Ông Th. cấm bé A. gặp mẹ là vi phạm pháp luật
Sau khi bé N.T.V.A. (8 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) bị dì ghẻ Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) hành hạ tử vong thương tâm, hàng loạt tình tiết bị phơi bày khiến dư luận không khỏi căm phẫn.
Sự việc không phải gói gọn trong ngày một ngày hai, mà đã kéo dài từ khi cha mẹ bé ly hôn, cha bé và bồ nhí sống cùng với nhau vào năm 2020. Đối tượng Trang thừa nhận đã đánh bé rất nhiều lần trước đó, bằng roi mây, bằng cây gỗ, bằng chân tay... Cha ruột bé cũng biết con mình có thương tích và bị Trang "dạy dỗ" bằng roi vọt.
Những thông tin từ người mẹ ruột của bé A. - bà Nguyễn Thị H. càng khiến dư luận đặt ra hàng ngàn câu hỏi, không có đáp án.
Mẹ ruột đã hơn 1 năm không được gặp con gái của mình, không biết con mình sống thế nào. Bà đã tới chung cư nơi con sống, đã nhờ vài người bạn còn kết nối với chồng cũ qua mạng xã hội... để nhờ dò hỏi vài thông tin, ảnh về con mình. Nhưng, có phải bà đã hết cách và bất lực khi chồng cũ tìm mọi cách cấm cản bà gặp đứa con mình rứt ruột đẻ ra?
Luật sư Nguyễn Thị Xuyến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nói khi trao đổi trên Dân trí, khi bị cấm cản gặp con, người mẹ có quyền đưa đơn lên tòa yêu cầu thay đổi quyền nuôi con.
"Hãy biết đấu tranh và bảo vệ con mình bằng những kiến thức pháp luật, tôi không muốn những đứa trẻ khác phải chết vì bị đánh đập nữa!
Với người dân, nếu mọi nghi ngờ trẻ em bị bạo hành - đừng im lặng, hãy gọi 111 và báo cảnh sát khu vực để nói "tôi đã lưu lại ngày giờ tôi báo anh/chị, nếu anh không xử, có việc gì anh chịu trách nhiệm", Dân trí dẫn lời nữ luật sư.
Cũng theo nguồn trên, luật sư Quách Thành Lực (Công ty luật Pháp trị) khẳng định, hành vi cấm mẹ đẻ bé A. thăm con của ông Th. là trái luật. Bởi sau khi ly hôn thì cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên.
Đối tượng Trang được áp giải về chung cư thực nghiệm hiện trường. Ảnh: Người lao động
Sẽ làm rõ xem có yếu tố đồng phạm hay không
Sau khi Nguyễn Võ Quỳnh Trang bị khởi tố tội Hành hạ người khác, nhiều ý kiến cho rằng tội danh "quá nhẹ" so với hành vi và ông Th. không thể vô can. Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định trên Tuổi trẻ, hành vi "hành hạ người khác" mà cơ quan điều tra khởi tố là có cơ sở. Bởi bé A. được xác định sống chung với bị can và khi cháu tử vong có nhiều thương tích nghiêm trọng.
Theo luật sư Phát, việc xác định tội danh của bị can có đúng là bạo hành hay không, hay là cố ý gây thương tích hoặc thậm chí tội giết người còn tùy thuộc vào diễn biến trong quá trình điều tra. Các cơ quan tiến hành tố tụng hoàn toàn có thể thay đổi tội danh với bị can trong quá trình điều tra.
Còn theo luật sư Đỗ Trúc Lâm (Đoàn luật sư TP.HCM), trong vụ án này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ xem có yếu tố đồng phạm hay không.
"Căn cứ vào các lời khai, các chứng cứ liên quan, nếu chứng minh được người cha có tham gia kích động hoặc chửi bới, ủng hộ việc đánh đập hoặc tham gia đánh đập đứa bé thì lúc này mới là đồng phạm giúp sức. Có thể hiểu được sự bức xúc của dư luận trong vụ việc này, tuy nhiên không vì thế mà vội vã kết tội bị can. Do đó hãy kiên nhẫn chờ đợi và đừng tạo áp lực cho cơ quan điều tra", luật sư Trúc Lâm trả lời Tuổi trẻ.
Theo tờ Pháp luật TP.HCM, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) kiến nghị cần xem xét xử lý ông Th. vì những hành vi vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em và có thể nhằm che giấu hành vi phạm tội của Trang.
Với bị can Trang, bà Nữ nhận định, phải khởi tố tội cố ý gây thương tích hoặc tội giết người.
"Thực tế, bé A đã có những vết sẹo trên thái dương may nhiều mũi đã lành, những vết thương trên vai đã làm mủ. Những vết thương này không thể nào mới đánh mà thành, mà là những vết đã lâu mà không được điều trị.
Những vết thương cho thấy bị can đã dùng vật tày, hung khí nguy hiểm tác động vào bé, khiến bé phải chịu đau đớn; bé chết vì phù phổi. Vì vậy, chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng làm rõ để xử lý đúng tội danh", luật sư Nữ nêu.
(Tổng hợp)