Bí ẩn vết chân đỏ như máu trên nắp quan tài: Đội khảo cổ scan dấu vết trên máy tính, manh mối dần hiện ra

Tiểu Ngọc | 26-11-2020 - 10:53 AM

(Tổ Quốc) - Dấu chân đỏ được đặt ở một vị trí vô cùng đặc biệt - chính phần ngực của chủ nhân ngôi mộ, nên chắc hẳn phải mang một ý nghĩa đặc biệt.

Dấu chân bí ẩn trên khu mộ bị khoắng sạch

Thành Kinh Môn thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc là một thành cổ nổi tiếng với hơn 2.000 năm lịch sử. Mảnh đất này đến nay vẫn còn chôn giấu nhiều bí ẩn thách thức trí tò mò của người đương thời.

Năm 2019, dự án "Chuyển dòng Nam - Bắc" tại Kinh Môn đã hé lộ một trong những ngôi mộ quý tộc có thiết kế độc đáo nhất Trung Quốc - "Ngôi mộ trên gò Con Lửng".

Bí ẩn vết chân đỏ như máu trên nắp quan tài: Đội khảo cổ scan dấu vết trên máy tính, manh mối dần hiện ra - Ảnh 1.

Gò Con Lửng thuộc huyện Thiểm Dương, thành phố Kinh Môn, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Sohu

Gò Con Lửng nằm bên bờ sông Kiều ở phía tây nam huyện Thiểm Dương, thành phố Kinh Môn, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Năm 2019, nơi đây trở thành tâm điểm của giới khảo cổ Trung Quốc với việc khai quật ngôi mộ cổ có niên đại 2.000 năm tuổi. Ngôi mộ này có thiết kế vô cùng độc đáo với đường vào dài 34m, sâu 10,5m tính từ bìa mộ, từ cổng vào đến quan tài có 15 bậc thang.

Bí ẩn vết chân đỏ như máu trên nắp quan tài: Đội khảo cổ scan dấu vết trên máy tính, manh mối dần hiện ra - Ảnh 2.

Toàn cảnh đường vào mộ chính. Ảnh: Sohu

Sau khi nóc mộ được dỡ bỏ, cảnh tượng bên trong khiến các chuyên gia vô cùng kinh ngạc. Ngôi mộ trống rỗng với những hòm đồ chôn cùng đã bị những kẻ trộm mộ viếng thăm từ bao giờ, chỉ còn lại một chiếc quan tài lẻ loi phủ đầy bùn đất.

Hơn thế nữa, họ còn bất ngờ phát hiện một dấu chân đỏ như máu được in trên nắp quan tài, điều chưa từng xuất hiện trước đây. Vậy dấu chân đỏ xuất hiện trong lăng mộ ngàn năm tuổi ấy rốt cuộc chôn giấu bí mật gì?

Lời giải thích của chuyên gia

Các nhà khảo cổ chuyên nghiệp đã thảo luận rất nhiều về hiện tượng kỳ lạ trong giới cổ mộ này, đồng thời cũng đưa ra những phỏng đoán riêng.

Phán đoán đầu tiên được đưa ra: Dấu chân trên quan tài là dấu vết mà kẻ trộm mộ lưu lại sau khi hành động. Loại phỏng đoán này không phải là không có lý khi có rất nhiều bằng chứng trực tiếp chứng minh ngôi mộ nghìn năm tuổi này đã từng bị trộm trước đó.

Một chuyên gia khác lại đưa ra giả thiết rằng: Dấu chân ấy là do kẻ thù của người đã chết cố tình in lên. Đây có thể là một nghi thức nguyền rủa cổ xưa nào đó.

Tại sao các chuyên gia lại đưa ra giả thiết như vậy? Chính bởi dấu chân đỏ được đặt ở một vị trí vô cùng đặc biệt, chính phần ngực của chủ nhân ngôi mộ, nên chắc hẳn nó phải mang ý nghĩa nào đó.

Bí ẩn vết chân đỏ như máu trên nắp quan tài: Đội khảo cổ scan dấu vết trên máy tính, manh mối dần hiện ra - Ảnh 4.

Vết chân đặt ở đúng vị trí ngực chủ mộ. Ảnh: Sohu

Sau khi kiểm tra quan tài kỹ lượng và scan dấu vết trên máy tính, đội khảo cổ phát hiện một hiện tượng vô cùng thú vị: Bên dưới dấu chân màu đỏ này còn tồn tại dấu bàn tay của một đứa trẻ khác! 

Manh mối mới đã khiến nhà khảo cổ loại bỏ khả năng vết chân của những kẻ trộm.

Thay vào đó họ tin rằng, đây là dấu vết mà những người thân của chủ nhân ngôi mộ cố tình tạo ra từ ngàn năm trước.

Theo các nhà khảo cổ học, ngôi mộ nghìn năm tuổi này có từ thời nước Tề (1046 TCN - 221 TCN). Thời bấy giờ, khi người lớn không may qua đời, con cháu trong gia đình sẽ để lại dấu tay của mình trên nắp quan tài trước khi an táng. Đây cũng là một nét đặc sắc của văn hóa truyền thống Trung Quốc.

Bí ẩn vết chân đỏ như máu trên nắp quan tài: Đội khảo cổ scan dấu vết trên máy tính, manh mối dần hiện ra - Ảnh 6.

Đây là phương thức an táng đặc biệt của nước Tề. Ảnh: Sohu

Sau khi đứa trẻ in dấu tay của mình lên nắp quan tài, người con cả của gia đình sẽ tiếp tục để lại dấu chân phía trên. Phong tục này nhằm thể hiện sự đau xót, tiếc thương khi nói lời vĩnh biệt với một thành viên trong gia đình.

Phương thức an táng đặc biệt của nước Tề cũng giống như cách chúng ta để tang người thân ở thời hiện đại, nhưng thay vì để lại dấu chân, mọi người ngày nay sẽ thắp hương và nhìn mặt người đã khuất lần cuối.

Bài viết tham khảo từ Sohu

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM