Vào triều đại nhà Thanh, chế độ ăn uống của các Hoàng đế và Hoàng hậu có thể được xem là phong phú nhất lịch sử Trung Quốc. Các bữa ăn trong thời đại này chạm đến đỉnh cao nghệ thuật cả về màu sắc, hương thơm, mùi vị và số lượng món ăn.
Vua triều đại nhà Thanh ăn gì?
Nội vụ nhà Thanh có ghi chép lại nội dung danh sách bữa ăn của Hoàng đế rất chi tiết, từ việc hôm nay Hoàng đế ăn ở đâu, ăn những món gì, dùng đồ gì để đựng món ăn, số lượng bao nhiêu... đều được liệt kê rất rõ ràng.
Thông thường, mỗi bữa ăn của Hoàng đế có hơn 20 món ăn, 4 món chính, và 2 loại cháo (hoặc súp/canh). Trong đó chủ yếu bao gồm thịt lợn, thịt cừu, cá và rau xanh được chế biến vô cùng cầu kì và công phu. Gạo nấu cơm cho Hoàng đế được giã từ loại lúa đặc biệt, có 3 màu vàng, trắng, tía, hoặc dùng loại gạo cống phẩm. Ngoài ra, các địa phương mỗi năm còn theo quy định mà dâng lên các loại nai, đuôi hươu, gân hươu, tay gấu, heo rừng, xương hổ, yến sào, vi cá, hải sâm…
Thực đơn được đề xuất trước cho mỗi bữa ăn và trình lên quan chức đứng đầu nhà bếp để phê duyệt. Mỗi thực đơn đều phải được lưu trữ lại cẩn thận.
Hoàng đế "ăn không đủ no"
Trong bữa ăn, hoàng đế phải tuân theo một loạt các thủ tục rườm rà. Chẳng hạn ở thời Nam Tống, các vệ binh phải canh gác chặt chẽ để đảm bảo không ai được phép đi lại ở nơi Hoàng đế dùng bữa. Sau khi thái giám truyền chỉ sẽ có 10 cung nữ mặc y phục màu tím lần lượt dâng đồ ăn lên, tuy nhiên Hoàng thượng không ăn ngay mà phải chờ 2 thái giám chuyên "thử độc" và "nếm thử thức ăn" nhằm đảm bảo rằng không xảy ra vấn đề gì.
Mặc dù trước mắt có vô số cao lương mĩ vị, nhưng Hoàng đế không được tự do ăn uống theo sở thích mà chỉ được phép ăn nhiều nhất 3 miếng cho mỗi món, như vậy sở thích của Hoàng thượng sẽ không bị lộ, cũng như tránh bị hạ độc.
Đồ ăn thừa của Hoàng đế được xử lý ra sao?
Mỗi bữa ăn của các vị vua thời xưa đều bao gồm các món ngon được tuyển lựa và chế biến kỹ càng, trong khi đó, mỗi món lại chỉ ăn không quá vài gắp, vậy lượng thức ăn thừa không nhỏ sau mỗi bữa sẽ được xử lý như thế nào?
Trên thực tế, do các vị "Thiên tử" thời bấy giờ đều coi trọng việc tiết kiệm, và việc đổ bỏ thức ăn được coi là bất kính với trời đất, nên số thức ăn này thường sẽ được xử lý theo 4 cách phổ biến dưới đây.
1. Ban thưởng cho các phi tần hoặc quan viên
Theo sử sách có ghi lại rằng trong lúc dùng bữa, khi Hoàng đế liếc nhìn món nào thì thái giám phục vụ có nhiệm vụ gắp và dâng lên món đó.
Sau khi ăn xong, ngoài ban các món ngon cho những mỹ nhân Hậu cung, Hoàng đế còn thưởng cho các quan viên trong triều. Việc này nhìn tưởng đơn giản, nhưng thực chất lại là một hành động mang nhiều tầng nghĩa.
Vào thời cổ đại, tặng thưởng cho quan lại chủ yếu là vàng bạc châu báu, tuy nhiên, số của cải vật chất ấy thậm chí còn không đáng giá bằng một vài món ăn được vua ban.
Bởi lẽ, cổ nhân Trung Hoa cho rằng, lễ nghi cao nhất trong việc mời cơm chính là mời đối phương tới nhà mình ăn cơm. Mà việc Hoàng đế đem món ăn mình dùng ban thưởng cho các đại thần dưới trướng lại được xem là một ân huệ vô cùng lớn. Đồng thời, hành động này cũng là minh chứng cho thấy các đại thần nói trên đã được ban vinh dự ăn chung món ăn với bậc Thiên tử.
Điểm đáng nói hơn còn nằm ở chỗ, dựa theo phép tắc thời xưa, người có thể được nhà vua ban thưởng đồ ăn phần lớn là sủng thần hoặc đại thần có vai vế không nhỏ trong triều. Phần vì coi trọng chiến công, phần vì tin tưởng, trọng dụng họ nên Hoàng đế mới ban sơn hào hải vị của mình cho những người này.
Do đó, có thể phần nào khẳng định rằng, việc ban thưởng đồ ăn cho quan viên thực chất lại là hành động ẩn chứa nhiều dụng ý không hề đơn giản.
2. Thái giám tư lợi bán cho người ngoài cung
Những lúc Hoàng đế không ban thưởng cho các phi tần Hậu cung và quan viên thì sẽ trở thành cơ hội kiếm lời lớn cho các cũng nữ và thái giám.
Họ sẽ lén lút đem bán món ăn của Hoàng đế cho các quán ăn lớn ở ngoài cung. Do đều là món ăn trong cung được chế biến cầu kì dâng lên Hoàng thượng nên không ít người tò mò muốn nếm thử. Thậm chí để tăng giá trị cho sản phẩm, cung nữ và thái giám còn tiến hành chia món khô và món canh riêng, đồng thời tuỳ theo giá trị mà bán với giá khác nhau cho nhiều tầng lớp trong xã hội.
Một số món ăn khác thậm chí còn được bán với giá rẻ cho vài người bán hàng rong. Họ sẽ nấu thành cháo rồi đem bán khắp các con đường, ngõ hẻm, phục vụ người dân nghèo, ai cũng có thể ăn. Điều này cũng tránh được sự lãng phí của những món ăn xa hoa.
Nhờ "chiến lược" thông minh này đã giúp các thái giám và cũng nữ có được một nguồn thu không nhỏ và có tiền gửi về quê cho gia đình.
3. Biến "đồ cũ thành mới"
Trong các bữa ăn của Hoàng đế luôn có đủ món chính và món phụ. Đối với những món Hoàng thượng không đụng đũa, và hương vị còn tươi ngon, thái giám sẽ giữ lại bày biện như mới cho bữa ăn tiếp theo, đồng thời đặt nó cách xa Hoàng đế.
Bằng cách này, họ có thể "báo khống" và đút túi riêng chi phí mua nguyên liệu, đồng thời lại có thể tiết kiệm công sức chế biến các món ăn này.
4. Phơi khô thức ăn thừa để làm thức ăn cho vật nuôi
Phi tần, thê thiếp trong cung ngày ngày nhàn rỗi nên có sở thích nuôi động vật để giải khuây.
Những con vật như vẹt, bồ câu, gà, mèo con, chó con... cũng cần được ăn. Sau mỗi bữa ăn của Hoàng thượng, để tránh lãng phí đồ ăn thái giám liền gửi cho các cung nữ chuyên nuôi động vật trong cung, và làm thành đồ khô.
Thức ăn cho vật nuôi sau đó được phân phát cho nô tài trong cung điện và dùng để nuôi những con vật nhỏ này. Tuy nhiên cũng giống như các thái giám, nô tài trong cung cũng học cách khai gian và nói đây đều là thức ăn mua từ ngoài cung để kiếm lời.
Nguồn: Sina