Ngày 9/4, tờ Haaretz xuất bản bài viết "Saudi Cease-fire Goes Into Effect in Yemen as Iran-backed Rebels Remain Silent" (tạm dịch: Saudi tuyên bố ngừng bắn ở Yemen, nhưng phiến quân do Iran hậu thuẫn phản ứng bằng sự yên lặng) của Maggie Michael và Ahmed al-Haj.
Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều (bài viết ban đầu được đăng trên AP News và được tờ báo Israel đăng tải lại với tiêu đề mới) trong bối cảnh xung đột ở Yemen đang trở thành "cơn ác mộng" của Liên minh can thiệp do Arab Saudi dẫn đầu, chúng tôi xin lược dịch bài viết.
Lệnh ngừng bắn ở Yemen của Arab Saudi có gây "bất ngờ"?
Ngày 9/4, lệnh ngừng bắn đơn phương do Liên minh can thiệp Yemen đứng đầu bởi Arab Saudi nhằm vào phiến quân Houthi (Iran bị cáo buộc hậu thuẫn) bắt đầu có hiệu lực, và hứa hẹn mở ra cơ hội chấm dứt cuộc xung đột đã diễn ra hơn 5 năm.
Trước đó một ngày, các quan chức Arab Saudi đã ra tuyên bố rằng ngừng bắn sẽ kéo dài trong hai tuần và là một hành động để đáp lại lời kêu gọi ngừng xung đột của Liên Hiệp Quốc trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang có những diễn biến cực kỳ phức tạp.
Thông qua mạng xã hội Twitter, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Arab Saudi, Hoàng tử Khalid bin Salman chia sẻ rằng với hành động ngừng bắn, họ hy vọng sẽ tạo ra một "bầu không khí" giúp giải tỏa căng thẳng và khiến các bên ngồi vào bàn đàm phán.
Hoàng tử cũng chia sẻ thêm rằng Arab Saudi sẽ đóng góp 500 triệu USD cho các nỗ lực nhân đạo của Liên Hiệp Quốc tại Yemen trong năm nay và thêm 25 triệu USD để chống lại đại dịch Covid-19.
"Chúng ta phải đặt sức khỏe và sự an toàn của người dân Yemen lên trên tất cả", Hoàng tử viết.
Tuyên bố đơn phương ngừng bắn được đưa ra sau những nỗ lực không thành công trong việc đàm phán hòa bình và ngừng bắn song phương.
Linh bắn tỉa Houthi bắn hạ lính Saudi tại khu vực biên giới Najran.
Houthi đã dồn đối phương đến "chân tường"?
Năm 2015, một liên minh quân sự được các hoàng gia Vùng Vịnh tập hợp "thay mặt cho chính phủ của Tổng thống Yemen Mansour Hadi" đã bắt đầu giao chiến với Houthi.
Cuộc xung đột này đã khiến 100.000 người Yemen thiệt mạng, hàng triệu người khác lâm vào nạn đói và thiếu sự chăm sóc y tế trong một hoàn cảnh được LHQ đánh giá là "cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới".
Nhưng cuộc chiến "giằng dai" này đang là một gánh nặng của ngân sách Arab Saudi cũng như làm tổn hại hình ảnh quốc tế của vương quốc.
Phát ngôn viên Quân đội Arab Saudi, Đại tá Turki al-Malki thì lạc quan rằng ngừng bắn có thể được "gia hạn" và cho phép các bên tham chiến thảo luận về một giải pháp chính trị toàn diện ở Yemen.
Houthi và các lực lượng đồng minh trên chiến trường đáp trả lệnh ngừng bắn đơn phương của kẻ địch bằng một "sự yên lặng đáng sợ", điều này làm dấy lên lo ngại rằng hành động của Saudi sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào với những gì đang diễn ra trên chiến trường.
Kể từ tháng 3/2020, các tay súng Houthi đã duy trì một "nhịp điệu" tấn công liên tục về hướng đông - khu vực tỉnh Marib và gây thiệt hại nặng nề cho liên minh.
Ngày 8/4, ngay sau khi Arab Saudi tiết lộ kế hoạch đơn phương ngừng bắn, nhiều nhân chứng cho biết một tên lửa (được cho là của lực lượng Houthi) đã bắn trúng một tòa nhà trong thành phố Marib.
Vào mùa hè năm 2019, Saudi đã bị giáng một đòn "chí tử" khi UAE (lực lượng lớn thứ 2 liên minh) tiến hành "tái bố trí chiến lược", hay nói cách khác là rút quân khỏi Yemen.
Hành động này được cho là phản ứng "an toàn" và "thông minh" sau khi căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran ở Vịnh Ba Tư. Nhưng điều này cũng khiến liên minh có sự hiện diện quân sự yếu hơn và "ít lựa chọn chiến thuật" hơn ở Yemen.
Và ở hiện tại, ngoài áp lực trên chiến trường từ Houthi, Arab Saudi đang phải đối mặt với "thực trạng khó chấp nhận" trong một cuộc chiến khác.
Sau các thắng lợi trong tháng 3, kể từ đầu tháng 4/2020 các mũi tấn công của Houthi (còn có tên khác là Ansar Allah) đã tạo thành hai gọng kìm tiếp cận thủ phủ tỉnh Marib.
Saudi đang thua trong một "cuộc chiến" khác?
Với giá dầu chỉ ở mức khoảng 30 USD một thùng, chính phủ Arab Saudi đang phải "thắt lưng buộc bụng" trong chi tiêu và dùng nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ của mình để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh các doanh nghiệp trên toàn quốc phải ngừng hoạt động do đại dịch Covid-19.
Đây là hậu quả của "cuộc chiến giá dầu" giữa Arab Saudi và Nga sau khi khi OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa OPEC và các nước khác trong đó có Nga) không đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Arab Saudi là một trong những quốc gia chi tiêu quốc phòng hàng đầu thế giới và vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy việc cắt giảm chi tiêu nói trên sẽ ảnh hưởng ngay lập tức đến khoản ngân sách này.
Nhưng phải "cõng trên lưng" phí tổn khổng lồ của chiến tranh ở Yemen khi nguồn thu giảm mạnh bởi giá dầu thấp chắc chắn sẽ là vấn đề ngày càng lớn.
Trung tâm phân tích Wilson ước tính rằng mỗi ngày liên minh sẽ phải chi tới 200 triệu USD cho các hoạt động quân sự trên không, trên bộ và trên biển ở Yemen.
Xe bọc thép chống mìn (MRAP) trị giá khoảng 500.000 USD của Liên minh do Saudi dẫn đầu bị Houthi bắt sống.