Bệnh nhân 227 có phải F4 đầu tiên mắc Covid-19 tại Việt Nam? Hai chuyên gia chỉ ra điều còn quan trọng hơn câu hỏi này!

Ngọc Minh | 04-04-2020 - 11:33 AM

(Tổ Quốc) - Dù là F mấy thì bệnh vẫn chỉ lây qua tiếp xúc gần. Do vậy không cần quá quan tâm tới trường hợp F bao nhiêu mắc bệnh. Thay vào đó cần nâng cao ý thức cá nhân để bảo vệ chính mình.

Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho hay, đến 7 giờ 50 phút, ngày 4/4/2020 tổng số trường hợp mắc Covid-19 trên thế giới 1.097.810. Tại Việt Nam đã có 239 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 44 ca liên quan tới "ổ dịch" tại Bệnh viện Bạch Mai.

Vào ngày 2/4, Bộ Y tế thông tin Việt Nam có thêm 5 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh ở nước ta lên 227 người. Đang chú ý nhất đó là trường hợp bệnh nhân 227 là con trai của bệnh nhân 209.

Được biết bệnh nhân 209 là đồng nghiệp của bệnh nhân 163 (con dâu của bệnh nhân 161, 88 tuổi, quê Hưng Yên trước đó đã điều trị tại khoa thần kinh). Bệnh nhân 209 và 163 đều là nhân viên nấu ăn của Công ty xăng dầu khu vực 1 (Long Biên, Hà Nội).

Có ý kiến cho rằng bệnh nhân 227 là trường hợp F4 đầu tiên tại Việt Nam mắc bệnh Covid-19, điều này thể hiện mức độ lây lan của bệnh sẽ rất lớn.

Bệnh nhân số 227 có phải là trường hợp F4 đầu tiên mắc bệnh Covid-19 tại Việt Nam? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Trưởng Khoa Y tế công cộng và Điều dưỡng, Trường Đại học Quang Trung, cho hay khi dịch bệnh đã có trong cộng đồng thì rất khó có thể xác định được bệnh nhân mắc bệnh là trường hợp F mấy. Việc xác định F4 hay Fn không còn quan trọng bằng việc phát hiện ca dương tính và những người tiếp xúc với họ.

"Hiện nay, việc truy nguồn gốc của các ca bệnh mắc bệnh là rất khó. Vì những ca 161, 163, 209 và 277 không rõ là ai lây cho ai trước. Nên xác định các F trong cộng đồng giờ là khó. Nhưng nếu cách ly trong gia đình thì dễ xác định hơn", PGS Huy Nga chia sẻ quan điểm.

Cũng theo chuyên gia dịch tễ dịch bệnh đã lây lan trong cộng đồng thì vấn đề mấu chốt là lây truyền bệnh qua tiếp xúc gần. Vì vậy, cách duy nhất để tránh nguy cơ mắc bệnh chính là tránh tiếp xúc gần, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, thực hiện tốt cách ly xã hội.

Nếu phải tiếp xúc gần cần lưu ý giữ khoảng cách nói chuyện 2m và phải đeo khẩu trang. Lưu ý không tụ tập quá 2 người.

Đồng quan điểm với PGS Huy Nga, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng I, TP.HCM cho hay: "Dù là F2, F3 hay F4 thì bệnh vẫn chỉ lây qua tiếp xúc gần. Do vậy không cần quá quan tâm tới trường hợp F bao nhiêu mắc bệnh, thay vào đó mọi người phải nâng cao ý thức cá nhân để bảo vệ chính mình.

Khi tất cả mọi người cùng làm tốt các biện pháp phòng hộ như: Cách ly cá nhân; không tập trung quá 2 người; không tiếp xúc gần (khoảng cách an toàn là 2m); mang mũ chống giọt bắn khi có tiếp xúc; rửa tay và không đưa tay lên mặt… sẽ cắt đứt được con đường lây truyền của bệnh".

Để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 , Bộ Y tế đề nghị người dân thực hiện tốt 5 điểm sau đây:

1. Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.

2. Nếu buộc phải ra ngoài luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m.

3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

4. Vệ sinh và để thông thoáng nhà cửa; lau rửa thường xuyên các bề mặt, các điểm hay tiếp xúc; sinh hoạt lành mạnh.

5. Thực hiện khai báo y tế trên ứng dụng NCOVI ( ncovi.vn ), hoặc khai trực tuyến trên tokhaiyte.vn ; cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ với cơ sở y tế

Đọc các bài viết tác giả Ngọc Minh để nắm bắt thông tin y tế, sức khỏe mới nhất.

Bệnh nhân số 227 có phải là trường hợp F4 đầu tiên mắc bệnh Covid-19 tại Việt Nam? - Ảnh 4.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM