Ngày 5/4, ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết, giới chức huyện đang tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ đối tượng đã chặt hạ 7 cây gỗ trong tổng số 11 cây bị chặt phá ở khu rừng biên giới do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Kỳ Sơn quản lý, thuộc địa bàn xã biên giới Nậm Cắn.
UBND huyện Kỳ Sơn cũng đã có báo cáo số 85 liên quan đến việc chặt phá rừng nghi vấn để khai thác khoáng sản như dư luận phản ánh.
Theo báo cáo, ngày 17/3, huyện Kỳ Sơn nhận được thông tin từ người dân về vụ việc khai thác lâm sản trái phép tại xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Khu vực xảy ra phá rừng là tiểu khu 416, thuộc địa phận bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn. Đây cũng là nơi Công ty TNHH Khai thác và Kinh doanh khoáng sản Việt Nam được cấp phép thăm dò khoáng sản đá dăm kết vôi làm ốp lát.
UBND huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện chủ trì phối hợp Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện, UBND xã Nậm Cắn, Đồn Biên phòng Nậm Cắn đến hiện trường kiểm tra, báo cáo sự việc về huyện.
1 trong số 11 gốc cây bị chặt tại khu rừng biên giới xã Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An).
Theo hồ sơ từ cơ quan chức năng và biên bản được lập vào ngày 17/3 của Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn, qua kiểm tra, đơn vị phát hiện có 7 cây gỗ bị chặt hạ tại lô 8 và lô 6, khoảnh 1, tiểu khu 416, địa bàn xã Nậm Cắn.
Số gỗ này được ông Lương Văn Phanh (trú bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn) nhận do mình chặt.
Ít ngày sau, Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn tiếp tục vào kiểm tra khu vực rừng bị chặt phá và phát hiện có thêm 3 cây gỗ bị chặt, nâng tổng số lên 10 cây. Các cây gỗ bị chặt có đường kính từ 18-50cm.
Thời điểm kiểm tra lần 2 này, ông Lương Văn Phanh lại phủ nhận việc mình đã chặt hạ 7 cây gỗ như biên bản lập ngày 17/3, mà chỉ nhận đã chặt hạ 4 cây gỗ để về làm chuồng bò. Số cây gỗ còn lại ông Phanh không biết ai đã chặt.
Ngày 25/3, UBND huyện Kỳ Sơn tiếp tục thành lập đoàn liên ngành vào hiện trường kiểm tra lại vụ chặt phá rừng nói trên.
Lần kiểm tra này, cơ quan chức năng phát hiện thêm 1 cây gỗ bị chặt hạ. Nâng tổng số cây gỗ bị chặt hạ lên 11.
Toàn bộ 11 cây gỗ này có chủng loại thuộc nhóm VIII (gỗ tạp). Đường kính trung bình các cây bị chặt hạ từ 30-65cm (không phải từ 18-50cm như các biên bản lập trước). Tổng khối lượng gỗ bị chặt hạ là 15,63m3 gỗ tròn (còn nguyên cây).
Được biết, số cây bị chặt hạ đều nằm trong diện tích rừng thuộc sự quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Kỳ Sơn. Trong đó có 5 cây thuộc lô 8, khoảnh 1 tiểu khu 416 thuộc đối tượng đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp, trạng thái rừng thường xanh nghèo. 6 cây còn lại thuộc lô 6, khoảnh 1, tiểu khu 416, đối tượng đất rừng sản xuất, trạng thái rừng thường xanh nghèo.
Cơ quan chức năng di chuyển số cây gỗ này về tạm giữ tại kho của Hạt Kiểm lâm huyện chờ điều tra làm rõ.
Tang vật vụ việc được cơ quan chức năng vận chuyển đưa về để phục vụ điều tra.
Hạt Kiểm lâm huyện sau đó xử phạt vi phạm hành chính đối với Lương Văn Phanh, mức phạt là 17,5 triệu đồng về hành vi khai thác rừng trái pháp luật.
Được biết, ông Lương Văn Phanh (trú bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn) chặt hạ 4 cây gỗ với tổng khối lượng là 1,95m3. Ông là người được thuê làm bảo vệ khu vực Công ty TNHH Khai thác và Kinh doanh khoáng sản Việt Nam được cấp phép thăm dò khoáng sản. Phanh khai mục đích chặt 4 cây gỗ để về sửa chuồng bò.
7 cây còn lại với khối lượng 13,68m3 hiện chưa xác định được đối tượng chặt hạ.
Chỉ một vụ việc phá rừng nhưng lại có nhiều lần kiểm tra và các số liệu khác nhau đã khiến dư luận xôn xao và đặt những nghi vấn.
Giải thích về việc phải kiểm tra nhiều lần này, ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, lần đầu tiên sau khi nhận được tin báo thì huyện chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện vào hiện trường kiểm tra.
Lần đầu do trời mưa nên chưa kiểm tra hết. Đến lần thứ 2 trời nắng ráo, Hạt Kiểm lâm huyện và cơ quan chức năng tiếp tục vào hiện trường kiểm tra, phát hiện có thêm một số cây gỗ bị chặt hạ.
"Ngày thứ nhất đi do mưa thì phát hiện được 3 cây nên lập biên bản 3 cây. Ngày thứ 2 tạnh ráo vào thì phát hiện 7 cây.
Huyện chỉ đạo tiếp tục mở rộng diện tích kiểm tra để làm đúng chính xác, đánh số từng cây một từ cây đầu đến cây cuối, khối lượng phải làm chính xác, không được làm gian dối. Đến ngày 25/3 thì đi và phát hiện thêm. Tổng cộng là 11 cây gỗ bị chặt phá", ông Rê chia sẻ.
Khu vực chặt phá rừng có mỏ đá đẹp và hiếm có?
Được biết, khu vực rừng bị phá này trước đó nằm trong diện tích mà Công ty TNHH khai thác và kinh doanh khoáng sản Việt Nam được thăm dò khoáng sản mỏ đá ốp lát.
Cụ thể, công ty này xin thăm dò khoáng sản từ năm 2013 với dịch tích hơn 12ha. Năm 2019, đơn vị này tiếp tục được gia hạn giấy phép thăm dò đến hết ngày 22/2/2020.
Tổng cộng có 11 cây gỗ bị chặt với khối lượng hơn 15,6m3.
Theo quy định, sau khi hết thời hạn thăm dò, Công ty TNHH khai thác và kinh doanh khoáng sản Việt Nam phải di chuyển toàn bộ tài sản ra khỏi khu vực thăm dò, san lấp công trình, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, phục hồi môi trường, đất đai.
Tuy nhiên đến nay đã hơn 2 năm kể từ ngày hết hạn thăm dò, công ty này vẫn chưa di chuyển hết máy móc, thiết bị ra khỏi khu vực thăm dò khoáng sản.
Tại hiện trường còn 1 lán trại lợp tôn, 1 máy xúc và nhiều phiến đá đã được cắt xẻ thành từng khối lớn. Ông Lương Văn Phanh được thuê làm bảo vệ những tài sản này và khu vực công ty thăm dò. Nhưng cũng chính ông Phanh là thủ phạm đã chặt phá rừng trong vụ việc trên.
Liên quan đến vụ việc phá rừng này, dư luận đặt nghi vấn về việc bảo vệ Phanh không phải chặt cây gỗ về để sửa chuồng bò như người này khai nhận mà "để thuận tiện hơn cho việc khai thác khoáng sản sau này?".
Cạnh khu vực phá rừng là máy móc, lán trại và những phiến đá của Công ty TNHH Khai thác và Kinh doanh khoáng sản Việt Nam thăm dò trước đó để lại.
Theo tìm hiểu được biết, trên địa bàn xã Nậm Cắn có 2 đơn vị đã được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản. Nơi đây có những mỏ đá có trữ lượng lớn được đánh giá đẹp và hiếm có nhất tỉnh Nghệ An.
"Họ nói ở đó có đá 7 màu, như đá núi lửa, đẹp mà hiếm lắm. Trước đây là Công ty TNHH Khai thác và Kinh doanh khoáng sản Việt Nam thăm dò và giờ có thêm 1 công ty khác cũng thăm dò khoáng sản ở gần đó, cũng là loại đá này", một người dân trú ở huyện Kỳ Sơn chia sẻ.
Ông Hờ Bá Cha - Bí thư Đảng ủy xã Nậm Cắn cho biết thêm: "Ông Phanh là người địa phương, được thuê làm bảo vệ cho Công ty TNHH khai thác và kinh doanh khoáng sản Việt Nam. Trong thời gian qua, ông Phanh có chặt phá cây đã được cơ quan chức năng lập biên bản và xử lý.
Trong những năm qua, công ty này đã khai thác được khoảng 100m3 đá, giờ thì hết hạn rồi".
Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Thò Bá Rê thừa nhận khu vực rừng bị chặt phá này nằm trong diện tích khu vực được cấp phép thăm dò khoáng sản cho Công ty TNHH Khai thác và Kinh doanh khoáng sản Việt Nam trước đây.