Bệnh đậu mùa khỉ do virus MPXV bùng phát ở Châu Âu, đây là những gì bạn cần biết

Thanh Long | 20-05-2022 - 21:15 PM

(Tổ Quốc) - Liệu đậu mùa khỉ có trở thành đại dịch như đậu mùa hay COVID-19?

Thế giới đã không còn nhắc đến bệnh đậu mùa kể từ năm 1980, sau khi WHO chính thức tuyên bố căn bệnh đã bị xóa sổ trên phạm vi toàn thế giới. Kết quả này có được là nhờ chiến dịch tiêm chủng bền bỉ và hiệu quả được thực hiện trong suốt thế kỷ 19 và thể kỷ 20.

Vắc-xin đậu mùa cũng là loại vắc-xin đầu tiên mà loài người có được. Nhờ có nó, đậu mùa cũng trở thành căn bệnh đầu tiên và duy nhất bị con người quét sạch cho đến hiện nay.

Tuy nhiên, trong hơn 1 tuần trở lại đây, chúng ta đột nhiên lại nghe về một dịch đậu mùa khỉ đang bùng phát mạnh ở Châu Âu.

Các quốc gia lần lượt ghi nhận các ca bệnh bao gồm Anh (9 ca), Bồ Đào Nha (14 ca), Tây Ban Nha (7 ca và 22 trường hợp nghi nhiễm). Thụy Điển, Ý và Hoa Kỳ, mỗi nước ghi nhận 1 ca.

Vậy bệnh đậu mùa khỉ là gì? Nó có phải là một thất bại của vắc-xin hay không? Liệu cơn ác mộng mang tên đậu mùa có đang quay trở lại?

Bệnh đậu mùa khỉ do virus MPXV bùng phát ở Châu Âu, đây là những gì bạn cần biết - Ảnh 1.

Phân biệt bệnh đậu mùa khỉ và bệnh đậu mùa

Bệnh đậu mùa khỉ chia sẻ các triệu chứng giống với bệnh đậu mùa bao gồm: sốt, đau đầu, đau cơ, sưng hạch bạch huyết và cảm thấy mệt mỏi. Tiếp theo, bệnh nhân sẽ bị phát ban trên da và hình thành các vết mụn nước và mụn mủ đóng vảy.

Nhìn từ triệu chứng lâm sàng bên ngoài thì rất dễ nhầm lẫn, bởi tác nhân gây ra đậu mùa và đậu mùa khỉ là những chủng virus anh em cùng thuộc chi Orthopoxvirus trong họ Poxviridae.

Nhưng virus đậu mùa là virus Variola, chỉ tấn công và lây nhiễm con người. Nó đã bị xóa sổ ngoài tự nhiên từ năm 1980, và chỉ còn được lưu trữ trong một số cơ sở nghiên cứu khoa học.

Trong khi đó, virus đậu mùa khỉ là virus MPXV tấn công chủ yếu là động vật linh trưởng và một số loài động vật khác như sóc, chuột. Nó có thể lây nhiễm cả con người và hiện vẫn lưu hành tại Trung Phi và Tây Phi.

Virus MPXV không phải tổ tiên trực tiếp và cũng không phải hậu duệ trực tiếp của virus Variola gây bệnh đậu mùa trên người. Trên thực tế, trong chi Orthopoxvirus có tới 12 virus anh em, bao gồm cả virus đậu bò, virus đậu ngựa, virus đậu bò…

Bệnh đậu mùa khỉ do virus MPXV bùng phát ở Châu Âu, đây là những gì bạn cần biết - Ảnh 2.

Chi Orthopoxvirus trong họ Poxviridae có 12 virus trong đó có đậu mùa và đậu mùa khỉ.

Bệnh đậu mùa khỉ do virus MPXV bùng phát ở Châu Âu, đây là những gì bạn cần biết - Ảnh 3.

Bệnh đậu mùa khỉ chia sẻ các triệu chứng giống với bệnh đậu mùa bao gồm hình thành các vết mụn nước và mụn mủ đóng vảy trên da.

Virus đậu mùa khỉ có độc lực yếu hơn so với virus đậu mùa khi lây nhiễm trên người. Các triệu chứng của nó cũng nhẹ hơn và gây ra tỷ lệ tử vong thấp hơn.

Hiện có hai phân chủng của bệnh đậu mùa khỉ, phân chủng Trung Phi gây ra tỷ lệ tử vong 10% nếu không được điều trị. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong khi nhiễm phân chủng Tây Phi chỉ là 1%.

Để so sánh, bệnh đậu mùa do virus Variola gây ra trên người cũng chia thành nhiều phân chủng: Chủng phụ Variola gây ra tỷ lệ tử vong 1%, nhưng tỷ lệ tử vong từ chủng chính của nó lên tới hơn 30%.

Hợp chủng của hai chủng này giết chết 50-75% bệnh nhân. Trong khi đó, hai chủng nguy hiểm nhất là Variola gây xuất huyết sớm có tỷ lệ tử vong 100% và Variola gây xuất huyết muộn gây tử vong cho 90% bệnh nhân mắc phải.

Trước khi bị xóa sổ, đậu mùa đã giết chết khoảng 500 triệu người trong vòng 100 năm lưu hành gần nhất. Trong thế kỷ 18, mỗi năm ở Châu Âu có 400.000 người chết vì đậu mùa.

Trong khi đó, đậu mùa khỉ chỉ là một căn bệnh đặc hữu ở Tây và Trung Phi. Với đợt dịch lớn nhất từng được xác nhận ở Nigeria, khi nó lây nhiễm 200 trường hợp và giết chết 6 người.

Bệnh đậu mùa khỉ do virus MPXV bùng phát ở Châu Âu, đây là những gì bạn cần biết - Ảnh 4.

Virus đậu mùa khỉ được phân lập từ đợt bùng phát năm 2003 tại Mỹ.

Con đường lây truyền

Trong khi bệnh đậu mùa chỉ lây nhiễm con người và lây từ người sang người, thì đậu mùa khỉ lại có con đường lây nhiễm chính từ động vật. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bạn có thể nhiễm đậu mùa khỉ khi tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể, hoặc các tổn thương trên da và niêm mạc của động vật nhiễm bệnh.

Các loài động vật thường mang virus MPXV bao gồm: sóc dây, sóc cây, chuột Gambian, các loài gặm nhấm, khỉ và các loài linh trưởng. Ăn thịt không nấu chín kỹ và các sản phẩm động vật bị nhiễm bệnh cũng có thể khiến con người bị lây đậu mùa khỉ.

Do đó, đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất là những người sống trong hoặc gần các khu vực rừng phơi nhiễm với động vật có virus. Những người đi du lịch đến các khu vực này cũng có nguy cơ lây nhiễm đậu mùa khỉ.

Trên thực tế, đợt bùng phát ở Châu Âu hiện nay được xác định từ một người Anh trở về nước từ Nigeria.

Bệnh đậu mùa khỉ do virus MPXV bùng phát ở Châu Âu, đây là những gì bạn cần biết - Ảnh 5.

Các loài động vật thường mang virus đậu mùa khỉ: linh trưởng, sóc và chuột.

Nhưng bệnh đậu mùa khỉ cũng có thể lây truyền từ người sang người, do tiếp xúc gần với dịch tiết đường hô hấp, với tổn thương da của người bệnh hoặc qua trung gian là các đồ vật cá nhân của người bệnh như khăn mặt, cốc uống nước...

Virus MPXV cũng có thể lây qua không khí từ các hạt hô hấp nhưng điều này đòi hỏi phải tiếp xúc trong thời gian dài. Do đó, các thành viên gia đình hoặc nhân viên y tế và những người tiếp xúc gần với bệnh nhân sẽ có nguy cơ lây bệnh cao nhất.

Chuỗi lây nhiễm đậu mùa khỉ từ người sang người dài nhất được ghi nhận từ trước tới này là qua 6 người liên tiếp. Tuy nhiên, đợt dịch bùng phát ở Châu Âu hiện nay đang khiến giới chuyên gia ngạc nhiên, bởi các ca nhiễm không có bất cứ liên hệ nào với nhau.

Một số nhà khoa học cảnh báo các ca nhiễm có thể chỉ là "phần nổi của tảng băng", bởi một số bệnh nhân chưa được báo cáo. Cơ quan An ninh Y tế Anh cũng cho biết ca nhiễm gần đây chủ yếu là người đồng tính nam hoặc song tính và cần xét nghiệm gene để xem virus của họ có liên quan đến nhau hay không.

Các ca nhiễm hoặc nghi nhiễm đậu mùa khỉ tại Tây Ban Nha hiện nay cũng được cho là liên quan đến các mạng lưới tình dục. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định MPXV không lây truyền qua đường tình dục như HIV. Thay vào đó, nó lây nhiễm qua tiếp xúc thân mật trong quá trình hoạt động tình dục.

Bệnh đậu mùa khỉ do virus MPXV bùng phát ở Châu Âu, đây là những gì bạn cần biết - Ảnh 6.

Liệu đậu mùa khỉ có trở thành đại dịch như đậu mùa hay COVID-19?

Với các cơ chế lây nhiễm kể trên, có thể thấy nguy cơ đậu mùa khỉ tiến triển thành một đại dịch như đậu mùa hoặc COVID-19 là rất thấp. Không giống như COVID-19, virus MPXV không dễ lây nhiễm từ người sang người mà thường yêu cầu tương tác với động vật mang virus hoặc tiếp xúc rất gần với người nhiễm bệnh.

Cũng không giống COVID-19 có thể lây lan từ người không có triệu chứng, những người bệnh đậu mùa khỉ thường thể hiện triệu chứng dễ nhìn thấy từ bên ngoài. Do đó, mọi người có thể cảnh giác phòng bệnh bằng cách hạn chế tiếp xúc.

Các đợt bùng phát đậu mùa khỉ thường diễn ra lẻ tẻ, với số lượng bệnh nhân ít và chấm dứt nhanh chóng khi chuỗi lây được kiểm soát. Ví dụ, đợt bùng phát mạnh nhất bên ngoài Châu Phi được ghi nhận tại Mỹ vào năm 2003, với 71 trường hợp nhiễm bệnh và 0 trường hợp tử vong.

Năm 2018, Vương Quốc Anh ghi nhận 4 trường hợp mắc đậu mùa khỉ. Năm 2019, một người đàn ông Nigeria tới Singapore và được xác nhận mắc đậu mùa khỉ khiến 22 người phải cách ly nhưng không có thêm ai nhiễm bệnh.

Năm 2021, Anh cũng báo cáo 3 trường hợp mắc đậu mùa khỉ và Hoa Kỳ báo cáo 1 ca.

Bệnh đậu mùa khỉ do virus MPXV bùng phát ở Châu Âu, đây là những gì bạn cần biết - Ảnh 7.

Đậu mùa khỉ hiếm khi bùng phát ra khỏi phạm vi Châu Phi.

Đợt bùng phát đậu mùa khỉ ở Châu Âu hiện nay gây sự chú ý đặc biệt bởi số lượng bệnh nhân cao kỷ lục so với các đợt dịch trước. Nhưng hiện cũng chưa vượt quá 33 trường hợp xác nhận và 35 trường hợp nghi mắc.

Jimmy Whitworth, giáo sư y tế công cộng quốc tế tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, cho biết: Đợt dịch này được coi là bất thường chủ yếu là vì trong lịch sử bệnh đậu mùa khỉ rất ít khi bùng phát. Từ trước đến nay mới chỉ có 8 đợt dịch xuất hiện.

Cũng theo giáo sư Whitworth, bệnh đậu mùa khỉ bùng phát ở Châu Âu năm 2022 vì các hạn chế du lịch đã được dỡ bỏ sau COVID-19, khiến nhiều người đi du lịch và tới miền Tây và Trung Phi hơn, nơi virus MPXV đang lưu hành.

Làm sao để phòng ngừa virus MPXV?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, vắc-xin đậu mùa được xác nhận là có hiệu quả 85% trong việc phòng ngừa đậu mùa khỉ. Do đó, chính chiến dịch tiêm chủng mà chúng ta đã thực hiện trong quá khứ đã góp phần kiểm soát đậu mùa khỉ và khiến nó trở nên nhẹ hơn.

Tuy nhiên, vì đậu mùa đã bị xóa sổ từ năm 1980 nên hiện nay ít người được chủng ngừa vắc-xin này. Nó chỉ được dành cho những nhân viên phòng thí nghiệm có tiếp xúc với virus đậu mùa đang được lưu trữ.

Vì vậy, các biện pháp cộng đồng nên được đề cao trong việc phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ, bao gồm: Giám sát chặt chẽ để xác định nhanh các ca bệnh mới, khoanh vùng và ngăn chặn ổ dịch. Nhân viên y tế và các thành viên trong gia đình, thành viên tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ nên được cách ly.

Bệnh đậu mùa khỉ do virus MPXV bùng phát ở Châu Âu, đây là những gì bạn cần biết - Ảnh 8.

Các nước màu cam là khu vực mầm bệnh đậu mùa khỉ lưu hành địa phương, các nước màu tím có mầm bệnh nhập cảnh.

Để giảm nguy cơ lây truyền virus MPXV từ động vật, người dân được khuyến cáo tránh đi du lịch tới nơi có mầm bệnh lưu hành, tránh tiếp xúc với động vật hoang dã, đặc biệt là động vật ốm chết, kể cả thịt, máu và các bộ phận khác của chúng.

Ngoài ra, tất cả các thực phẩm có thịt hoặc bộ phận động vật cần phải được nấu chín kỹ trước khi ăn.

Tại Anh, Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc (UKHSA) xác định 4 trong số các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ là nam giới quan hệ tình dục đồng giới. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng lây truyền bệnh qua hoạt động mạng lưới tình dục.

Do đó, UKHSA đang kêu gọi những người đồng tính nam, song tính hoặc có quan hệ tình dục với nam giới để ý phát hiện các vết phát ban và liên hệ với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục nếu họ nhận thấy bất kỳ điều gì bất thường.

Tổng hợp

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM