Từ Ứng dụng gọi xe đến Nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ
Bắt đầu là một ứng dụng gọi xe công nghệ, Be đã hướng tới việc hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để phát triển hệ sinh thái công nghệ mở nhằm mở rộng nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ của mình sang giao hàng, giao thức ăn, mua vé máy bay, bảo hiểm, gói dịch vụ viễn thông, vé số điện tử, và phát triển Ngân hàng số Cake by VPBank.
Với sự hiện diện tại 28 tỉnh thành trên toàn quốc, Be xử lý hơn 10 triệu giao dịch hàng tháng, trong đó tỷ lệ khách hàng sử dụng nhiều hơn 2 dịch vụ trên nền tảng chiếm hơn 50%. Be hiện là công ty công nghệ Việt Nam phát triển bậc nhất trong mảng dịch vụ vận tải, riêng về phân khúc gọi xe, công ty đã đạt được thị phần 30-40% tại Hà Nội và 25-35% tại TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, ngân hàng số Cake by VPBank – sự hợp tác của Be Group và VPBank đã cán mốc hơn 2 triệu khách hàng trong chưa đầy 2 năm ra mắt. Với đà tăng trưởng hiện tại, ứng dụng ngân hàng số này kỳ vọng sẽ đạt mức 3 triệu khách hàng trong năm 2022. Cake là ngân hàng số tiên phong tại Việt Nam cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài chính thiết yếu bao gồm thanh toán, tiết kiệm, cho vay, đầu tư vi mô và thẻ tín dụng.
Hướng đến trở thành nền tảng đa dịch vụ số một dành cho người tiêu dùng Việt là một chiến lược và hướng đi đúng đắn của Be Group, khi có đến 80% người dùng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các quốc gia mới nổi như Việt Nam cho rằng các nền tảng như vậy mang lại chất lượng cuộc sống và thành công trong kinh doanh cho họ, theo một báo cáo của Bain và Tech for Good Institute. Báo cáo này ghi nhận các nền tảng này có vai trò to lớn trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ về logistics và thanh toán điện tử, nâng cao hiểu biết người dùng, và phục vụ các tập khách hàng thường bị bỏ qua bởi các doanh nghiệp truyền thống.
Để minh chứng cho hướng đi đúng đắn của chặng đường gần 4 năm hình thành và phát triển, bà Vũ Hoàng Yến, CEO của Be Group, cho biết công ty bắt đầu có lãi góp dương từ quý 3/2022. Vị CEO cho biết thêm quy mô của công ty đã tăng gấp đôi trong năm nay, và có thể đạt mức 10 triệu người dùng vào năm sau và hơn 20 triệu người dùng vào 2 - 3 năm tới.
Trong bối cảnh thị trường biến động và nhu cầu người dùng biến hóa không ngừng, Be luôn sẵn sàng cho các mối quan hệ hợp tác chiến lược với các đối tác trong và ngoài nước để không ngừng phát triển và hoàn thiện hệ sinh thái công nghệ mở.
Mới đây, Be đã nhận khoản vay với hạn mức lên tới 100 triệu USD từ Ngân hàng Deutsche Bank – một định chế tài chính uy tín toàn cầu và hàng đầu nước Đức, điều này góp phần khẳng định vị trí xứng tầm của Be Group trong mắt đối tác cũng như nhà đầu tư lớn quốc tế. Be cho biết sẽ dùng khoản vay này để đẩy mạnh chiến lược hiện thực hóa mục tiêu hướng đến trở thành hệ sinh thái công nghệ mở hàng đầu, nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ số 1 cho người dùng Việt.
Giao dịch này mang một ý nghĩa rất lớn cho lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam trong bối cảnh vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu, trong đó có châu Á, giảm liên tục từ đầu năm. Theo số liệu của Crunchbase, số vốn đầu tư lĩnh vực công nghệ tại châu Á trong quý II 2022 đã giảm 19% so với quý I, và 20% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức thấp nhất kể từ quý I năm 2020. Trong đó, giảm mạnh nhất là giai đoạn tăng trưởng (growth-stage), khi đã giảm 37% so với cuối năm trước.
Cơ hội tiếp tục rộng mở dành cho Be Group
Những bất ổn của thị trường thế giới đã tác động đến tình hình lạm phát thời gian qua mà thị trường Việt Nam không tránh khỏi. Từ những tháng đầu năm khi giá xăng trong nước liên tục tăng cao, có thể thấy Be vẫn giữ được mức giá cước minh bạch, phù hợp và đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Ngoài ra, yếu tố quyết định lòng trung thành của người dùng là chất lượng dịch vụ, cũng như sự đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu cho khách hàng. Muốn vậy, dịch vụ phải được duy trì ổn định bởi đội ngũ tài xế, bởi các chính sách sản phẩm linh hoạt, tiện ích vượt trội.
Và để các tài xế chung tay yên tâm phục vụ khách hàng tốt hơn, Be luôn coi trọng các chế độ, quyền lợi cho tài xế, từ các chương trình huấn luyện cho đến các phúc lợi thông qua các gói bảo hiểm, quỹ hỗ trợ, chương trình thưởng và các lợi ích khác.
Thị trường gọi xe và giao nhận tại Việt Nam có doanh thu khoảng 2,4 tỷ USD trong năm 2021 và tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 30-35% mỗi năm trong giai đoạn từ 2015 đến nay, theo số liệu của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương).