Cho dù có nhiều chuyên gia trong khu vực hoan nghênh thỏa thuận thương mại tự do giữa Liên minh châu âu và Việt Nam mở ra những cơ hội kinh tế mới, một số nhà phân tích nói rằng, hiệp định này chưa trở thành cứu tinh cho việc hồi phục "hậu Covid-19" ngay lập tức. Các nhà phân tích Trung Quốc cũng cho rằng, EVFTA sẽ không khiến các nhà đầu tư và nhà sản xuất nước ngoài đồng loạt chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, theo South China Morning Post.
EVFTA sẽ cắt giảm hoặc loại bỏ 99% thuế quan đối với hàng hóa được giao dịch giữa hai bên. Trong ngành dệt may, 77,3% thuế quan sẽ được loại bỏ sau 5 năm và 22,7% còn lại sau 7 năm. Theo Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam, Nicolas Audie, EVFTA xuất hiện tại một thời điểm thuận lợi cho các công ty châu Âu.
Dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 7, EVFTA sẽ mở ra các dịch vụ của Việt Nam, bao gồm thị trường bưu chính, ngân hàng và vận chuyển và mua sắm công cộng. Đây là thỏa thuận thứ hai của EU với một thành viên của ASEAN sau Singapore.
Thỏa thuận này sẽ mang lại lợi ích cho các công ty như Saigon Cider - công ty nước giải khát thủ công có trụ sở tại TP.HCM xuất khẩu sang Pháp và Campuchia . Nhà sáng lập người Anh, Hannah Jefferys, người cũng đang đàm phán với các công ty Đức và Bồ Đào Nha, cho biết: "Khách hàng sẽ được cung cấp giá tốt và sản phẩm tốt hơn. FTA sẽ làm cho xuất khẩu trở nên khả thi hơn vì nhiều chi phí sẽ được loại bỏ".
Giống như nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch, doanh số tại Saigon Cider đã bị ảnh hưởng trong thời gian giãn cách xã hội trên toàn cầu. "Dịch vụ của chúng tôi là hàng hóa xa xỉ. Khi nền kinh tế đi xuống, mọi người có xu hướng tìm kiếm thị trường hàng hóa thông thường, thiết yếu và các sản phẩm rẻ hơn", ông Jefferys nói. "Một gói rượu táo sáu múi có giá 510.000 VND, tương đương khoảng 21 USD, bán tại Việt Nam - một quốc gia nơi bia tươi được bán với giá khoảng 1,5 USD/lít".
Cuối tháng 1, Việt Nam không chỉ đóng cửa biên giới với Trung Quốc mà còn đình chỉ thị thực để dừng người nước ngoài nhập cảnh bắt đầu từ giữa tháng 3.
Audie, một luật sư làm việc tại Việt Nam từ năm 1995 nói thêm: "Có thể coi đó là một lộ trình để phục hồi, một mặt giúp các công ty châu Âu tiếp cận nhiều hơn với một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, vào thời điểm chỉ mới có một vài nền kinh tế mở cửa cho doanh nghiệp".
Ông cho biết các doanh nghiệp ở Việt Nam đã có thể phục hồi nhanh chóng do sự nhanh nhạy và xử lý thành công đại dịch. Audie cũng dự kiến sẽ thấy sự gia tăng đầu tư của EU vào Việt Nam trong những tháng tới.
"Các công ty châu Âu sẽ sớm có cơ hội tiếp cận tốt hơn với thị trường tiêu dùng trung lưu đang phát triển của Việt Nam, cũng như các lĩnh vực dịch vụ phát triển mạnh, như giáo dục đại học, viễn thông và ngân hàng", ông nói.
Theo Ủy ban Châu Âu, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU tại ASEAN sau Singapore , với thương mại trị giá 49,3 tỷ EUR (56 tỷ USD) cho hàng hóa và hơn 3 tỷ EUR cho các dịch vụ. Việt Nam nhập khẩu và xuất khẩu sang Trung Quốc ở mức 517,26 tỷ USD.
Một phụ nữ kiểm tra một bảng mạch tại Nhà máy Manutronics ở Bắc Ninh, Việt Nam. Ảnh: Reuters
Trung Quốc và EVFTA
Tuy nhiên, Trinh Nguyen, Nhà kinh tế cấp cao khu vực châu Á tại Natixis, một ngân hàng doanh nghiệp và đầu tư của Pháp cho biết cơ hội gia tăng xuất khẩu của Việt Nam là do EVFTA có khả năng bị triệt tiêu bởi sự phụ thuộc vào nguyên liệu, linh kiện của Trung Quốc cho ngành sản xuất.
Để giảm sự phụ thuộc này, bà Nguyen cho biết Việt Nam cần cải thiện giáo dục đại học, thúc đẩy đào tạo và nội địa hóa các nhà cung cấp.
Các nhà kinh tế của Natixis nói với SCMP, sự phụ thuộc của Việt Nam vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng lên trong những năm qua. Mối liên kết của Việt Nam với Trung Quốc tăng nhanh hơn đáng kể từ năm 2014 đến 2018 so với các nước ASEAN khác.
Theo số liệu của hải quan Việt Nam, sản xuất hàng dệt may của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc cho nguồn vải. Năm ngoái, Việt Nam đã xuất khẩu hàng dệt may trị giá 1,59 tỷ USD sang Trung Quốc nhưng lại nhập tới 11,52 tỷ USD nguyên liệu đầu vào.
Bà Nguyen cho biết, thỏa thuận thương mại tự do đã quy định quy tắc xuất xứ đối với hàng dệt may, buộc nhiều chuỗi cung ứng nguyên liệu phải chuyển sang Việt Nam, mặc dù hiện tại nhập khẩu nguyên liệu đầu vào Trung Quốc rẻ hơn. bà hy vọng sẽ có thêm dòng vốn đầu tư để tăng cường công nghiệp phụ trợ trong nền kinh tế.
Với căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhiều chính phủ và các nhà phân tích kêu gọi đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm sự phụ thuộc của các nước vào "cường quốc sản xuất" Trung Quốc.
Một số quốc gia đã bắt đầu chuyển một số chuỗi sản xuất và cung ứng ra khỏi Trung Quốc khi thương chiến bắt đầu vào năm 2018. Và trong khi Việt Nam đã được hưởng lợi, các nhà phân tích như Nguyen cho biết có hạn chế về quy mô sản xuất, vì lực lượng lao động của Việt Nam quy mô nhỏ hơn, chỉ bằng 7% so với Trung Quốc.
"Việt Nam sẽ chỉ có thể hấp thụ vốn từ các lĩnh vực đã được tập trung, như dệt may, giày dép và điện tử. Và ngay cả trong lĩnh vực điện tử, sản xuất cũng đòi hỏi phải huy động lực lượng lao động lớn, Việt Nam không thể đạt được quy mô mà Trung Quốc có cũng như các mối liên kết cung ứng hiện có", bà Nguyen nói.
Một công nhân trên dây chuyền sản xuất tại một nhà máy bên trong Khu công nghiệp Hợp tác Kinh tế và Thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh: SCMP Ảnh
Đồng ý với ý kiến đó Dang Yingwen, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Tế Nam nói rằng các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ không ồ ạt chuyển hoàn toàn sang Việt Nam
"Nhiều nhà sản xuất nước ngoài có khả năng duy trì hoạt động tại Trung Quốc mà vẫn mở rộng hoạt động tại Việt Nam", ông Dang dự đoán.
Dang bác bỏ suy đoán rằng Việt Nam có thể thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra.
"So với Trung Quốc, thị trường Việt Nam vẫn là nhỏ với dân số 100 triệu người, chỉ lớn hơn một chút so với Quảng Tây. Các công ty nước ngoài không có khả năng di dời hoàn toàn khỏi Trung Quốc do thị trường Trung Quốc rộng lớn và năng lực sản xuất cũng lớn", ông Dang nói.
Giáo sư Quan hệ Quốc tế của Đại học Bắc Kinh Zhai Kun cho biết mặc dù EVFTA mang lại lợi ích đáng kể, song Việt Nam vẫn nên tiếp tục tăng cường các quy trình kiểm soát chất lượng và sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực thủy sản và dệt may.
"Điều này sẽ cho phép Việt Nam đáp ứng các yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng hàng hóa nhập khẩu vào EU và được hưởng các yêu cầu giảm thuế", ông Zhai nói.
Ông Zhai cũng cho hay chính Trung Quốc đã bắt đầu chuyển một số khía cạnh của hoạt động và chuỗi cung ứng sang Việt Nam, ngay cả trước khi bắt đầu đại dịch và phê chuẩn EVFTA. "Việt Nam được coi là điểm đến lý tưởng nhất thay thế cho các nhà máy thâm dụng lao động ở Trung Quốc do lợi thế về vị trí, các biện pháp ưu đãi cho đầu tư nước ngoài và năng suất lao động", ông Zhai nói.
Tuy nhiên, Zhai cho biết không phải tất cả các lĩnh vực sản xuất đều có thể dễ dàng chuyển sang Việt Nam. Tiền lương của công nhân sản xuất Trung Quốc gấp 3 lần Việt Nam, nhưng công nhân Trung Quốc cũng có tay nghề cao hơn. Khó có thể bắt kịp Trung Quốc. Công nhân nhập cư ở Trung Quốc còn đông hơn dân số Việt Nam cộng lại, ông Zhai nói.
Hơn nữa trong những năm gần đây, Trung Quốc hướng tới con đường phát triển chất lượng cao và đã chọn tập trung vào phát triển các ngành công nghiệp giá trị gia tăng cao.
"Đây là ngôi nhà của các công ty hàng đầu thế giới về pin mặt trời, mạng 5G, trí tuệ nhân tạo và sản xuất pin. Vì vậy, không có cách nào Việt Nam có thể thay thế hoàn toàn Trung Quốc trở thành công xưởng thế giới", ông Zhai nói.
Ông Dang cũng đồng ý, cho biết thêm: EVFTA có thể là hy vọng để giảm sự phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc. Nhưng điều này là không thực tế. Là một quốc gia nông nghiệp, nhiều sản phẩm của Việt Nam được bán cho nước láng giềng Trung Quốc, một trong những thị trường lớn nhất.
Kể từ khi dịch bệnh bắt đầu, các chính phủ ở các nước như Nhật Bản và H àn Quốc đã cố gắng lôi kéo các nhà sản xuất trong nước chuyển cơ sở sản xuất ở nước ngoài sang Đông Nam Á. Thực hiện với các ưu đãi và các chương trình trợ cấp khác, hy vọng rằng điều này sẽ giúp các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư không thể thực hiện quay đầu, một phần là do sự hấp dẫn của thị trường nội địa lớn của Trung Quốc.
Lễ ký kết Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam tại Văn phòng Chính phủ tại Hà Nội. Ảnh: Reuters
Điều này không có nghĩa là Trung Quốc sẽ không cảm thấy tác động từ mối quan hệ thương mại chặt chẽ giữa Việt Nam hơn với EU. Trong một bài báo có tiêu đề "Cân nhắc và tác động của FTA Việt Nam-EU" xuất bản vào tháng 5 năm nay, hai chuyên gia Yang và Zhai đã viết rằng khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm chính của Trung Quốc tại thị trường EU - như dệt may, đồ gia dụng và giày dép - sẽ bị ảnh hưởng khi thỏa thuận có hiệu lực. Hiện tại, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Bangladesh.
Các nhà đồng tác giả cho biết, việc tăng đầu tư của châu Âu vào Việt Nam có thể làm giảm đầu tư của châu Âu tại Trung Quốc, là một vấn đề đáng quan tâm. Các đồng tác giả cho biết nếu Việt Nam có FTA với Mỹ, tác động đối với Trung Quốc sẽ lớn hơn.