Sữa mẹ có vị gì?
Bình thường sữa mẹ sẽ có mùi thơm nhẹ đặc trưng, vị ngọt nhạt, không quá mặn hay quá ngọt. Khi bé mới chào đời, nguồn sữa mẹ lúc này (còn được gọi là sữa non) rất đặc và thơm, sau đó sẽ bắt đầu loãng dần theo thời gian.
Tùy cơ địa mỗi người phụ nữ và chế độ ăn uống trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ mà vị của sữa mẹ cũng sẽ khác nhau.
Ngoài ra, mùi vị sữa mẹ cũng sẽ biến đổi thành tanh, nồng, chua hơn ban đầu nếu được vắt ra và để ở nhiệt độ ngoài môi trường trong khoảng thời gian dài. Chính vì vậy, nếu muốn để dành sữa cho con, các mẹ cần biết cách bảo quản sữa sao cho đúng cách.
Những yếu tố ảnh hưởng tới vị của sữa mẹ
Do sự khác biệt trong thực đơn ăn uống và cơ địa mà mỗi người phụ nữ sẽ có sữa mẹ với hương vị không giống nhau. Hương thơm và mùi vị nguyên bản của sữa mẹ sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những loại thực phẩm dưới đây:
- Gia vị nồng như tỏi, ớt, tiêu... sẽ làm vị của sữa mẹ thay đổi.
- Thực phẩm đóng hộp và chế biến sẵn khiến sữa mẹ sẽ có vị mặn do hàm lượng natri cao trong các loại thức ăn này.
- Chuối, ngũ cốc, trái cây sẽ giúp mùi vị sữa mẹ sẽ thơm ngon hơn, lượng sữa cũng dồi dào nếu mẹ ăn nhiều hơn các loại thực phẩm này.
Cơ địa của từng phụ nữ cũng trở thành nguyên nhân làm cho mùi vị sữa mẹ khác nhau, chẳng hạn như:
- Enzyme tiêu hóa lipase: Nếu lượng chất này có nhiều trong cơ thể mẹ sẽ khiến sữa sau khi vắt ra ngoài có vị như xà phòng.
- Lactose: Khi mẹ được bồi bổ đủ chất thì nồng độ lactose trong máu cao, làm cho sữa mẹ có vị ngọt.
Sữa mẹ ngọt có tốt không?
Mùi vị sữa mẹ thông thường sẽ ngọt nhạt, dễ chịu. Nhưng nếu sữa mẹ có vị ngọt hơn bình thường là do có chứa lactose, lượng lactose càng cao sẽ khiến sữa mẹ càng ngọt và ngược lại.
Nếu các mẹ đang thắc mắc sữa mẹ ngọt có tốt cho bé không thì có thể yên tâm vì sữa mẹ có vị ngọt không có gì đáng ngại. Điều này phản ánh sức khỏe mẹ rất tốt, chế độ ăn uống đầy đủ chất nên sữa mới có vị ngọt, đặc, thơm ngon.
Tuy nhiên, mẹ cũng cần lưu ý không nên để sữa quá ngọt tránh tình trạng trẻ bị quá tải lactose khiến trẻ đi ngoài phân lỏng xanh, nhiều bọt, mùi chua…
Sữa mẹ mặn có nên cho bé bú không?
Hàm lượng natri cao và chế độ ăn uống nhiều loại thực phẩm có mùi nồng như tiêu, tỏi, ớt… sẽ làm cho sữa mẹ có vị mặn.
Khi sữa mẹ mặn có thể làm cho trẻ ''chê'' sữa, bỏ cữ bú hoặc bú không nhiều, dẫn đến trẻ bị đói, quấy khóc, thiếu hụt dinh dưỡng và hay ốm vặt.
Vậy nên, để sữa mẹ không bị mặn, các mẹ cần hạn chế ăn đồ cay nóng, nhiều gia vị, thực phẩm chế biến sẵn..., tăng cường ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đồ ăn tính mát, lợi sữa...
Màu sữa mẹ như thế nào là tốt?
Thông thường sữa mẹ có màu trắng đục hoặc hơi ngả vàng nhưng sẽ thay đổi màu sắc theo thời gian, thời điểm trong ngày và thực phẩm mà người mẹ ăn. Tùy thuộc vào từng giai đoạn, sữa mẹ sẽ chuyển biến về cả thành phần lẫn màu sắc như sau:
- Sữa non: Đây là sữa ở cuối của thai kỳ và vài ngày đầu tiên sau khi sinh. Do trong sữa non có chứa rất nhiều beta-carotene nên có màu vàng nhạt hoặc cam là phổ biến.
- Sữa chuyển tiếp: Sữa trong giai đoạn tiếp theo của sữa non. Lúc này, sữa mẹ đã dồi dào hơn và có sự biến chuyển về màu sắc, từ vàng sang trắng.
- Sữa trưởng thành: Là sữa mẹ trong khoảng hai tuần sau sinh. Lúc này, lượng sữa đầu trong ngày thường có màu xanh nhạt, xanh non hoặc trắng trong. Tuy nhiên trong những lần bú sau đó, sữa mẹ đậm dần và đổi thành màu trắng hoặc vàng đục (sữa cuối).
Như vậy có thể thấy, sữa mẹ màu gì là tốt sẽ phụ thuộc vào mỗi giai đoạn khác nhau. Sữa mẹ màu vàng, màu trắng hay xanh non nhạt được coi là bình thường nếu khớp với thời điểm như đã nói ở trên.
Mẹ ăn gì sữa đặc, mát, con tăng cân đều?
Để có được nguồn sữa mẹ chất lượng cho con khỏe mạnh, tăng cân đều, mẹ có thể tham khảo một số loại thực phẩm sau:
- Cà rốt: Uống một cốc nước cà rốt ép mỗi sáng hay bổ sung vào thực đơn ăn uống sẽ giúp sữa mẹ thơm và mát hơn, đồng thời giúp trẻ không bị nóng trong, nổi mẩn.
- Thì là: Không chỉ giúp lượng sữa mẹ tiết ra nhiều hơn, thì là còn giúp mùi vị của sữa mẹ thơm ngon, kích thích bé bú lâu hơn.
- Nước lá bồ công anh: Theo Y học cổ truyền, lá cây bồ công anh có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và mát gan. Bên cạnh đó, lá cây bồ công anh rất dồi dào protein và các khoáng chất như canxi, sắt, vitamin A, vitamin C, vitamin nhóm B giúp sữa mẹ đặc, nhiều dinh dưỡng, để bé tăng cân nhanh.
- Nước gạo lứt: Gạo lứt là thực phẩm chứa nhiều vitamin B và các chất vi lượng như magie, natri... Chính vì vậy, gạo lứt là sự lựa chọn hợp lý cho mẹ để có nguồn sữa thơm và mát hơn.
- Rau ngót: Rau ngót cung cấp nhiều canxi, protein, phốt pho, chất béo, sắt và các loại vitamin. Bên cạnh đó, rau ngót còn giúp làm sạch phần sót nhau, hay phần máu bẩn còn lại sau khi mẹ sinh.
- Bí ngô: Bí ngô chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất, là giải pháp tuyệt vời giúp sữa mẹ đặc và thơm mát hơn. Vì vậy, mẹ có thể bổ sung bí ngô vào thực đơn ăn uống mỗi ngày.
Với những thông tin trong bài viết trên hy vọng mẹ đã có thêm hiểu biết thú vị về hương vị của sữa mẹ từ đó xây dựng chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý để có nguồn sữa dồi dào, thơm mát cho con. Chúc các mẹ nuôi con khỏe mạnh!