Bất lực trước tàu dầu Iran ở Venezuela, Mỹ thêm choáng váng với đòn "dưới thắt lưng" mới?

Hoài Giang | 16-07-2020 - 13:22 PM

(Tổ Quốc) - Nhà phân tích Elijah J.Magnier cho rằng Mỹ đã "cảnh giác nhưng bất lực" với các tàu dầu Iran tới Venezuela và nay thì choáng váng trước một đòn "dưới thắt lưng" ở Lebanon.

Hôm 15/7, nhà phân tích Elijah J.Magnier đã đăng tải trên trang ejmagnier.com bài viết nhan đề: "When Hezbollah Flags up the China and Iran options, the US trembles" (tạm dịch: Mỹ "run rẩy" khi Hezbollah đột ngột "chuyển hướng" sang Trung Quốc và Iran).

Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn khách quan (Tác giả Elijah J. Magnier đã có 35 năm kinh nghiệm tại vùng Trung Đông) về một cuộc chiến đang âm thầm diễn ra giữa một bên là Mỹ - Israel và bên còn lại là Iran - Syria - Iraq và Lebanon, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Từ "hoạt động bất thường" của Hezbollah tại biên giới Syria - Lebanon

Cảnh giác trước sự "dò xét" của các máy bay không người lái (UAV) Mỹ và Israel, các thành viên của nhóm vũ trang Hezbollah đang vội vã cất giấu hàng trăm tấn thực phẩm do "nhà tài trợ" Iran cung cấp trong hàng chục kho hàng bí mật dọc theo biên giới Syria và Lebanon.

Hành động bất thường này cho thấy Hezbollah đang ráo riết chuẩn bị thực hiện tuyên bố của Thủ lĩnh Hezbollah, Sayyed Hassan Nasrallah là ngăn chặn một thảm họa nhân đạo có thể xảy ra đối với người dân Lebanon.

Bất lực trước tàu dầu Iran ở Venezuela, Mỹ thêm choáng váng với đòn dưới thắt lưng mới? - Ảnh 1.

Kể từ tháng 4/2020, lực lượng Hezbollah ở Lebanon đã tăng cường tích trữ lương thực, thực phẩm tại các kho hàng gần biên giới Syria.

Cuộc chiến giữa Mỹ và Israel nhằm vào Iran và các đồng minh trong khu vực vẫn đang tiếp diễn. Nhưng thay vì cách mà Washington và Tel Aviv đã làm ở Afghanistan năm 2001, Iraq năm 2003, Lebanon năm 2006 hay các vụ ám sát ở Iraq, giờ đây họ đang sử dụng các vũ khí mới.

Đây được đánh giá là một "cơn sóng thần" các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran, Syria và Lebanon đi cùng những lời đe dọa đối với Iraq.

Tháng 1/2020, phản ứng trước việc Baghdad yêu cầu lính Mỹ rút khỏi Iraq sau vụ ám sát Tướng Iran Soleimani (báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc Agnes Callamard cho rằng đây là "một hành động chiến tranh"), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ giáng những đòn trừng phạt "mà họ chưa từng thấy".

Sau 40 năm trừng phạt cùng với áp lực quân sự của Mỹ, Iran vẫn "sống sót". Syria cũng đang "vật lộn" với Đạo luật Caesar, một trong nhiều lệnh trừng phạt do EU-Mỹ áp đặt trong suốt 9 năm chiến tranh.

Đối với Lebanon, khủng hoảng kinh tế và tiền tệ bị mất giá mạnh đã đẩy giá thực phẩm tăng cao, điều này đang gây sức ép lên chính phủ và Hezbollah, lực lượng được cho là "nhà nước trong nhà nước" phải nhanh chóng tìm ra các giải pháp để đối phó với các đòn tấn công của Mỹ.

Với mục đích này, Thủ lĩnh Hezbollah Nasrallah đưa ra ý tưởng rằng Beirut nên "hướng đông", tức là tiếp cận Nga và Trung Quốc.

Tuy nhiên đề xuất này không đồng nghĩa với việc Lebanon "quay lưng" với phương Tây, trừ khi Mỹ tiếp tục triển khai các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đang gây hậu quả nghiêm trọng đối với người dân Lebanon.

Bản chất của chính sách "hướng đông" này là tạo ra một "cơn bão" dư luận ở ngay tại Washington, khiến người Mỹ nhận thức được mối đe dọa ngày càng tăng của "gã khổng lồ đang trỗi dậy" Trung Quốc và các đối tác trên toàn cầu đang đe dọa chủ nghĩa bá quyền của họ.

Bất lực trước tàu dầu Iran ở Venezuela, Mỹ thêm choáng váng với đòn dưới thắt lưng mới? - Ảnh 2.

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao và Đại sứ tại Lebanon, Jeffery Feelman từng có một phát biểu "gây bão" trước Quốc hội Mỹ rằng Washington nên tìm cách đánh bại Hezbollah trước khi Nga, Trung Quốc và Syria "đặt chân" lên quốc gia này.

Đòn "dưới thắt lưng" khiến Mỹ mất thăng bằng?

Bình luận về hành động mà Washington cho rằng là "quá khích" của chính phủ Lebanon trong quan hệ với Trung Quốc, Đại sứ Mỹ tại nước này Dorothy Shea cho rằng chính quyền Mỹ đang hành động "sai lầm".

Cú đánh "dưới thắt lưng" của Nasrallah bằng chính sách "hướng đông" đã khiến Washington "mất thăng bằng" - đây cũng được coi là tuyên bố "đáng khinh" nhất đối với chính quyền của ông Trump.

Cả 2 quốc gia (Nga và Trung Quốc) đều có đủ năng lực đối phó với các hành động của Mỹ nhằm vào Lebanon.

Sự bóp nghẹt về mặt kinh tế có thể coi là cuộc "chiến tranh mềm" nhằm vào Iran và các đồng minh vì nó giúp Mỹ và Israel không thiệt hại về nhân mạng. Tuy nhiên điều mà cả Washington và Tel Aviv đều không lường trước là phản ứng của "đối phương".

Iran và các đồng minh đã có đủ thời gian để trở nên "sáng tạo", tìm cách "sinh tồn" bằng sự đoàn kết và vượt qua các rào cản do Mỹ và Israel thiết lập.

Cụ thể, Iran đã cam kết sẽ hỗ trợ các đồng minh ở Trung Đông và mới đây là Venezuela, một quốc gia Nam Mỹ bằng việc ồ ạt xuất khẩu các chế phẩm dầu mỏ dưới con mắt "cảnh giác nhưng bất lực" của người Mỹ.

Bất lực trước tàu dầu Iran ở Venezuela, Mỹ thêm choáng váng với đòn dưới thắt lưng mới? - Ảnh 4.

Tàu dầu Fortune (Iran) được tàu hải quân Venezuela hộ tống di chuyển về nhà máy lọc dầu El Palito.

Trong khi đó, cách mà Mỹ đối xử với những người cho rằng mình là đồng minh của Washington không khác gì những "con tốt thí" và không che giấu mục tiêu hướng tới thịnh vượng của Israel.

Mới đây, trong một cuộc họp kín với Thủ tướng Lebanon Hassan Diab, Đại sứ Mỹ Dorothy Shea đã nêu ra yêu cầu của Israel về xác định biên giới trên biển và trên bộ giữa hai nước - yêu sách mà Beirut luôn từ chối.

Người Mỹ đang cố gắng đưa ra các "giải pháp ngắn hạn" nhằm giữ cho chính phủ Lebanon tiếp tục nuôi hi vọng vào "sự ban phước" của Washington, nhằm khiến Beirut không thực hiện các bước đi quyết liệt với Trung Quốc để đổi lấy năng lượng và cơ sở hạ tầng.

Cần nhấn mạnh rằng năng lực quân sự của Hezbollah đã khẳng định một vị thế vững chắc của tổ chức này ở khắp Trung Đông.

Chính vì vậy, phát biểu của Nasrallah không nhằm thu hút sự ủng hộ mà là một kế hoạch hành động nhằm chuẩn bị đáp ứng một số nhu cầu cấp thiết của người dân Lebanon.

Cuộc "chiến tranh mềm" đã bắt đầu, Washington có thể sẽ nghĩ đến các biện pháp để tiếp tục "siết chặt" trừng phạt bên cạnh các hành động chống lại Hezbollah, nhưng cũng như Iran và Syria, lực lượng này dường như đã sẵn sàng các phương án đối phó.

Tiến sĩ Elijah J. Magnier là nhà phân tích về chính trị, tội phạm, khủng bố và xung đột người Bỉ đồng thời là một phóng viên kỳ cựu với hơn 35 năm kinh nghiệm ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA).

Các phân tích của ông về tình hình Iran, Iraq, Lebanon, Libya, Sudan và Syria thường được đăng tải hoặc trích dẫn trên các tờ báo có uy tín trong khu vực như Jerusalem Post, Alrai Media, Middle East Monitor, The Alt World, The Middle East Eyes...

Các bài viết của Elijah J. Magnier được đánh giá là các bài viết "bắt buộc phải đọc" đối với những người muốn hiểu sâu về các vấn đề phức tạp ở Trung Đông - thường xuyên được đưa tin và tuyên truyền trên báo chí phương Tây.

Xe tăng Merkava của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đối đầu với binh sĩ Lebanon và UNIFIL tại "tuyến xanh" (được LHQ thiết lập liên quan tới việc giám sát binh lính IDF rút khỏi nam Lebanon năm 2000) vào tháng 6/2020. Cho tới nay Beirut vẫn bác bỏ yêu sách của Tel Aviv rằng "tuyến xanh" là biên giới giữa hai nước.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM