũng phải tìm thấy niềm vui trong công việc thì mới có thể thành công. Nếu như không thể tìm thấy niềm vui, sự hài lòng đối với công việc mà bản thân đang theo đuổi thì người đó không chạm tay đến thành công.
Chính những bí quyết thành công này đã đưa Michael Bloomberg tay trắng gây dựng sự nghiệp kinh doanh và chính trị với những thành tích đáng nể trong suốt những năm qua.
Theo Celebritynetworth và BusinessInsider