Bé 6 tuổi đi ngoài ra máu, phụ huynh tá hoả vì thủ phạm để lâu có thể gây ung thư

Ngọc Anh | 16-05-2020 - 13:37 PM

(Tổ Quốc) - Bé T. có 3 polyp đại tràng trong đó có 1 polyp kích thước lớn 1,5cm. Kết quả mô bệnh học cho thấy polyp mà bé gặp phải là polyp tuyến ống - loại polyp có thể gây ung thư.

Đi ngoài ra máu tươi - nguyên nhân từ 1 polyp kích thước 1,5cm

Vừa qua, Phòng khám Đa khoa Hoàng Long đã điều trị cho cháu B.Q.T (6 tuổi, Hà Tĩnh) với triệu chứng ban đầu khi đến khám là đi ngoài ra máu. Qua khảo sát bệnh sử cho thấy, gần đây, cháu Q.T hay bị đầy bụng, đau bụng và đi ngoài phân có máu.

Sau nhiều lần khám và điều trị tại các bệnh viện khác, kết hợp điều chỉnh chế độ ăn nhiều rau cho cháu nhưng tình trạng đi ngoài ra máu vẫn không đỡ.

Khi đưa đến khám tại đây, các bác sĩ khám lâm sàng, xét nghiệm, cháu được các định nội soi đại tràng tiền mê. Kết quả nội soi đại tràng cho thấy đại tràng Sigma có 2 polyp kích thước ~ 0,4 cm, tại niêm mạc trực tràng có một polyp kích thước ~ 1,5 cm.

Bé 6 tuổi đi ngoài ra máu, phụ huynh tá hoả vì thủ phạm để lâu có thể gây ung thư - Ảnh 1.

Polyp ống tuyến có thể gây ung thư đại tràng

Các mẫu bệnh phẩm cắt polyp được làm mô bệnh học cho kết quả polyp tuyến ống kết hợp viêm mạn tính. Polyp tuyến ống có thể do di truyền gen trội, do đột biến gen APC. Cứ 10.000 đến 15.000 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ mắc hội chứng này. Triệu chứng gồm: ỉa máu, ỉa chảy, gầy sút khi có ung thư hóa, có thể tiến triển thành ung thư đại tràng trong tương lai.

Các bác sĩ đã tiến hành cắt polyp trong vòng chưa đầy một tiếng đồng hồ và ekip thực hiện đã loại bỏ hoàn toàn polyp.

Bố của bé T. vô cùng lo lắng vì con nhỏ tuổi đã mắc bệnh polyp. Đặc biệt nếu không điều trị kịp thời có thể gây ung thư khi bé trưởng thành.

Polyp đại tràng điều trị như nào?

Theo GS.TS Đào Văn Long – Nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội hiện nay, ngày càng nhiều người Việt Nam có polyp đại tràng. Số lượng trẻ em đến khám, phát hiện có polyp cũng đang ngày càng gia tăng.

Polyp đại tràng là một hoặc nhiều khối u xuất hiện bất thường trên bề mặt, trong lòng hoặc thành ruột già. Hầu hết các polyp đại tràng đều là những khối u lành tính. Tuy nhiên, nếu để các polyp tiếp tục tiến triển, chúng có thể gây ra nhiều biến chứng như chảy máu tiêu hóa, tắc ruột hoặc thậm chí dẫn đến ung thư.

Bé 6 tuổi đi ngoài ra máu, phụ huynh tá hoả vì thủ phạm để lâu có thể gây ung thư - Ảnh 2.

GS.TS Đào Văn Long, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y, Nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai,

Cũng theo khuyến cáo của Giáo sư, bố mẹ nên chú ý đến các dấu hiệu của con em mình và cần cho con đến ngay cơ sở y tế để khám và được chữa bệnh kịp thời nếu nhận thấy có những triệu chứng bất thường như sau:

Đối với trẻ có đi ngoài ra máu tươi nên nội soi đường tiêu hóa để phát hiện tổn thương và điều trị qua nội soi.

Đối với trẻ đã được cắt bỏ polyp đại tràng nên mỗi năm cần nội soi đường tiêu hóa 1 lần để tầm soát sự xuất hiện trở lại của polyp.

Bố mẹ của trẻ có polyp cần đi soi đại tràng và dạ dày để phát hiện xem có polyp đường tiêu hóa hay không vì polyp đại tràng có thể có nguyên nhân từ di truyền.

Để phát hiện sớm polyp, GS Long khuyến cáo cách tốt nhất để chủ động phát hiện polyp là nên định kỳ kiểm tra sức khỏe định kỳ đường tiêu hóa, thay vì đợi đến khi nào có triệu chứng mới đi khám.

Hơn nữa, hiện nay, việc cắt bỏ polyp đại tràng đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều nhờ có kỹ thuật khoa học tiến bộ.

GS.Đào Văn Long cũng cho biết thêm, theo thống kê, khả năng tái phát polyp kể từ lần cắt polyp đại tràng đầu tiên là 25 – 30%. Đặc biệt là người cao tuổi, người không có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh.

Bên cạnh đó, sau khi đã loại bỏ polyp, người bệnh vẫn cần phải sử dụng một số loại thuốc nhằm hạn chế polyp tái phát. Tuy nhiên, dùng thuốc gì, liều lượng và thời gian sử dụng như thế nào đều cần phải được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa.

Vì vậy, việc tái khám định kỳ là rất cần thiết và quan trọng để theo dõi, chẩn đoán, phát hiện sớm nguy cơ tái phát bệnh và định hướng điều trị kịp thời, hiệu quả nếu cần thiết.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM