Bất ngờ với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng

Ngọc Bích | 19-06-2020 - 16:13 PM

(Tổ Quốc) - Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2020 chưa bằng một nửa so với năm ngoái dù các ngân hàng đã tung ra nhiều gói tín dụng hỗ trợ, lãi suất thấp. Nhưng bất ngờ hơn là kế hoạch tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong năm nay.

Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2020 chưa bằng một nửa so với năm ngoái dù các ngân hàng đã tung ra nhiều gói tín dụng hỗ trợ, lãi suất thấp. Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đến 16/6 mới chỉ đạt 2,13%, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước (5,7%).

Trong một hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng tăng trưởng chậm là điều phải chấp nhận trong bối cảnh tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay. Dù Việt Nam kiểm soát dịch rất tốt, nhưng dịch bệnh ở nước ngoài vẫn tác động tới các doanh nghiệp trong nước. Nhiều doanh nghiệp chưa biết vay vốn để làm gì. Trong khi đó, ngành ngân hàng khẳng định sẽ không hạ chuẩn cho vay, vì lo ngại phát sinh nợ xấu.

Xét riêng từng ngân hàng, tăng trưởng tín dụng năm nay có sự phân hóa mạnh. Có những ngân hàng đến tháng 5 vẫn tăng trưởng âm, nhưng cũng có ngân hàng tăng trưởng tín dụng 3 tháng đã đạt trên 4%. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng vẫn kỳ vọng có thể tăng trưởng mạnh tín dụng trong năm nay.

Có 3 ngân hàng trình cổ đông kế hoạch tăng trưởng tín dụng trên 20% năm nay. Cụ thể, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên, MSB cho biết năm 2020, ngân hàng đặt mục tiêu dư nợ tín dụng (bao gồm dư nợ cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) tăng 20% lên 81.500 tỷ. MSB cũng cho biết sẽ thực hiện tăng trưởng tín dụng theo tỷ lệ được NHNN cho phép theo chính sách điều hành từng thời kỳ. 3 tháng đầu năm 2020, dư nợ cho vay khách hàng của MSB tăng 3,3% đạt 65.691 tỷ đồng, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng khoảng 5%.

Trong khi đó, theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên, Nam A Bank sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2020 với dư nợ tín dụng tăng 21% lên 82.000 tỷ đồng. Nếu đạt được tăng trưởng này, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Nam A Bank có thể đạt 1.000 tỷ đồng. Trên thực tế, kế hoạch tăng trưởng trên là có cơ sở, bởi dư nợ cho vay trong 3 tháng đầu năm của Nam A Bank tăng tới 4,6%, đạt gần 70.700 tỷ đồng.

Tài liệu đại hội cổ đông của VIB cũng đề ra mục tiêu dư nợ tín dụng tăng tới 24% so với năm 2019, đạt 164.408 tỷ đồng, bao gồm cho vay khách hàng, trái phiếu doanh nghiệp và mua nợ. Mức tăng trưởng tín dụng tối đa không được vượt quá hạn mức mà NHNN cho phép. Theo đó, VIB dự kiến lợi nhuận trước thuế tăng 10%, đạt 4.500 tỷ đồng. Trong quý 1/2020, dư nợ cho vay khách hàng của VIB tăng khá mạnh so với mặt bằng chung toàn ngành (tăng 4% đạt 129.200 tỷ đồng).

Nhiều ngân hàng cũng đặt mục tiêu tín dụng tăng khoảng 15% trong năm nay. Chẳng hạn, HDBank, VietBank, TPBank, SHB đều dự kiến tăng trưởng tín dụng đạt 15%. HDBank kỳ vọng tăng cao hơn một chút, với mục tiêu tín dụng tăng 16%. Tất nhiên, các ngân hàng đều chú thích là sẽ tăng trưởng trong phạm vi cho phép của NHNN.

Nhóm đặt mục tiêu tăng 10-12% thì có thể kể đến ACB (11,75%), ABBank (10,5%), LienVietPostBank (10,7%), Sacombank (11%),…

Chỉ có vài ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng dưới 10% trong năm nay, như Eximbank, VietinBank,…Cụ thể, VietinBank cho biết mục tiêu tín dụng tăng 4-8,5% trong năm nay (hạn mức tăng trưởng tín dụng được NHNN giao là 8,5%). Tốc độ tăng trưởng tín dụng của VietinBank sẽ vẫn còn phụ thuộc vào lộ trình tăng vốn điều lệ của ngân hàng.

Tuy chỉ đặt mục tiêu tối đa 8,5%, nhưng với trường hợp của VietinBank là rất lớn. Dư nợ tín dụng của VietinBank cuối năm 2019 là hơn 922.000 tỷ đồng; và nếu ngân hàng có thể tăng 8,5% trong năm nay thì tức bơm được khoảng 78.400 tỷ đồng ra nền kinh tế, bằng mức tăng 90 - 100% của những ngân hàng nhỏ như NamABank hay MSB. Dẫu vậy VietinBank sẽ cần sự nỗ lực rất lớn để đạt được mục tiêu trên. Tại ĐHĐCĐ thường niên hôm 23/5, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, tín dụng đến thời điểm tổ chức cuộc họp vẫn giảm so với đầu năm (khoảng 2%), do tổng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế chưa thể phục hồi mạnh. Như vậy, ngân hàng sẽ phải dồn tăng trưởng vào nửa cuối năm nếu muốn đạt được mục tiêu, và điều này vẫn còn phụ thuộc vào nhu cầu vay vốn cũng như sức khỏe của các doanh nghiệp.

Không chỉ VietinBank mà ngân hàng lớn nhất hệ thống là BIDV cũng ghi nhận dư nợ cho vay sụt giảm 1% trong 3 tháng đầu năm. Trong khi đó, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên vào đầu tháng 3, trước khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội, BIDV đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng tới 9% trong năm 2020. 

Tuy nhiên, những kế hoạch tăng trưởng tín dụng nói trên có thể sẽ phải điều chỉnh trong thời gian tới để phù hợp với tình hình, và dưới sự giám sát, chỉ đạo của NHNN. Chưa kể, các ngân hàng cũng vẫn phải tính toán tăng trưởng thế nào khi nguy cơ phát sinh nợ xấu hậu dịch Covid là không thể xem thường.

Phía NHNN cũng không còn đặt nặng một con số cố định cứng về tăng trưởng tín dụng trong năm nay. Trong những lần trả lời báo chí, lãnh đạo NHNN thường cho biết sẽ điều hành tín dụng linh hoạt, phù hợp, bám sát tình hình thực tế và phục vụ mục tiêu cuối cùng là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

"Hiện tại, tăng trưởng tín dụng đang rất thấp do nhu cầu vay mới chưa nhiều. Tuy nhiên, khi đại dịch kết thúc thì hệ thống ngân hàng luôn sẵn sàng đảm bảo nguồn vốn cung ứng cho doanh nghiệp và người dân trở lại hoạt động bình thường", Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời báo chí tại hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng mới đây. Phó Thống đốc cũng cho biết NHNN sẽ tiếp tục xem xét để thực hiện điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng. Điều này đang trong quá trình xem xét, phân tích và đánh giá. Việc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng là cần thiết nhưng tăng trưởng phải đi cùng với việc kiểm soát được rủi ro.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM