Hầu hết mọi người đều không chú ý mấy đến tuyến giáp, trừ khi gặp vấn đề gì đó. Đây là một cơ quan, có hình cánh bướm nằm ở phía trước cổ, ngay dưới “trái táo Adam” và dọc theo khí quản.
Carol Wilson - một giáo viên khoa học tại Anh - chẳng bao giờ bận tâm đến tuyến giáp của mình cho đến một buổi sáng nọ. Bà thức dậy và cảm thấy vùng cổ họng khó chịu. “Đó không phải là viêm họng, nhưng tôi cảm thấy như mình vừa nuốt một quả bóng golf vậy”, bà nhớ lại.
Kết quả siêu âm cho thấy tuyến giáp của bà xuất hiện các nốt sần. Tuyến giáp là cơ quan quan trọng trong việc điều tiết quá trình chuyển hoá năng lượng và nhiệt độ cơ thể.
Chuyện một người phụ nữ ở độ tuổi 20 như Wilson gặp phải tình trạng này cũng không có gì lạ. Các vấn đề về tuyến giáp thường xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn gấp 8 lần so với đàn ông.
Nhiều nhà khoa học tin rằng khoảng 30% phụ nữ sẽ gặp phải vấn đề về tuyến giáp trong suốt quãng đời của mình. Trong số đó, tình trạng xuất hiện các nốt sần là phổ biến nhất.
Carol Wilson xuất hiện các nốt sần tại tuyến giáp ở độ tuổi 20, sau đó đã phải làm phẫu thuật cắt bỏ một nửa tuyến giáp.
Theo bác sĩ Elaine Cheung Yun Ning - chuyên gia nội tiết tại Hồng Kông (Trung Quốc), các bệnh liên quan đến tuyến giáp phổ biến nhất bao gồm: cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức gây run rẩy và đánh trống ngực), suy giáp (tuyến giáp kém hoạt động khiến bệnh nhân thiếu năng lượng và dễ tăng cân) và xuất hiện các nốt sần như Wilson.
Để có một tuyến giáp khỏe mạnh và sản sinh ra thyroxine - loại hormone vô cùng quan trọng, bạn cần bổ sung i-ốt. Chất này có trong hải sản, các sản phẩm làm từ sữa, trứng, và các loại muối gia vị chứa i-ốt. Một nhà hoá học người Pháp đã khám phá ra i-ốt vào năm 1811. Và chưa đầy một thế kỷ sau, khoa học đã phát hiện đây là thành phần quan trọng của tuyến giáp.
Wilson hoàn toàn không biết gì về vai trò của i-ốt đối với tuyến giáp cho đến khi cô gặp vấn đề thực sự. Bà chỉ biết đây là “một chất rắn màu xám chuyển thành chất khí màu tím”.
Để loại bỏ những nốt sần kia, Wilson phải làm phẫu thuật cắt bỏ một nửa tuyến giáp. Bác sĩ Cheung cho biết, đây là điều hết sức bình thường. “Bệnh nhân gặp vấn đề về tuyến giáp thường phải phẫu thuật cắt bỏ cơ quan này. Sau đó, họ sẽ phải dùng thuốc thay thế thyroxine lâu dài. Chỉ cần theo dõi sát sao, bệnh nhân có thể sống một cuộc đời bình thường và lâu dài như nhiều người khác”.
Một nửa tuyến giáp còn lại của Wilson vẫn hoạt động đủ tốt, do đó bà không cần phải thay thế thyroxine. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ thay đổi trong tương lai khi người phụ nữ 48 tuổi này già đi.
Làm thế nào để bảo vệ tuyến giáp?
Bác sĩ Cheung khuyến cáo mọi người nên tránh những loại thực phẩm và thuốc men có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp. Điều này đồng nghĩa với việc cắt giảm các loại đồ ăn đã qua xử lý chứa đường, chất làm ngọt nhân tạo, bột ngọt, MSG và chất béo.
Ngoài ra, một số loại rau cũng có thể là vấn đề, chẳng hạn như súp lơ, bắp cải, cải xoăn, su hào, cải xoong, cải chíp, cải Brussel… Tuy chúng rất giàu vitamin C và vitamin B9 nhưng việc thường xuyên ăn sống các loại rau này có thể ảnh hưởng tới tuyến giáp. Bởi lẽ, chúng chứa nhiều goitrogen - chất phá vỡ sự sản xuất hormone tuyến giáp. Do đó, khi ăn các loại rau này, chúng ta cần hấp kỹ hoặc luộc chín để loại bỏ 90% chất goitrogen này.
Việc ăn sống súp lơ, bắp cải, cải xoăn, su hào, cải xoong, cải chíp, cải Brussel... có thể gây ảnh hưởng đến tuyến giáp. (Ảnh: Shutterstock)
Môi trường sống cũng tác động phần nào tới chức năng của tuyến giáp. Ví dụ, theo một nghiên cứu được công bố năm 2010, chảo chống dính có liên quan tới các bệnh về tuyến giáp. Các nhà khoa học cũng phát hiện bằng chứng cho thấy nhựa mềm cũng gây gián đoạn chức năng tuyến giáp.
Vì chúng ta không thể tránh hoàn toàn những chất độc hại này, việc hạn chế tiếp xúc là điều cần thiết. Chẳng hạn, bạn nên ăn đồ tươi sống thay vì mua thực phẩm đông lạnh hay đóng hộp, bảo quản đồ ăn trong các hộp thuỷ tinh hoặc sứ thay vì dùng hộp nhựa.
Bên cạnh đó, duy trì sức khỏe tốt cũng là một cách giúp tuyến giáp hoạt động bình thường. Bạn cần vận động thường xuyên, ngủ đủ giấc và ăn uống theo chế độ lành mạnh. Các nghiên cứu lâm sàng đã cho thấy, việc hấp thụ một liều selen mỗi ngày có thể bảo vệ tuyến giáp của bạn. Selen là một loại khoáng chất vi lượng thường có nhiều trong các loại hạt Brazil.
Ngoài ra, còn ba căn bệnh khác có thể gây ảnh hưởng đến tuyến giáp: bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto, bệnh Graves và ung thư.
Bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới tình trạng suy giáp, thường xảy ra ở phụ nữ tuổi trung niên. Nó xuất hiện khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công tuyến giáp và huỷ hoại khả năng sản sinh hormone.
Bệnh Graves cũng là một bệnh liên quan tới hệ thống miễn dịch tự động. Đây là nguyên nhân chính gây ra cường giáp ở phụ nữ trẻ.
Ung thư tuyến giáp thường biểu hiện dưới dạng các nốt sưng, không quá khác biệt so với tình trạng mà Wilson gặp phải. Tuy nhiên, may mắn là trong trường hợp của bà, hầu hết các nốt sần đều lành tính, chỉ khoảng 5% trong số đó là ác tính.
Những điều cần chú ý về tuyến giáp
Sai: Tuyến giáp xuất hiện cục u hoặc nốt sần có nghĩa là bạn đã mắc ung thư tuyến giáp.
Đúng: Chỉ 5% số nốt sần trên tuyến giáp có thể gây ung thư.
Sai: Tất cả những người gặp vấn đề về tuyến giáp đều bị lồi mắt.
Đúng: Lồi mắt chỉ là một trong những triệu chứng của bệnh tuyến giáp, thường xuất hiện khi bạn mắc cường giáp.
Sai: Chỉ những người trung niên hoặc cao tuổi mới bị bệnh về tuyến giáp.
Đúng: Mọi người có thể mắc bệnh tuyến giáp ở bất kỳ độ tuổi nào, dù là nam hay nữ. Cứ 5 phụ nữ lại có 1 người bị bệnh tuyến giáp ở độ tuổi 60.
Sai: Các bệnh về tuyến giáp thường được chẩn đoán bằng việc xác định triệu chứng.
Đúng: Khoảng 60% số người mắc bệnh tuyến giáp không biết mình bị bệnh.
Sai: Bạn không thể giảm cân khi mắc suy giáp.
Đúng: Nếu việc dùng thuốc có hiệu quả, bệnh suy giáp sẽ không ảnh hưởng đến khả năng giảm cân của mình.
(Theo SCMP)