Thủ phạm gây loét chân
Ở các nghiên cứu của thế giới như ở Châu Âu và Mỹ, nguyên nhân cắt chi do biến chứng mạch máu, còn ở Việt Nam nguyên nhân đoạn chi nhiều nhất là nhiễm trùng.
Có tới 50% bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng khi vào viện phải đoạn chi, trong khi đó ở nước ngoài tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 10 - 20%. Tỷ lệ tái loét rất lớn, tỷ lệ tái loét khoảng 1/3 bệnh nhân bị tái loét sau 1 năm, 50% bệnh nhân tái loét sau 3 năm.
Đái tháo đường có 3 biến chứng gây ra loét bàn chân:
Thứ nhất, biến chứng thần kinh gây giảm cảm giác, biến dạng bàn chân, loét chân, nhiễm trùng và cắt cụt. Bệnh nhân thường bị rối loạn cảm giác như tê chân, châm chích, kiến bò. Bệnh nhân hay ngâm chân nước nóng, hơ chân nên gây vết loét nhiễm trùng.
Khi thần kinh biến chứng còn gây mất cảm giác nên bệnh nhân không thấy đau không nhận biết, chỉ nhận biết ra khi vết loét lớn. Bệnh nhân lơ là và coi thường vết thương nên không chăm sóc vết thương dẫn tới biến chứng nặng.
Biến chứng bàn chân rất nguy hiểm
Những nơi chân dễ bị loét nhất là ngón cái, gót chân, đầu các xương bàn chân, các điểm tì đè nhiều, bị biến dạng móng do đi lại giày dép và làm cho vi trùng xâm nhập vào vết thương.
Thứ hai, biến chứng mạch máu, chỉ cần vết loét nhẹ và không có máu nuôi chân nên gây hoại tử. Biến chứng này liên quan tới nhiều yếu tố như bệnh nhân tăng huyết áp, hút thuốc lá, tuổi tác. Điều này làm chân giảm sức đề kháng, dễ bị loét nên bị cắt chi rất cao. Có bệnh nhân bị hoại tử thư ướt gây đau chân, mất móng chân, hoại tử lan rộng, bệnh nhân đau tức nhiều hơn.
Bác sĩ Đạt cho biết, có bệnh nhân bị hoại tử chân sau đó bệnh nhân đắp lá để điều trị dẫn tới ruồi đẻ vào vết thương. Khi vào viện vết thương còn có dòi bò ra.
Thứ ba, biến chứng nhiễm trùng do bị nhiễm trùng gây tổn thương bàn chân quá nặng phải đoạn chi. Ban đầu có thể chỉ là vết xước nhỏ, có những bệnh nhân vào viện thì đường huyết rất cao làm cho nhiễm trùng tăng nhanh nên tỷ lệ bị cắt chi rất lớn.
Có bệnh nhân chỉ bị vết xước ở đầu ngón thứ 3 nhưng không quan tâm vì nghĩ vết thương nhỏ. Chỉ 4,5 ngày sau vết thương đã lan rộng ra cả bàn chân kèm theo sưng, phù nề, nóng, loét nặng, có mùi hôi. Bệnh nhân vào viện vì sốt và bác sĩ chẩn đoán bị biến chứng bàn chân do đái tháo đường. Khi vết loét sưng, đỏ, cảm giác nóng thì đã bị nhiễm trùng.
Cách chăm sóc bàn chân
Với bệnh đái tháo đường, bác sĩ Đạt cho biết việc chăm sóc bàn chân vô cùng quan trọng. Ngay cả khi ở trong nhà đã sạch sẽ vẫn cần phải đi dép.
Nếu không mang dép nên rất dễ bị tổn thương bàn chân từ các vật dụng trong nhà mà mình không để ý.
60% bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam trước đây không có thói quen đi dép kể cả trong nhà. Gần đây, theo nghiên cứu của bác sĩ Đạt và cộng sự, vẫn còn khoảng 20 % người bệnh đái tháo đường không có thói quen đi dép vì nghĩ rằng nền nhà sạch. Tuy nhiên, thói quen này nguy hiểm vì chân có thể va chạm với các thiết bị sinh hoạt ở trong gia đình.
Bệnh nhân cắt chân vì đái tháo đường
Khi cắt móng chân nên cắt ngang và dũa dần, không cắt khoé, không tạo vết thương hở khi cắt móng chân. BS Đạt cũng cho biết không ngâm chân nước nóng, không đắp thuốc vì ngâm nước nóng bệnh nhân không cảm nhận được nhiệt độ có thể gây bỏng.
Người bị đái tháo đường khi bàn chân có dấu hiệu tê bì tuyệt đối không được cắt lể, châm cứu vì có những bệnh nhân vào viện vì sau khi châm cứu bị áp se cả bắp chân.
Ngoài ra, bác sĩ Đạt cũng khuyến cáo không sơn móng chân. Bác sĩ Đạt từng tiếp nhận bệnh nhân sơn móng chân màu đen, khi cắt khoé bị vết thương nhỏ và vết thương cứ hoại tử thư ướt dần dần bệnh nhân không nhìn ra, khi phát hiện thì đã hoại tử cả ngón chân đen sì.
Không đi dép cao đế, giày cao, mũi nhọn tạo các vết chai ở chân. Dùng khăn sạch lau khô các kẽ bàn chân sau khi tắm và rửa chân.
Khi bị tổn thương tuyệt đối không đắp lá cây vì dễ nhiễm trùng và không đi lại vì nếu cố đi lại thì sẽ làm vết loét nhiễm trùng nhanh hơn.
Khi chữa vết loét lành rồi vẫn cần phải tái khám, chăm sóc, vì tỷ lệ tái loét rất lớn. Có 1/3 người bệnh bị loét sau 2 năm, 50 % bị tái loét sau 3 năm nên cần thường xuyên tái khám.
Người bị đái tháo đường phải uống thuốc, thậm chí chấp nhận tiêm insulin. Áp dụng chế độ ăn kiêng, ăn ít thực phẩm chứa tinh bột, ăn ít chất béo, tập luyện để đưa đường huyết về ngưỡng an toàn.