Mới đây tờ Anadolu đăng tải bài phân tích nhan đề: "To encircle Turkey with an energy project: Transformation of East Med" (tạm dịch: Âm mưu bao vây Thổ Nhĩ Kỳ bằng các dự án năng lượng: Sự biến đổi tại đông Địa Trung Hải) của tác giả Mehmet A. Kanci.
Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều (Anadolu là cơ quan thông tấn của Thổ Nhĩ Kỳ) đặc biệt là việc Ankara đang nỗ lực "định hình" tương lai Trung Đông, Bắc Phi và đông Địa Trung Hải bằng các hành động gây căng thẳng hiện tại, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt viễn cảnh bị các "đồng minh" bao vây!
Ngày 6/9, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian thông qua France Inter Radio đã đưa ra thông điệp về hành động sắp tới của Paris nhằm trực tiếp vào Thổ Nhĩ Kỳ trong một khu vực rộng lớn từ Libya tới Iraq.
"Hồ sơ của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là nội dung chính trong chương trình họp của Hội đồng Châu Âu được tổ chức vào cuối tháng này. Với tư cách là các ngoại trưởng, chúng tôi đã chuẩn bị hồ sơ này ở Berlin vài ngày trước.
Hồ sơ chứa một loạt các biện pháp gây sức ép có thể có hiệu quản nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ".
Khi Biên bản ghi nhớ (MoU) về việc phân định các khu vực tài phán trên biển được ký kết giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Libya (Chính phủ Hiệp định Quốc gia - GNA tại Tripoli) vào ngày 27/11/2019, cán cân ở Địa Trung Hải đã thay đổi.
Nói cách khác MoU mở ra một liên minh quân sự với mục đích tìm ra phương án khắc chế Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian.
Sẽ là vô cùng sai lầm nếu dựa vào các sự kiện diễn ra trong khu vực trong hai năm 2019 và 2020 để hiểu được tầm vóc của liên minh này.
Điều đầu tiên là trở lại một sự kiện vào năm 2013, khi dự án đường ống dẫn dầu EastMed (viết tắt của Đông Địa Trung Hải), được khởi động để đem lại lợi ích cho Châu Âu và được hỗ trợ bởi Mỹ và Pháp, hai nước vốn đã trở thành một liên minh quân sự chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhóm quốc gia đầu tiên tham gia dự án được khởi xướng bởi Ủy ban Châu Âu không ai khác là Israel, chính quyền Cyprus (Cộng hòa Síp) và Ai Cập - một mặt trận chính trị chống Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông.
Kể từ đó, các tranh chấp về việc chia sẻ tài nguyên ở vùng biển quanh Đảo Síp và việc vận chuyển chúng đến châu Âu đã phát triển thành từ cạnh tranh năng lượng sang cạnh tranh về mặt quân sự liên quan tới những diễn biến chiến sự ở Libya trong năm 2019 vừa qua.
Mặc dù dự án EastMed bị "đóng băng" do suy thoái kinh tế toàn cầu vào quý cuối cùng của năm 2019 và các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với sản xuất công nghiệp đã làm giảm nhu cầu năng lượng, điều kỳ lạ là tất cả đã không ngăn chặn được cuộc khủng hoảng.
Ngược lại, Italia, Palestine và Jordan lại trở thành các thành viên mới trong liên minh, được định hình lại dưới cái tên "Diễn đàn khí đốt EastMed" vào tháng 1/2020.
Không những vậy, Mỹ và Pháp cũng đã nộp đơn xin gia nhập. Việc hai cường quốc chủ động tham gia liên minh là bước đi quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự bất đồng thể hiện bằng các động thái quân sự phát triển từ cạnh tranh về năng lượng.
Đã 9 tháng kể từ đó, và chúng ta đang chứng kiến Pháp bán tiêm kích Rafale cho Hy Lạp đồng thời sau 33 năm, cấm vận vũ khí đối với CH Síp được Mỹ dỡ bỏ, tất cả những hành động này sẽ đem lại cho Athen một ưu thế tương đối về quân sự trước Ankara nếu xung đột nổ ra.
Tiêm kích Rafale có những ưu thế nhất định trước F-16.
Ngày 10/9, cuộc hội đàm giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cũng đã làm rõ ràng hơn về quy mô của viễn cảnh Thổ Nhĩ Kỳ bị bao vây.
Trong chuyến thăm này, một thỏa thuận dự kiến sẽ được ký kết về việc triển khai lính Pháp tới vùng Tây Thrace (tiếp giáp với Đông Thrace - lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Châu Âu) sau khi Mỹ và Hy Lạp tập trận chung trong cùng khu vực vào tháng 8/2020.
Không cần tới việc Thủ tướng Pháp Macro hỗ trợ tài chính cho đơn hàng tiêm kích, Hy Lạp cũng đã bán trái phiếu chính phủ trị giá 2,5 tỷ euro (2,9 tỷ USD) trên thị trường quốc tế vào ngày 2/9/2020.
Không khó để đoán ra địa chỉ của những người mua số trái phiếu này, khi xét rằng các chương trình mua sắm vũ khí của Ai Cập, Hy Lạp và CH Síp được gián tiếp tài trợ bởi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Ả Rập Saudi.
Khi "bức tranh" nói trên dần hoàn thiện và liên minh này ngày càng trở nên hung hăng ở đông Địa Trung Hải, rõ ràng Athen có lý do để từ chối những nỗ lực của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhằm làm trung gian đối thoại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.
Trong hoàn cảnh hiện tại, các hỗ trợ tài chính và quân sự từ bên ngoài đã khiến Hy Lạp dần tin tưởng và né tránh đối thoại, một số kênh truyền thông châu Âu đã cố gắng "bôi nhọ" khi Thổ Nhĩ Kỳ là bên luôn sẵn sàng cho xung đột.
Trong khi cố gắng tìm hiểu lý do tại sao Hy Lạp tránh né đối thoại, việc xem xét lại "bản sắc" của NATO đang dần thay đổi cũng là điều có lợi. Đây giống như một bí mật mà ai cũng biết nhưng không ai có can đảm để nói ra.
Hình minh họa (Nguồn: Anadolu).
Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị loại khỏi NATO?
Mặc dù tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong việc giải quyết xung đột ở Libya và đông Địa Trung Hải, Ankara đã phải đối mặt với thái độ hung hăng và cáo buộc của chính các đồng minh.
Vậy câu hỏi ở đây là liệu Thổ Nhĩ Kỳ có bị loại khỏi tổ chức trong bối cảnh NATO đang "chuyển mình"?
Liệu có sự thay đổi nào trong mô hình của NATO, tổ chức quân sự được xây dựng để phản ứng với Chiến tranh Lạnh, mà không thông báo cho một số thành viên của nó không?
Có lẽ để hiểu rõ về các diễn biến căng thẳng vẫn đang tiếp diễn ở đông Địa Trung Hải, chúng ta cần tìm ra những câu trả lời cho các câu hỏi nói trên.
Quyết định giảm quân Mỹ tại Đức với lý do được nêu ra là Berlin không đóng góp đủ cho việc bảo vệ NATO có thể đưa ra gợi ý về hướng đi của tổ chức trong tương lai.
Người Mỹ điều không quân từ Đức tới Italia để đối phó sự uy hiếp ngày càng tăng của máy bay Nga ở Bắc Phi và Địa Trung Hải với tâm điểm là Libya, họ cũng đã điều động các đơn vị tăng - thiết giáp và bộ binh đến Ba Lan và các nước Baltic.
Ở Trung Âu, một "tập đoàn quân" mới đang được hình thành để chống lại người Nga, với trung tâm là Ba Lan. Oanh tạc cơ B-52 Stratofortress của Mỹ bay qua khu vực giáp với Crimea cũng như Biển Đen.
Anh Quốc, đồng minh thân cận nhất của Mỹ cũng có vai trò nhất định lực lượng chống Nga mới được thiết lập. Nhưng điều cần lưu ý là các hoạt động triển khai của Quân đội Mỹ tại Alexandroupoli, Hy Lạp.
Có vẻ như Địa Trung Hải, Lebanon và thậm chí là cả Iraq (song song với việc rút quân đang được tiến) đã bị bỏ rơi và rơi vào tầm ảnh hưởng của người Pháp. Vụ nổ tại cảng Beirut vào ngày 4/8 đã biến Lebanon trở thành "cửa ngõ" để người Pháp thâm nhập Trung Đông.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viếng thăm hiện trường vụ nổ tại cảng Beirut, Lebanon vào đầu tháng 8/2020.
Ngoài việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho Lebanon, Paris đã giành được vị thế có thể can thiệp nhằm thay đổi hoàn toàn cấu trúc chính trị và tài chính của Beirut đồng thời loại bỏ ảnh hưởng của Iran ở nước này.
Đồng thời, người Pháp cũng đang toan tính đưa CH Síp gia nhập NATO thông qua một liên minh quân sự dưới danh nghĩa hợp tác về năng lượng.
Trong khi Mỹ, Anh và Pháp dường như đang "phân chia" ảnh hưởng của họ theo cách này, một động thái khác đã được thực hiện để đưa cấu trúc mới này được xây dựng nhằm chống lại các mối đe dọa của Iran và Nga đối với vùng Vịnh.
Việc UAE và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao giữa dưới "bàn tay" của Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể cho là một quyết định được xây dựng bên ngoài chuỗi liên minh nói trên.
Cần ghi nhớ là vào tháng 12/2019, tại Hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo NATO ở London, người ta tuyên bố rằng các hoạt động của tổ chức nhằm vào Trung Quốc đã nằm trong chương trình nghị sự.
Theo quan điểm này, có vẻ như một số quốc gia chủ chốt của NATO đang định hướng thành lập các liên minh khu vực với các đối tác không phải thành viên, ví dụ như Philippines.
Trong khi trụ sở NATO ở Brussels đang trở thành một tổ chức bảo trợ cái gọi là "quá trình chuyển đổi này", có thể hiểu rằng Mỹ, Anh và Pháp đang tự tái cấu trúc vì lợi ích toàn cầu của họ dưới lá cờ của NATO.
Câu hỏi về vị thế tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ trong những biến chuyển này và cũng để giải quyết "câu đố ở Địa Trung Hải" dường như cũng nằm trên bàn nghị sự của chính phủ (Thổ Nhĩ Kỳ).
Hình ảnh đặc nhiệm người nhái của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ căng cờ dưới đáy vịnh Souda, đảo Crete của Hy Lạp gây ra phản ứng dữ dội của Athen vào năm 2019.
"Mô hình 1919" có thể lặp lại?
Lịch sử đã chứng kiến nhiều nỗ lực gây mất ổn định chính trị ở Tiểu Á (Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Lebanon và đồng bằng sông Nile) của các nhóm quyền lực lấy châu Âu làm trung tâm.
Điều khiến Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm nhất trong số các "sáng kiến" này rõ ràng là các bài học lịch sử nhằm thay đổi thế cân bằng ở Địa Trung Hải.
Ví dụ như phong trào đòi độc lập của người Hy Lạp ở bán đảo Morea hậu thuẫn bởi Nga đã hủy diệt hải quân Ottoman ở Cesme năm 1770, hay cuộc nổi dậy những năm 1830 của Tổng trấn Ai Cập Muhammad Ali Pasha.
Và gần nhất là cuộc đổ bộ của lính Hy Lạp được hậu thuẫn bởi Anh Quốc vào Smyrna (nay là Izmir của Thổ Nhĩ Kỳ) đã kích hoạt chiến tranh giữa hai nước vào tháng 5/1919.
Hiến binh Hy Lạp đổ bộ vào Smyrna (nay là Izmir của Thổ Nhĩ Kỳ) vào ngày 19/5/1919.
Mặc dù hỗ trợ quân sự của Anh Quốc là không đủ để giúp Athen giành chiến thắng vào thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 20, nhưng sau hơn 100 năm chúng ta đang chứng kiến các nỗ lực lặp lại "Mô hình 1919" bằng cách "đổ dầu vào lửa" khiến Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp lao vào xung đột.
Mục tiêu rõ ràng của các thế lực thù địch, do người Pháp đạo diễn và Liên minh Châu Âu (EU), Đức và các thành viên của Diễn đàn Khí đốt EastMed là biến Thổ Nhĩ Kỳ thành "kẻ gây chiến" bằng cách lôi kéo Ankara vào một cuộc xung đột.
Tuy nhiên, bất chấp đe dọa trừng phạt và áp lực quân sự, việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm theo đuổi ngoại giao và đối thoại sẽ chứng minh rằng giấc mơ lặp lại "Mô hình 1919" đang tiến vào ngõ cụt.
Các nhóm quyền lực, dẫn đầu là Paris đang cố gắng biến mô hình này thành hiện thực nên tính tới cái giá phải trả bằng việc tạo ra một điểm bất ổn mới trong khu vực khi khủng hoảng kinh tế và chính trị ở Lebanon. Iraq và các cuộc xung đột ở Syria, Libya vẫn tiếp diễn.
Về phần Hy Lạp, việc đặt người dân của chính họ vào tình thế rủi ro vì lợi ích của nước ngoài chắc chắn sẽ phải trả giá đắt - những thứ không thể bù đắp được bằng tiền bán trái phiếu chính phủ.
Một cuộc "không chiến giả" giữa F16 Hy Lạp và F-16 Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới tranh chấp chủ quyền tại Biển Agean vào năm 2019.