Ai trong chúng ta ắt đã từng nghe qua câu chuyện Công chúa ngủ trong rừng, kể về một nàng công chúa bị bà phù thủy nguyền rủa, nếu không được đánh thức bởi một nụ hôn trước thời hạn sẽ phải chết. Thế nhưng, đó chẳng những là cổ tích mà còn phản ánh đúng một dịch bệnh đã từng khiến con người phải "đau đầu" trong quá khứ.
Xuất hiện đầy bất ngờ giữa đại dịch cúm Tây Ban Nha
Vào năm 1918, khi cả thế giới đang vật lộn sống sót giữa Chiến tranh thế giới thứ nhất, bỗng xuất hiện một đại dịch cúm khủng khiếp tràn vào châu Âu do quân đội Mỹ mang theo virus. Sau khi bùng phát trong 2 năm, nó đã gây ra khoảng 50-100 triệu cái chết trên toàn thế giới, vượt xa cả đại dịch Covid-19 bây giờ: Đó là bệnh cúm Tây Ban Nha.
Vào thời điểm này, thế giới cũng xuất hiện một căn bệnh khác gây chết người tương tự nhưng lại ít ai để tâm. Người mắc phải sẽ luôn trong trạng thái hôn mê sâu và suy yếu cơ ngay giai đoạn đầu của bệnh. Theo thống kê, loại bệnh này đã gây ra cái chết của hơn 1 triệu người và khiến hàng triệu người khác "sống không bằng chết" vì đau họng, không nói được, co giật và bất động liên tục.
Bệnh được phát hiện lần đầu tại London (Anh) với một vài người đột nhiên buồn ngủ kéo dài, ngủ nhiều tuần liên tiếp mà không ăn không uống… Người thân đã cố gắng đánh thức họ bằng tiếng ồn, ánh sáng lẫn nhiều cách khác nhau nhưng vẫn vô ích. Đáng sợ hơn, căn bệnh này không có dấu hiệu cụ thể mà nó xảy ra theo nhiều cách khác nhau dựa trên cơ địa mỗi người.
Nhiều sổ sách đã ghi nhận, người mắc bệnh sẽ luôn trong trạng thái bị kích động hoặc phấn khích cho tới khi chết vì kiệt sức. Đôi lúc bệnh còn gây mất ngủ kéo dài, khiến họ trở nên điên loạn và không thể kiểm soát bản thân. Vào thời bấy giờ, không ai có thể lý giải được nguyên nhân gây bệnh và chỉ biết "nhận án tử" nếu ngủ quá lâu mà không tỉnh dậy nữa.
Giới y học lúc đó đã có nhiều đồn đoán về căn bệnh này. Họ cho rằng nguyên nhân đến từ chứng mệt mỏi kinh niên và áp lực của người lính, hoặc do khí mù tạt được sử dụng nhiều trong Thế chiến thứ nhất. Thế nhưng sau đó, họ phát hiện đến cả dân thường cũng mắc phải nên đã lập tức bác bỏ. Căn bệnh này xảy ra cùng lúc với đại dịch cúm Tây Ban Nha nên hầu như không ai để tâm, nhưng độ nguy hiểm lại chẳng thua kém gì.
Căn bệnh bí ẩn gieo rắc cái chết khắp châu Âu
Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, có lẽ sự xâm lược của quân đội chính là "F0" làm căn bệnh bành trướng khắp châu Âu. Vào năm 1919, người ta ước tính bệnh đã truyền nhiễm hầu hết các khu vực của châu Âu, Mỹ, Canada… và đạt đỉnh điểm vào năm 1924.
Trong một vài trường hợp, loại bệnh này có thể cho dấu hiệu như bệnh cúm thông thường khiến bệnh nhân chủ quan. Đã có tình trạng một cô gái bị sốt nhẹ, đau đầu và chóng mặt sau khi đi hòa nhạc về nhà. Chỉ trong vòng nửa tiếng sau đó, cô ấy đã ngủ say không thể tỉnh lại và chết trong vòng 12 ngày.
Sau đó, nhà dịch tễ học Dr A. Salusbury đã từng làm một cuộc khảo sát diện rộng và kết luận rằng bệnh này có thể lây giữa người và người. Tuy nhiên cho đến ngày nay thì con người vẫn chưa thể khẳng định điều này là đúng 100%.
Sau khi lan rộng khắp châu Âu, căn bệnh bí ẩn này đã "tấn công" Nga và Ukraine của Liên Xô. Tại thủ đô Moscow, vào tháng 11/1922, số ca nhiễm bệnh ngủ đã tăng một cách đột biến với các triệu chứng kỳ lạ như khó thở, liệt mắt, sốt cao… Bệnh nhân có thể ngủ thiếp ngay cả khi đang ăn hoặc đang đi trên đường.
Khi số ca nhiễm tăng lên chóng mặt, chính quyền Liên Xô lúc đó phải thành lập gấp một ủy ban để nghiên cứu cách chữa. Tuy nhiên, dù đã huy động toàn bộ lực lượng y bác sĩ giỏi nhất của đất nước nhưng họ vẫn không thể đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả. Hết cách, mọi người đành phải "sống chung với lũ" bằng các biện pháp phòng ngừa hệt như các bệnh truyền nhiễm thông thường khác.
Vậy bản chất căn bệnh này là gì, liệu đã được giải đáp hoàn toàn?
Vì có nhiều triệu chứng giống viêm não nên giới y học đã gọi loại bệnh lạ thế giới này bằng cái tên "viêm não hôn mê", thi thoảng còn gọi là bệnh Economo dựa theo tên người đầu tiên mô tả nó - bác sĩ tâm thần và thần kinh học Konstantin von Economo. Nếu mắc phải sẽ tử vong sau vài tuần, hoặc kéo dài như một bệnh mãn tính không thể chữa khỏi.
Sau khi nghiên cứu trên mô não bệnh nhân đã qua đời, Economo đã kết luận loại bệnh này do một loại virus truyền nhiễm gây ra. Thêm vào đó, những người mắc cảm cúm thông thường sẽ dễ mắc bệnh viêm não hôn mê này hơn. Tuy nhiên, họ vẫn không thể xác định cụ thể tên của loại virus này vì đó là một chủng hoàn toàn mới.
Bệnh Economo bùng phát mạnh dữ dội cho đến năm 1927, sau đó đột nhiên biến mất một cách bí ẩn như lúc nó bùng phát. Ngày nay, y học đã liệt kê loại bệnh này là bệnh lâm sàng hiếm gặp và chưa thấy nó xuất hiện rộng rãi trở lại. Đợt bùng phát cuối cùng được ghi nhận tại vùng Akmola (Kazakhstan) vào năm 2014 với 33 bệnh nhân.
Nhìn chung, đến nay y học hiện đại vẫn không thể lý giải nổi sự xuất hiện và nguyên nhân của loại bệnh này vì sự khan hiếm bệnh phẩm.
Tổng hợp