Tỷ lệ mắc các bệnh lý về gan, trong đó có ung thư gan ở Việt Nam đang có xu hướng tăng. Cụ thể, có khoảng 10 - 20% dân số nước ta nhiễm viêm gan B, 5% dân số nhiễm viêm gan C. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính khoảng 57% số người nhiễm viêm gan B, C tiến triển thành xơ gan và 78% số bệnh nhân này có thể bị ung thư gan. Thêm vào đó, các yếu tố lối sống cũng góp phần nhất định trong việc hình thành và phát triển bệnh gan.
Vậy, làm thế nào để nhận biết kịp thời các dấu hiệu của bệnh gan? Làm thế nào để phòng tránh bệnh? Hãy cùng lắng nghe tư vấn của PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Gan Mật Việt Nam, trong buổi tọa đàm của chương trình “Chuyện khó có bác sĩ” với chủ đề Nhận biết bệnh gan trước khi quá muộn.
Dưới đây là một số nội dung chính của chương trình:
Các bệnh lý về gan
Hỏi: Nguyên nhân các bệnh lý về gan gia tăng tại Việt Nam là gì?
Đáp: Gan là một trong những bộ phận quan trọng trong cơ thể con người và được ví như “nhà máy hóa chất”. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh lý về gan:
- Virus gây viêm gan A, B, C, D và E. Trong đó, virus gây viêm gan B, C và D có thể gây ra bệnh gan mạn tính, làm tăng nguy cơ mắc xơ gan và ung thư gan.
- Sử dụng thuốc sai cách, do tiếp xúc với hóa chất, do nấm mốc,... gây ra bệnh lý viêm gan nhiễm độc.
- Do nhiễm trùng gồm sốt rét, sốt xuất huyết, nhiễm ký sinh trùng.
- Do rối loạn chuyển hóa là thừa cân, béo phì.
- Các bệnh lý về viêm gan tự miễn cũng có thể gây tổn thương gan.
Các bệnh lý về gan đang có xu hướng tăng, đáng chú ý nhất là viêm gan do rối loạn chuyển hóa, đặc biệt là viêm gan do rượu. Ngoài ra, tình trạng thừa cân, béo phì do ăn uống không khoa học cũng là một trong những yếu tố khiến các bệnh lý về gan gia tăng.
Hỏi: Các bệnh lý về gan phát triển gây ảnh hưởng tới sức khoẻ như thế nào?
Đáp: Nếu không được khám chữa bệnh kịp thời, người mắc bệnh gan có thể rơi vào tình trạng viêm gan cấp. Viêm gan cấp không được điều trị có thể tiến triển thành viêm gan mạn tính.
Ví dụ như viêm gan B và C cần được tiến hành điều trị trong giai đoạn cấp và mạn tính. Viêm gan B và C không được điều trị kịp thời sẽ gây khó khăn cho quá trình điều trị, tăng nguy cơ mắc xơ gan hoặc ung thư tế bào gan.
Hỏi: Bệnh gan do virus gây ra hay bệnh gan do vấn đề chuyển hóa nguy hiểm hơn?
Đáp: Bệnh gan do virus và bệnh gan do chuyển hóa có mức độ nguy hiểm như nhau. Trong đó, viêm gan do virus nếu được phát hiện và điều trị kịp thời có thể đem lại hiệu quả điều trị tương đối cao. Tuy nhiên, những người bị viêm gan do virus có thể mắc kèm viêm gan do rượu, do chuyển hóa cùng lúc. Điều này có thể khiến các bệnh lý về gan trở nên nguy hiểm hơn.
Hỏi: Nhiều người tin rằng chỉ những người thừa cân, béo phì mới mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Điều này liệu có đúng không, thưa chuyên gia?
Đáp: Đa số các trường hợp thừa cân béo phì đều mắc gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên, một số ít trường hợp bệnh nhân bị suy dinh dưỡng, dẫn tới tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid và có thể gây ra gan nhiễm mỡ.
Hỏi: Có nhiều tin đồn cho rằng dùng đũa mốc, thớt mốc, ăn thực phẩm bị mốc có thể gây ung thư gan. Điều này có đúng không?
Đáp: Như đã nói ở trên, một trong những nguyên nhân gây ra bệnh lý về gan là nấm mốc hoặc do uống thuốc Đông y không rõ nguồn gốc. Ăn phải nấm mốc có thể gây ra tổn thương gan cấp tính, nặng. Ngoài ra, ăn phải nấm mốc trong thời gian dài còn có thể dẫn tới ung thư gan.
Hỏi: Nhiều người cho rằng ung thư gan là bệnh lây nhiễm và có thể di truyền. Nhận định này có đúng không? Có phải bệnh về gan nào cũng là bệnh lây nhiễm?
Đáp: Ung thư gan có thể lây nhiễm nhưng không phải lây nhiễm giữa ung thư với ung thư. Các bệnh lý do virus viêm gan B, C hoặc D có thể lây nhiễm và nếu các bệnh lý do virus viêm gan gây ra không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới xơ gan và ung thư gan.
Ngoài ra, ung thư gan có yếu tố gia đình. Nếu trong gia đình từng có người mắc ung thư gan do nhiễm virus viêm gan và các thành viên trong gia đình cũng mắc viêm gan do virus thì mọi người cần điều trị sớm viêm gan, tầm soát ung thư gan.
Hỏi: Trong các loại virus gây viêm gan, đâu là loại virus nguy hiểm nhất? Virus gây viêm gan lây truyền qua con đường nào?
Đáp:
- Virus viêm gan A và E thường lây qua đường tiêu hóa, khi ăn uống. Tuy nhiên, 2 loại virus này thường không gây ra tình trạng viêm gan mạn tính.
- Virus viêm gan B, C, D gây ra, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới xơ gan và ung thư tế bào gan. Virus viêm gan B, C, D thường lây truyền qua đường huyết thanh (lây truyền từ mẹ sang con, lây truyền qua đường máu và đường tình dục).
Hỏi: Virus viêm gan B và virus viêm gan C khi gây bệnh thường chia ra thành 2 giai đoạn cấp tính và mạn tính. Vậy tỷ lệ virus gây bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính có cao không?
Đáp:
- Đối với viêm gan B:
Nếu mắc viêm gan virus B qua đường mẹ truyền sang con, khả năng bệnh chuyển sang mạn tính là 80%.
Nếu nhiễm viêm gan B trong độ tuổi trưởng thành (15 - 16 tuổi trở lên), khả năng bệnh chuyển sang mạn tính chỉ từ 5 - 10%.
- Đối với viêm gan C:
Tỷ lệ viêm gan C chuyển sang giai đoạn mạn tính có thể lên tới 70 - 80%. Do đó nếu mắc viêm gan C, người bệnh cần điều trị ngay từ giai đoạn cấp tính vì bệnh có tỷ lệ chuyển sang mạn tính cao.
Bệnh gan diễn tiến âm thầm - Nhận biết và phòng tránh thế nào?
Hỏi: Các dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh lý về gan là gì?
Đáp: Ở giai đoạn cấp tính, bệnh nhân có thể có các biểu hiện như sốt nhẹ, vàng mắt, vàng da, vàng củng mạc… Tuy nhiên, cũng có trường hợp bệnh nhân không có biểu hiện gì đặc biệt và các bệnh lý về gan vẫn diễn tiến trong âm thầm.
Hỏi: Làm thế nào để phòng tránh các bệnh về gan?
Đáp: Để phòng tránh các bệnh về gan, chúng ta cần:
- Tiêm phòng vaccine để giảm thiểu nguy cơ nhiễm virus viêm gan, từ đó hạn chế nguy cơ mắc xơ gan, ung thư gan.
- Bệnh viện và cơ sở y tế cần sử dụng kim tiêm 1 lần, tránh nguy cơ lây nhiễm viêm gan qua đường máu.
- Chế độ ăn uống: Tránh sử dụng các chất kích thích; Hạn chế sử dụng bia, rượu; Ăn các loại thực phẩm dễ tiêu như hoa quả, rau củ; Uống nhiều nước; Hạn chế ăn quá nhiều, ăn thừa calo để ngăn ngừa thừa cân béo phì, tăng nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ.
- Chế độ tập luyện có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa các bệnh về gan, đặc biệt là gan nhiễm mỡ. Sử dụng thuốc, chế độ ăn uống phù hợp và chế độ tập luyện thể dục được ví như “chiếc kiềng 3 chân” trong quá trình điều trị bệnh.
Hỏi: Tại sao rượu bia lại gây hại cho gan?
Đáp: Rượu bia khi tiến vào cơ thể thường được chuyển hoá trong tế bào gan. Thông thường nếu chỉ uống rượu với số lượng ít, gan vẫn có đủ khả năng chuyển hoá. Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều, gan sẽ không chuyển hoá kịp và có thể tạo thành các chất độc gây hại cho tế bào gan.
Tất cả các loại rượu khi vào cơ thể đều gây hại cho gan nếu uống quá nhiều hoặc uống quá thường xuyên. bao gồm cả rượu vang và rượu đã khử andehit (rượu không chứa cồn).
Hỏi: Nhiều người có thói quen uống một số thực phẩm chức năng hoặc các loại lá một cách thường xuyên với mục đích “mát gan, giải độc”. Điều này có cần thiết và hợp lý?
Đáp: Chúng ta có thể sử dụng các loại thực phẩm giúp mát gan thải độc như atiso, nhân trần, cây chó đẻ,... Tuy nhiên, cần lưu ý lựa chọn các loại thực phẩm không có hoá chất vì điều này có thể gây hại cho gan.
Hỏi: Các phương pháp điều trị các bệnh lý về gan là gì?
Đáp: Để điều trị các bệnh lý về gan, các y bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân gây tổn thương gan và giai đoạn tổn thương gan.
- Đối với xơ gan do viêm gan virus, chúng ta có thể sử dụng các loại thuốc ức chế virus.
- Đối với viêm gan nhiễm độc, chúng ta có thể sử dụng phương pháp truyền dịch và thuốc hạ men gan để phòng ngừa xơ gan.
- Đối với viêm gan do nhiễm trùng khi mắc sốt xuất huyết hoặc sốt rét, chúng ta cần điều trị khỏi sốt xuất huyết và sốt rét.
- Đối với trường hợp xơ gan cổ trướng, nếu bệnh nhân bị giảm albumin sẽ cần truyền albumin, truyền huyết thanh tươi đông lạnh nếu bệnh nhân xuất hiện tình trạng đông máu. Ngoài ra, nếu bệnh nhân bị giảm tiểu cầu, bác sĩ có thể tiến hành truyền khối tiểu cầu. Nếu bệnh nhân xuất hiện tình trạng nhiễm trùng ổ bụng thì cần sử dụng thêm kháng sinh. Xơ gan cổ trướng có thể đi kèm với tổn thương thận và bác sĩ sẽ điều trị song song tổn thương thận.
Nhìn chung, khi mắc các bệnh lý về gan, chúng ta cần theo dõi thường xuyên và cẩn thận để phòng tránh bệnh lý gan tiến triển nặng đến giai đoạn xơ gan cổ trướng.
Hỏi: Ung thư gan có thể điều trị khỏi được không?
Đáp: Đối với những người mắc ung thư gan ở giai đoạn đầu, khối u chưa lan tỏa, bác sĩ có thể sẽ cắt bỏ gan hoặc đốt sóng cao tần, nút mạch để tăng hiệu quả điều trị. Có rất nhiều trường hợp bệnh nhân mắc ung thư gan đã điều trị thành công và có thể sống được 8 - 10 năm.
Hỏi: Mọi người thường truyền tai nhau thuốc Đông y có thể chữa khỏi bệnh gan, thậm chí cả bệnh ung thư gan. Điều này có đúng không, thưa bác sĩ?
Đáp: Hiện nay, chưa có bất kỳ loại thuốc Đông y nào được nghiên cứu và cho kết quả có thể điều trị khỏi hoàn toàn các bệnh về gan và ung thư gan. Thậm chí, việc điều trị theo phương pháp này còn có thể khiến tình trạng bệnh trở nặng và khiến bệnh nhân lỡ mất cơ hội điều trị khỏi bệnh.
Hỏi: Những người có bệnh về gan rồi cần làm gì để ngăn bệnh chuyển nặng và kiểm soát được bệnh?
Đáp: Để ngăn bệnh chuyển nặng, những người mắc bệnh về gan cần đi khám bác sĩ chuyên khoa thường xuyên để theo dõi tình trạng bệnh.