Ngày 04/2/2023 Đội CSGT An Lạc đã phối hợp với các cơ quan chức năng truy tìm xe ô tô khách liên quan đến vụ tai nạn giao thông (TNGT) chết người tại Quốc Lộ 1A, khu phố 9, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM bỏ chạy khỏi hiện trường.
Theo thông tin ban đầu, xe mô tô biển số 74B1-210.55 do chị P.T.T, sinh năm 1973, ngụ tại quận Bình Tân, TP.HCM, điều khiển đang lưu thông trên đường Quốc Lộ 1A hướng về cầu Tân Tạo bên phải đã va chạm với xe mô tô biển số 64D1-567.76 do chị N.T.Y, sinh năm 1978, thường trú tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An điều khiển lưu thông cùng chiều.
Sau cú va chạm, 2 xe ngã ra, cùng lúc đó ô tô khách không rõ biển số lưu thông từ phía sau chạy lên đã va chạm tiếp vào 2 xe mô tô trên. Sau va chạm, thay vì dừng lại để đưa nạn nhân đi cấp cứu, tài xế ôtô khách đã lái xe rời khỏi hiện trường.
Vụ tai nạn làm chị N.T.Y bị xây xát nhẹ và chị P.T.T bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Quốc Ánh. Sau đó, chị P.T.T được chuyển sang bệnh viện Chợ Rẫy và tử vong tại bệnh viện lúc 18h00 cùng ngày.
Nhận được tin báo, Tổ Điều tra TNGT của Đội CSGT An Lạc đã kết hợp với Công an phường Tân Tạo, quận Bình Tân để điều tra, xác minh và khám nghiệm hiện trường ban đầu làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
Qua công tác điều tra ban đầu, cơ quan điều tra xác định xe ôtô biển số 51B-179.01 có di chuyển qua nơi xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng trên và xác định xe ô tô này là do do anh Tr. sinh năm 1987, ngụ tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An điều khiển.
Ngay trong đêm, Tổ Công tác đã báo cáo lãnh đạo cấp trên và phối hợp Công an địa phương ở Long An mời chủ xe, lái xe ô tô về cơ quan để tiếp tục điều tra, xác minh và đưa xe khách về tạm giữ tại kho xe của Phòng CSGT ĐB-ĐS.
Tại trụ sở Công an, lái xe ô tô khách đã thừa nhận có liên quan đến vụ tai nạn giao thông trên.
Hành động bỏ trốn sau khi gây tai nạn hoặc có liên quan đến vụ tai nạn nhưng không ở lại hiện trường, không cấp cứu người bị tai nạn không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người khác mà còn thể hiện sự vô cảm, thiếu đạo đức nghề nghiệp, thiếu tình người và cần phải được truy xét, điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Tại Khoản 1, Điều 38 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông. Theo đó, Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau:
a) Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
b) Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất;
c) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp (như người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu; Phải đưa người bị nạn đi cấp cứu nên phải rời hiện trường; Vì lý do bị đe dọa đến tính mạng) thì pháp luật cho phép những người này được rời khỏi hiện trường nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP được Chính phủ ban hành vào ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có quy định xử phạt đối với người điều khiển ô tô từ 16 triệu đến 18 triệu đồng, tước GPLX từ 05 đến 07 tháng (tại điểm c khoản 8 điều 5) và xử phạt đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy từ 06 triệu đến 08 triệu đồng, tước GPLX từ 03 đến 05 tháng (tại điểm d khoản 8 điều 6) đối với có hành vi "Gây TNGT không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn".
Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định tùy theo tính chất, mức độ hậu quả của vụ TNGT mà người điều khiển phương tiện gây tai nạn, người có liên quan đến vụ tai nạn bỏ chạy, không cấp cứu người bị tai nạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù.
Việc gây tai nạn bỏ chạy cũng phản ánh ý thức kém, ích kỷ và thiếu trách nhiệm của người lái xe. Hơn ai hết, họ là người trực tiếp có mặt tại hiện trường và có thể là người đầu tiên hỗ trợ cho nạn nhân cấp cứu. Các nghiên cứu y khoa đã khẳng định: khoảng thời gian một giờ đầu tiên sau khi bị tai nạn được coi là "giờ vàng" để cấp cứu nạn nhân, giúp tính mạng nạn nhân được bảo vệ, giảm thiểu các di, biến chứng sau tai nạn. Đặc biệt là đối với các trường hợp mà nạn nhân bị chấn thương đến sọ não, hệ thần kinh.
Khi xảy ra TNGT, mọi người có liên quan đến vụ TNGT cần bình tĩnh nhìn nhận vụ việc; Nhanh chóng cấp cứu người bị thương; Bảo vệ hiện tường và thông báo đến cơ quan công an, cơ sở y tế để xử lý vụ việc. Trong trường hợp cấp thiết, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của người bị nạn, những người có liên quan đến vụ tai nạn nhanh chóng đưa người bị thương đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời và trình báo ngay cho cơ quan công an trong thời gian sớm nhất. Những người xung quanh, người thân và người có liên quan đến vụ TNGT không được phép tấn công, hành hung người gây tai nạn bởi vì sau tai nạn, người gây tai nạn có thể bị khủng hoảng tâm lý lo hoảng sợ và hành động này tác động xấu đến việc xử lý vụ việc và giải quyết hậu quả sau TNGT.