Hiện nay đối với người bệnh tuyến giáp nói chung, và đặc biệt là ung thư tuyến giáp nói riêng trong và sau quá trình điều trị thường gặp một số triệu chứng như: khó nuốt, đau họng, đau cổ, mệt mỏi, viêm nhiễm. Do đó, người bệnh thường cảm thấy chán ăn, ăn không ngon, hoặc mất vị giác dẫn tới không cung cấp đủ năng lượng và các dưỡng chất cho cơ thể dẫn đến sức khỏe suy yếu, lâu hồi phục, thậm chí kéo dài thời gian nằm viện và làm tăng chi phí điều trị.
Ngoài ra, một số người bệnh do phải tiếp tục thực hiện quá trình điều trị i-ốt phóng xạ I-131 để loại bỏ những tế bào ung thư còn sót lại, trước khi tiếp nhận phóng xạ i-ốt I-131 khoảng 2 tuần người bệnh cần thực hiện chế độ ăn kiêng i-ốt dưới 50mcg. Tuy nhiên, trong thực tế khi thực hiện chế độ ăn kiêng này, người bệnh gặp phải nhiều khó khăn như kiêng khem quá mức dẫn đến suy nhược, thiếu dinh dưỡng hoặc khó tuân thủ vì không biết lựa chọn cũng như chế biến thực phẩm cho nên đã làm giảm đáp ứng quá trình điều trị. Vì vậy cần phải có một chế dinh dưỡng đúng cách với tuyến giáp. Vậy người bệnh tuyến giáp cần chế độ dinh dưỡng như thế nào?
Dinh dưỡng đúng cách cho người bệnh tuyến giáp
Theo TS. BS Vũ Hữu Khiêm, Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, BV Bạch Mai chia sẻ, nhìn chung, chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư nói chung và ung thư tuyến giáp nói riêng là tăng cường dinh dưỡng, chế độ ăn giàu Vitamin, khoáng chất, rau xanh, hoa quả tươi; không phải ăn kiêng khem gì đặc biệt. Bởi cơ thể khỏe mạnh thì hệ miễn dịch mới khỏe mạnh, giúp kiểm soát tốt bệnh tật.
Chỉ lưu ý đối với bệnh nhân ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật mà có chỉ định điều trị Iod phóng xạ hoặc bệnh nhân chuẩn bị làm xạ hình toàn thân với Iod-131 thì phải kiêng ăn các chế phẩm có Iod, muối Iod, chụp CT có cản quang trong vòng 3 – 4 tuần để cơ thể thể thật "đói Iod", khi đó làm xạ hình kết quả mới chính xác hoặc uống Iod điều trị mới hiệu quả.
Người bị bệnh ung thư tuyến giáp có nên dùng sữa hay không?
Nhiều sản phẩm sữa được biết đến là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cung cấp các dưỡng chất thiết yếu như: protein, chất béo, các vitamin và khoáng chất. Sữa mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể như dễ tiêu hóa, hấp thu hỗ trợ tăng cường sức khỏe, tăng cường khối cơ, duy trì trọng lượng, giúp xương, răng chắc khỏe…
Đặc biệt, đối với những người bị suy nhược, hay người có hệ tiêu hóa kém, chán ăn, mệt mỏi cần nhiều chất dinh dưỡng hơn để hồi phục sức khỏe nhanh chóng thì sữa thường được lựa chọn là sản phẩm hàng đầu trong việc cung cấp chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, trên thực tế không phải dòng sữa nào cũng phù hợp với từng loại bệnh và đặc biệt là đối với những người bệnh ung thư tuyến giáp.
Đánh giá về vấn đề này, bác sĩ Vũ Hữu Khiêm nhận xét, sữa là sản phẩm dinh dưỡng có nhiều protein, canxi, các vitamin nhóm B (thiamin, riboflavin, nacin, vitamin B6 và folate), vitamin A, vitamin C, magie và kẽm, đường lactose. Sữa cung cấp chất dinh dưỡng tốt cho người bệnh ung thư giúp nhanh chóng phục hồi cơ thể.
Ngoài ra, bác sĩ Khiêm còn khẳng định, chưa có nghiên cứu lớn nào cho thấy sữa làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư nói chung và tuyến giáp nói riêng hay tăng nguy cơ tái phát bệnh ung thư ở người bệnh đã điều trị.
Chính vì vậy, người bệnh ung thư tuyến giáp vẫn có thể uống sữa bình thường. Tuy nhiên, loại trừ trường hợp người bệnh ung thư tuyến giáp sau khi điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp và/hoặc không điều trị Iod phóng xạ được bác sỹ kê đơn uống hormon tuyến giáp thay thế suốt đời: levothyroxine thì được khuyến cáo rằng, "người bệnh không nên uống thuốc hormon tuyến giáp cùng với sữa bò vì sữa bò có hàm lượng canxi cao, có thể làm giảm khả năng hấp thu levothyroxine. Nên uống sữa xa khoảng thời gian uống thuốc levothyroxine".