Grab – một trong những siêu ứng dụng lớn nhất Đông Nam Á hiện đang mở rất nhiều nhà hàng mà ở đó chẳng có bất kỳ vị khách nào ngồi ăn cả.
Mô hình kinh doanh được nhà sáng lập Uber ví von là "the next big thing" (điều lớn lao tiếp theo) này đang bùng nổ trên khắp mọi nơi tại châu Á. Chúng được gọi là những cloud kitchen - căn bếp trên mây và ở đó, chủ nhà hàng không đón tiếp bất kỳ vị khách nào cả mà chủ yếu là họ sẽ gọi đồ ăn về nhà hoặc nơi làm việc.
Xu hướng bếp trên mây nổi lên một phần cũng là bởi sự bùng nổ của mảng kinh doanh giao đồ ăn ở Đông Nam Á và Grab đang được xem là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này.
Công ty có trụ sở tại Singapore này đã đặt căn bếp trên mây đầu tiên của mình tại Indoensia. Từ đây, họ đã mở rộng sang Việt Nam, Thái Lan và Singapore.
Căn bếp trên mây đầu tiên của GrabKitchen mở tại Singapore là ở khu Hillview, đơn vị này chia sẻ một tòa nhà với một nhà máy và một nhà kho khác, thu hút 10 nhà hàng thực tế ảo gồm cả Waboru – một chuỗi đồ ăn kiểu Nhật, Playmade – một nhà sản xuất trà sữa và Thai Dynasty.
Mỗi căn bếp sẽ rộng từ 12 – 21 m2 và được trang bị bồn rửa và những thiết bị khác. Các chủ bếp sẽ tự sắm tủ lạnh, thiết bị nấu nướng và các nguyên liệu của riêng họ.
Mặc dù có một không gian dành để khách ăn tối ngay tại quầy nhưng GrabKitchen chủ yếu hoạt động như một cơ sở để giao đồ ăn tới văn phòng hoặc nhà riêng của khách hàng.
Trên thực tế, bếp trên mây không có gì mới. Những cửa hàng pizza chỉ giao hàng đã có ở khắp mọi nơi từ vài thập kỷ nay. Tuy nhiên, xu hướng công nghệ và tiêu dùng gần đây đã dẫn tới một sự bùng nổ của dịch vụ giao đồ ăn. Bếp trên mây vừa là kết quả của sự bùng nổ này và cũng là một câu trả lời cho chi phí thuê mặt bằng ngày một tăng cao.
Trước khi mở một căn bếp mới, Grab sẽ phân tích lịch sử tìm kiếm GrabFood của người dùng để xác định xem món ăn, đồ ăn nhanh hay đặc sản nào nổi tiếng ở địa phương đó nhưng lại thiếu nguồn cung. Sau đó, họ sẽ tìm ra một địa điểm tối ưu nhất với phong cách hoạt động tốt nhất để tối thiểu hóa rủi ro cho đối tác nhà hàng.
"Tiền thuê mặt bằng là một trong những rào cản lớn nhất với các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống tại Singapore. Với các nhà hàng, để đảm bảo doanh thu và lượng khách hàng đến tốt, địa điểm là thứ quan trọng hàng đầu. Điều đó có nghĩa là nhà hàng của bạn phải nằm ở một nơi giống như trung tâm thương mại nổi tiếng gần bến tàu. Điều đó đồng nghĩa với việc nó rất đắt và hiếm khi còn trống", Chiaki Kawamura – một chuyên gia tư vấn nói.
Chưa kể đến việc, chi phí mở một doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống không chỉ có thuê địa điểm. "Nếu muốn hoạt động một nhà hàng, bạn cần có một lượng vốn nhất định để đầu tư vào chỗ ngồi, nội thất và không gian. Đừng đáng giá thấp những chi phí như vậy", Ian Lin – nhà sáng lập Thai Dynasty nói.
Bếp trên mây giúp các chủ nhà hàng tiết kiệm được chi phí nhân lực. "Rất khó để tìm nhân viên cho các nhà hàng tại Singapoire vì vậy việc giảm được yêu cầu về người cũng là lợi thế lớn của những căn bếp trên mây".
Ngành công nghiệp nhà hàng của Singapore không chỉ phải đối mặt với việc giá thuê cao mà còn là tình trạng thiếu nguồn nhân lực. GrabKitchen cam kết với các đầu bếp rằng họ có thể giảm bớt những cơn đau đầu đó, giảm chi phí startup và giảm bớt nhu cầu giao tiếp vật lý với khách hàng.
Giám đốc GrabFood Singapore Dilip Reoussenaly nói rằng GrabKitchen còn mang lại một lợi ích nữa đó là cách rẻ tiền để thử nghiệm một mô hình mới.
GrabKitchen là "cách có chi phí thấp nhất, ít rủi ro nhất để mở rộng thêm địa điểm mới" với các chủ nhà hàng. Với nguồn nhân lực cơ bản như vậy các nhà hàng chỉ cần tập trung vào việc nấu thật ngon.
GrabKitchen là một phần chiến lược của Grab để mở rộng mảng kinh doanh liên quan tới thực phẩm. Theo Grab, người dùng tại 7 quốc gia nơi GrabFood hoạt động đã chi tiêu nhiều hơn 420% so với năm ngoái. Số lượng người dùng thì tăng gấp 3 trong cùng kỳ.
Thêm nữa, biên lợi nhuận trên mỗi khách hàng của GrabFood lớn hơn cả mảng gọi xe. Grab nhận 30 – 35% hoa hồng từ các khách hàng cá nhân cho một đơn hàng vận chuyển – tức là cao hơn mức hoa hồng 20% cho một cuốc xe. Quan trọng hơn, một vài nhà hàng còn "sẵn sàng chi" để quảng cáo thương hiệu trên ứng dụng Grab. Điều này cực kỳ quan trọng cho Grab để tạo ra sự bền vững cho doanh nghiệp. Trong mảng gọi xe, việc luôn phải đưa ra các khuyến mại nhằm thu hút người dùng để chiếm thị phần là một trở ngại lớn.
Theo Lim, dịch vụ giao đồ ăn có thể sắp giúp Grab đến điểm kinh doanh có lợi nhuận.
Kể từ sau những "tấm gương xấu" như Uber, WeWork càng ngày mô hình kinh doanh chú trọng chiếm thị phần bằng mọi giá thay vì đạt được lợi nhuận càng bị chỉ trích nặng nề. Chính tư duy này đã khiến Grab chuyển hướng tập trung vào việc phát triển mảng kinh doanh liên quan tới đồ ăn.
GrabKitchen đầu tiên mở vào tháng 9/2018 tại Jakarta. Năm ngoái, Grab mở nhiều bếp ăn hơn tại Indonesia cũng như TP Hồ Chí Minh và Bangkok. Tính tới cuối năm 2019, Grab đã mở hơn 50 bếp ăn như vậy.
Manila cũng là địa điểm tiếp theo đặt GrabKitchen, tức là quốc gia thứ 5 đánh dấu sự xuất hiện của các căn bếp trên mây của Grab.
Mảng kinh doanh bếp trên mây của châu Á hiện đang được dẫn đầu bởi kỳ lân Ấn Độ Rebel Foods và Panda Selected của Trung Quốc. Grab không phải là đơn vị duy nhất mang mô hình này tới Đông Nam Á. Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của họ còn có cả Gojek.
Gojek đã hợp tác với Rebel Foods để mở 100 bếp trên mây tại Indoensia trong 18 tháng tới.