Nhiều vụ việc xảy ra đã nhắc nhở cha mẹ rằng ngay cả khi con vui chơi trong nhà cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm mà người lớn không thể lường hết được.
Gần đây, vụ tai nạn của cậu bé người Trung Quốc tên Minh Minh (4 tuổi) một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo các bậc cha mẹ phải sát sao hơn nữa khi chăm con. Minh Minh được bà nội chăm sóc từ nhỏ, bố mẹ bận đi làm nên hầu hết thời gian trong ngày bé ở nhà với bà.
Một hôm, bà đang dán dở một vật gì đó trên bàn, Minh Minh mới đi học về nhìn thấy lọ keo 502 bà đang dán giống với lọ thuốc nhỏ mắt nên đã cầm lấy nghịch. Bà ở trong bếp nên chẳng hay biết ngay. Trong khi đó, bình thường Minh Minh vẫn nhìn thấy bà thường xuyên dùng lọ thuốc nhỏ mắt để nhỏ vào mắt.
Vừa nhỏ vào mắt, lập tức Minh Minh thấy bỏng rát và hét lên. Bà ở trong vội vã tức chạy ra, nhìn thấy thứ cháu cầm trên tay đã kịp hiểu ra vấn đề.
Lúc này, mẹ Minh Minh cũng đi làm về, thấy tình cảnh của con đã rất hoảng hốt, gào khóc và đòi đưa bé đi bệnh viện ngay. Vì nhà Minh Minh cách viện khá xa nên người bà đã lập tức lấy một chiếc khăn ướt rồi lau sạch keo 502 trên mắt cháu, đồng thời bà dùng dung dịch nước muối để nhỏ luôn vào mắt Minh Minh.
Thấy bà làm vậy, người mẹ rất tức giận, muốn đưa con đến bệnh viện ngay chứ không lau rửa mắt cho Minh Minh nữa. Sau đó, bé đã được cả nhà đưa đi cấp cứu. Vào đến bệnh viện, bác sĩ kiểm tra mắt bé và nói giác mạc bé không bị thương, biết được bà đã nhanh tay dùng khăn lau sạch và nhỏ nước muối vào mắt bé, bác sĩ hết lời khen bà đã biết cách sơ cứu đúng và kịp thời.
Người mẹ thấy bác sĩ nói vậy liền xin lỗi mẹ chồng, cô nhận ra mình đã quá mất bình tĩnh mà cư xử sai.
Câu chuyện này cho thấy khi nhà có trẻ nhỏ, bố mẹ rất cần nắm được các cách sơ cứu để kịp thời xử lý khi chẳng may trẻ gặp sự cố nào đó.
Làm thế nào để đảm bảo an toàn cho trẻ khi ở nhà?
1. Chú ý lưu trữ đồ đạc trong nhà
Với các gia đình có trẻ nhỏ từ khoảng 5 tuổi trở xuống, bố mẹ hết sức lưu ý không để các vật nguy hiểm hoặc nhỏ trong tầm với của trẻ, chẳng hạn như tiền xu, các hóa chất độc hại... Tuyệt đối không để các vật dụng nguy hiểm ở gần nơi trẻ hay qua lại, chơi đùa.
2. Cất kĩ các vật sắc nhọn
Một số đồ vật sắc nhọn như dao, kéo, tô vít, nên cất trữ trên cao hoặc trong tủ có khóa để tránh gây thương tích cho trẻ. Bố mẹ cần đặc biệt lưu ý nơi để dao kéo, bởi đó là những vật dụng thường xuyên sử dụng ở khu bếp, chỉ một chút sơ ý, trẻ có thể với lấy nghịch ngay.
3. Hạn chế để ổ điện ở những nơi trẻ dễ nhìn thấy
Ngoài việc sử dụng bịt ổ điện, với những ổ điện di động, bố mẹ nên đặt ở những nơi kín để trẻ ít nhìn thấy hoặc dùng thêm hộp bảo vệ ổ điện. Trẻ có thể sử dụng những vật sắc nhọn chọc vào ổ điện và nguy cơ bị chập điện, giật điện có thể xảy ra.
4. Lắp đặt lan can và lưới bảo vệ ban công chắc chắn
Một số gia đình ở nhà tầng, nhà chung cư có cửa sổ, ban công cũng cần chú ý lắp đặt các công cụ bảo vệ chắc chắn và an toàn để phòng tránh nguy cơ trẻ ngã từ trên cao xuống rất nguy hiểm. Một vấn đề nữa cha mẹ cần đề phòng đó là dù ban công, cửa sổ cao nhưng trẻ có thể di chuyển đồ đạc ra gần đó để leo trèo lên, vì thế những gia đình có trẻ nhỏ phải dự phòng mọi phương án an toàn nhất.