Bệnh nhân mắc Covid-19 nặng nhất Việt Nam: Từ tiên lượng tốt đến ngừng tim và hành trình giành giật sự sống từng giây của các y bác sĩ

Thu Hường - Ảnh: Tuấn Mark - TK: Đỗ Linh | 17-05-2020 - 08:42 AM

(Tổ Quốc) - “Câu nói tôi nghe nhiều nhất là: “Cố lên, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi”. Các bác sĩ luôn nói như thế. Còn tôi thì lại cầu nguyện, nếu tỉnh dậy mà khỏe mạnh thì thật tốt, nếu không, xin được ra đi thanh thản để không trở thành gánh nặng cho gia đình"

"Tôi sống sót là nhờ những lời cầu nguyện của người thân và cố gắng điều trị của các y bác sĩ"

Trở về từ cõi chết, bà Lê Tuyết H. (bệnh nhân số 19) đã từng cùng người nhà khóc đến nức nở. Ở tuổi ngoài 60, bà chưa từng nghĩ sẽ có lúc phải trải qua sinh tử như thế.

Một ngày khi tỉnh dậy sau hôn mê, bà hoảng sợ khi nhận thấy cơ thể được gắn với rất nhiều loại máy (máy đo nhịp tim, máy thở), gắn ống xông tiểu, xông hậu môn, dây truyền dinh dưỡng tĩnh mạch và đường ăn xông.

"Rồi tôi không còn ý thức được ngày tháng, đầu óc quay cuồng, không suy nghĩ được gì. Khi nào tỉnh táo một chút, tôi luôn tự hỏi: "Sao mình lại như thế này, sao mình lại ảnh hưởng đến mọi người như thế".

Bệnh nhân mắc Covid-19 nặng nhất Việt Nam: Từ tiên lượng tốt đến ngừng tim và hành trình giành giật sự sống từng giây của các y bác sĩ - Ảnh 1.

Lúc mệt mỏi nhất, cảm giác ý thức dần mơ hồ, tiếng gọi bên tai và người bên cạnh bà luôn luôn là các y bác sĩ. "Câu nói tôi nghe nhiều nhất là: "Cố lên, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi". Các bác sĩ luôn nói như thế. Còn tôi thì lại cầu nguyện, nếu tỉnh dậy mà khỏe mạnh thì thật tốt, nếu không, xin được ra đi thanh thản để không trở thành gánh nặng cho gia đình".

Những lúc khó khăn nhất, bà H đã luôn hôn mê và không thể biết chuyện gì đang diễn ra. Sau này, bà chỉ nghe y bác sĩ kể lại tình trạng của mình, rằng đã có lúc bà từng bị ngừng tim. "Tôi đã bật khóc và biết ơn họ rất nhiều, vì họ đã không bỏ cuộc, đã dốc hết sức điều trị và cầu nguyện cho tôi. Tôi nghĩ, mình sống được là nhờ sự cầu nguyện của người thân và cố gắng điều trị của các y bác sĩ. Đó là một may mắn quá lớn".

Bệnh nhân mắc Covid-19 nặng nhất Việt Nam: Từ tiên lượng tốt đến ngừng tim và hành trình giành giật sự sống từng giây của các y bác sĩ - Ảnh 2.

Sau những chấn động tâm lý và tụt dốc về sức khỏe, bà H đã dần bĩnh tĩnh và hồi phục thể lực. Việc đầu tiên bà dặn dò các con khi gọi điện cho họ là nhắc nhở phải nhớ ơn y bác sĩ và đừng ỷ lại mình còn trẻ mà chủ quan với sức khỏe. "Trên đời này, sức khỏe và bình an là quan trọng nhất. Ai cũng biết thế nhưng lúc bị bệnh nặng mới thấm thía thật sâu sắc".

"Bác sĩ phải đưa bô cho tôi đi vệ sinh, nịnh nọt để tôi húp từng thìa sữa"

Không phải can thiệp ECMO như bà H, nhưng bệnh nhân N số 162 cũng từng diễn tiến rất nặng. Bà là người đã lây nhiễm từ khi tới BV Bạch Mai chăm sóc mẹ chồng (BN số 161) ở khoa Thần kinh.

"Sau khi mẹ chồng tôi dương tính, lần lượt tôi và chồng mình cùng một người thím cũng nhập viện. Cảm giác lúc đó thật sự rất hoang mang, khi trong gia đình, có tới 4 người cùng mắc Covid-19, mà tôi và mẹ chồng đều diễn tiến nặng".

Bệnh nhân mắc Covid-19 nặng nhất Việt Nam: Từ tiên lượng tốt đến ngừng tim và hành trình giành giật sự sống từng giây của các y bác sĩ - Ảnh 4.

Bốn ngày sau khi nhập viện, bà N từ một người khỏe mạnh, bỗng trở nặng, phải đưa xuống phòng cấp cứu, thở oxy. Khi tỉnh lại, ngay cả việc nhấc chiếc điện thoại cục gạch bé xíu, bà cũng không làm được.

"Tôi cảm giác như mình sắp chết đuối, chỉ việc thở thôi cũng đã thật khó khăn. Kể từ khi phát bệnh, tay chân tôi sưng vù, trắng bệch ra. BS nói tôi bị thiếu muối khá nghiêm trọng. Mỗi ngày, họ đều pha những ca nước muối thật to, nói tôi phải uống, khi ăn cháo, họ cũng chan đầy nước muối mặn chát".

Không còn một chút sức lực nào, tất cả mọi sinh hoạt của bà N đều do các y bác sĩ chăm lo, từ việc ăn uống, thay quần áo đến chuyện phải đưa bô, đi vệ sinh tại giường bệnh.

"Khi tôi không ăn nổi, các y tá đã động viên: chúng cháu cũng muốn về nhà lắm rồi, bọn cháu đã phải túc trực ở viện từ Tết chưa được gặp người nhà, bác phải thương tụi cháu chứ. Thế là cứ mỗi ngày, các y tá bón cho tôi 3 bữa cháo, 3 bữa sữa, lại thêm hoa quả. Họ cho tôi ăn quá trời. Tôi cảm nhận, sức lực của mình chỉ dồn cho việc ăn, thở và ngủ".

Bệnh nhân mắc Covid-19 nặng nhất Việt Nam: Từ tiên lượng tốt đến ngừng tim và hành trình giành giật sự sống từng giây của các y bác sĩ - Ảnh 5.

Để vượt qua cửa tử, bà N phải tiêm rất nhiều loại thuốc đến nỗi vùng bụng thâm đen vì vết tiêm, các mạch ven ở hai cánh tay đều bị lấy đi lấy lại đến nát bươm. Các bác sĩ nói phổi của bà bị "héo". Lúc đó, bà vừa hoảng sợ, vừa rất mệt mỏi.

"Lúc tôi thấy mình mệt lắm rồi, tưởng như sắp không cố nổi nữa thì các bác sĩ lại động viên: "Được thở bóp bóng thế này là mừng lắm rồi, bà đã cố được 70% rồi, chỉ còn một chút nữa là được về nhà". Nghe thấy câu "một chút nữa được về nhà", tôi lại có thêm động lực".

Sau khi được công bố khỏi bệnh, bà N vẫn ở lại viện cách ly 14 ngày. Trong lúc tưởng đã khỏe, bà lại bị sốt, ho, khó thở. Ban đầu, bà từng rất hoảng sợ khi nghĩ mình bị tái dương tính. Nhưng rất may, đó chỉ là bệnh viêm phổi thông thường. "Những lần đảo ngược tình thế, từ khỏe mạnh, bị bệnh, khỏe rồi lại ốm trở lại như vậy khiến tôi rất lo lắng. Thấy tôi lo, các bác sĩ luôn là người động viên đầu tiên"

Giống như bệnh nhân số 19, điều bà N mong mỏi nhất lúc này là được về nhà gặp người thân. "Khi đó, tôi sẽ kể với mọi người thật nhiều chuyện về các y bác sĩ ở đây. Nếu không có họ, không có sự động viên và chăm sóc tận tình ấy, tôi không dám chắc mình sẽ vượt qua những lúc khó khăn, hoang mang và hoảng sợ nhất".

"Tôi đã sốc khi bệnh nhân bất ngờ ngừng tim suốt 45 phút"

BS Mạc Duy Hưng – người được giao nhiệm vụ trực tiếp theo sát diễn biến bệnh tình của bệnh nhân số 19 chia sẻ, Covid-19 là một căn bệnh rất khó lường. Mọi diễn biến của nó có thể xảy đến đột ngột. Khi mới nhập viện, bệnh nhân H vẫn còn khá khỏe mạnh, ăn uống, đi lại bình thường. Nhưng bất ngờ đến ngày 15/3, bệnh nhân trở nặng, phải can thiệp ECMO. Sau đó, bệnh nhân tiến triển tốt, được chỉ định rút ECMO và rồi lại trở nặng một cách đột ngột

"1h sáng hôm 1/4  đã trở thành quãng thời gian rất khó quên đối với chúng tôi khi bà H ngừng tim suốt 45 phút, phải sốc điện tới 3 lần". Tính đến thời điểm này, đây là ca cấp cứu ngừng tim dài nhất, áp lực nhất đối với anh. Suốt 45 phút, tim của bệnh nhân không đập. Các bác sĩ đã phải thử rất nhiều cách. 

Bệnh nhân mắc Covid-19 nặng nhất Việt Nam: Từ tiên lượng tốt đến ngừng tim và hành trình giành giật sự sống từng giây của các y bác sĩ - Ảnh 6.

"Tâm trạng của tôi thay đổi rất nhiều, từ lạc quan, vui vẻ đến sốc, bất ngờ rồi thất vọng khi trải qua một thời gian khá dài, tim của bà H vẫn ngừng. Các bác sĩ đã đều cố gắng hết sức, làm mọi biện pháp có thể, với hy vọng bệnh nhân được sống. Nhưng vì thời gian cấp cứu lâu, nên tôi đã từng tuyệt vọng vì nghĩ, có lẽ bệnh nhân sẽ ra đi".

Nhưng rồi điều kỳ diệu đã diễn ra. Sau 45 phút cấp cứu, tim bệnh nhân đập trở lại. Những ngày sau đó, bà H dần hồi phục và tới nay, đã được công bố khỏi bệnh.

Nói về sự thành công này, BS Hưng tin, đó là sự cố gắng của cả mọi người. Trong quá trình điều trị, ngoài phác đồ của Bộ Y tế, các bác sĩ đã phải liên tục học hỏi, tra cứu xem trên thế giới đã có hiểu biết mới gì về căn bệnh này, để từ đó, có những quyết định chính xác nhất.

Bệnh nhân mắc Covid-19 nặng nhất Việt Nam: Từ tiên lượng tốt đến ngừng tim và hành trình giành giật sự sống từng giây của các y bác sĩ - Ảnh 8.

Bệnh nhân H từng có .lúc ngừng tim suốt 45 phút

"Phác đồ điều trị đã phải thay đổi hàng ngày, hàng giờ. Rất nhiều giáo sư giỏi trên cả nước trong Hội đồng chuyên môn phải tham gia hội chẩn hàng ngày. Vì căn bệnh này quá mới, thế giới cũng chưa hiểu biết rõ ràng, cụ thể về tính chất gây bệnh, cũng như các nghiên cứu tác dụng thuốc và cách điều trị".

Theo BS Hưng, để cứu được bệnh nhân H, quan trọng nhất là khâu hồi sức, duy trì tính mạng (can thiệp thở máy, ECMO…); tiếp sau đó là quá trình điều trị kết hợp sử dụng thuốc kháng virus, kháng sinh, thuốc chống đông, thuốc điều trị triệu chứng… Nhưng trên hết, thành công lần này tới từ sự chăm sóc tận tình và bảo đảm dinh dưỡng cho bệnh nhân hàng ngày của tập thể nhân viên y tế trong khoa.

"Những việc như: vệ sinh, chăm sóc ăn uống, tắm rửa, lật trở mình… cho bệnh nhân đều do nhân viên của khoa làm. Tiếp xúc gần như vậy, chúng tôi cũng cảm thấy lo lắng vì dù đã mang đồ phòng hộ cũng không đảm bảo được 100%. Nhưng mọi người chỉ biết phải cố gắng tuân thủ các nguyên tắc. Và với chúng tôi thì dù là ai, bị bệnh gì, Covid-19 hay không phải Covid-19, chúng tôi đều nỗ lực hết sức".

Thống kê hồi cuối tháng 4, Việt Nam cùng với Reunion là 2 nơi hiếm hoi nhất trên thế giới có trên 200 ca mắc nhưng chưa có trường hợp nào tử vong vì Covid-19, dù có bệnh nhân nặng. Nói về điều này, TS Vũ Đình Phú (Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu) chia sẻ, yếu tố quyết định làm nên thành công bước đầu này là nhờ khâu y tế dự phòng đã làm quá tốt. Sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị đã giúp kiểm soát số lượng bệnh nhân không lớn đến mức gây quá tải cho hệ thống y tế.

"Ở nhiều nước, vì bệnh viện bị quá tải, y bác sĩ mệt mỏi, căng thẳng nên mới gây ra sơ suất và lây nhiễm trên nhân viên y tế nhiều như thế".

Theo TS Phú, muốn cứu sống bệnh nhân, trước tiên phải đảm bảo sức khỏe, sự thoải mái tinh thần, tỉnh táo cho các y bác sĩ. "Vấn đề quan trọng là phải phân chia thời gian hợp lý, để y bác sĩ có đủ thời gian nghỉ ngơi. Rất may, vì số lượng bệnh nhân ít nên việc này không quá khó".

Khoa Hồi sức Cấp cứu đã xây dựng kịch bản đảm bảo cho 25 bệnh nhân đặc biệt nặng, phải can thiệp máy móc để duy trì sự sống. "Khi quá số lượng này, chúng tôi sẽ phải huy động cơ sở y tế khác tiếp tục vào cuộc. Nhưng rất may, tình huống đó vẫn chưa xảy ra".



CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM