Báo Mỹ: Vì sao Nga gọi phi công F-22 Raptor là "gà bay", phải cúp đuôi chạy trốn ở Syria?

Hoài Giang | 07-09-2020 - 07:24 AM

(Tổ Quốc) - Tờ National Interest dẫn truyền thông Nga cho biết các phi công Mỹ đã "phản ứng đầy lo lắng" khi đối đầu các hệ thống phòng không và tiêm kích đa năng Su-35SM của Nga ở Syria.

Ngày 6/9, tờ National Interest đăng tải bài viết nhan đề: "Russia's Air Defense (Allegedly) Scared U.S. Pilots Over Syria" (tạm dịch: Các hệ thống phòng không của Nga (bị cáo buộc) đã khiến phi công Mỹ hoảng loạn ở Syria) của tác giả Michael Peck.

Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều - đặc biệt là của các nhà phân tích phương Tây đối với các cáo buộc cho rằng phi công Mỹ tỏ ra sợ hãi trước các hệ thống phòng không của Nga được triển khai tại Syria, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Phòng không Nga coi phi công Mỹ ở Syria như "gà bay"

Vào tháng 8/2020, tờ New York Times đưa tin rằng các tiêm kích tàng hình chiếm ưu thế trên không F-22 Raptor đã suýt nữa đã tiến hành giao chiến với cường kích Su-24 Fencer của Nga - khi những chiếc máy bay này không kích phiến quân được Mỹ hậu thuẫn ở Syria.

Điều thú vị là khi đó, truyền thông Nga dẫn tuyên bố của Bộ quốc phòng nước này cho rằng các phi công Mỹ là "gà bay" khi điều khiển F-22 đã phải "cúp đuôi tháo chạy" về hướng không phận Iraq khi nhận ra rằng họ phải đối đầu với tiêm kích đa năng Su-35S.

Moscow cũng cho biết thêm rằng các oanh tạc cơ và trinh sát cơ của Mỹ đã "phản ứng đầy lo lắng" khi bị các khẩu đội tên lửa phòng không của Nga bám bắt ở Syria vài năm trước.

Trung tướng Alexander Leonov, người đứng đầu lực lượng phòng không Nga bình luận với tờ Izvestia: "Các phi công Mỹ đã "run như cầy sấy" khi hệ thống phòng không S-300V4 của Nga dõi theo họ ở khoảng từ 200 đến 300 km".

Cảnh quay buồng lái của F-22 Raptor.

Chủng loại máy bay Mỹ được đề cập tới trong bài viết của tờ báo Nga, tuy nhiên Liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu tại Syria đã và đang vận hành tương đối đa dạng các loại máy bay như F-22, F-15, F/A-18 và máy bay không người lái (UAV).

Ông Leonov cho biết thêm rằng S-300V4 đã được triển khai tới Syria vào năm 2016 để mở rộng năng lực kiểm soát không phận ở miền đông Syria, cũng như ngăn chặn các cuộc đột kích của kẻ địch nhằm vào các căn cứ không quân Khmeimim và hải quân Tartous.

Tất nhiên, Trung tướng Leonov không nêu rõ loại "kẻ địch" nào mà các khẩu đội tên lửa phải đối mặt, tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng phiến quân Syria không có máy bay (ngoại trừ các UAV thô sơ), trong khi đó các máy bay Mỹ và Israel vẫn tiếp tục hoạt động trên không phận Syria.

Báo Mỹ: Vì sao Nga gọi phi công F-22 Raptor là gà bay, phải cúp đuôi chạy trốn ở Syria? - Ảnh 2.

Trung tướng Alexander Leonov (Nguồn: Izvestia).

Chuyên gia Mỹ tỏ ra quan tâm tới các loại vũ khí phòng không mới của Nga

Thông qua hãng tin TASS của Nga, Tướng Leonov cũng thay mặt ngành công nghiệp quốc phòng Nga "chào hàng" những cải tiến trong hệ thống phòng không:

"Kể từ năm 2014, biến thể nâng cấp mới nhất của hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300V4, có tầm xa nhất trong các biến thể cùng loại, đã được (Quân đội Nga) đưa vào sử dụng".

Các tên lửa nâng cấp của S-300V4 được cho là có năng lực sát thương cao hơn đối với máy bay và tên lửa đạn đạo.

Báo Mỹ: Vì sao Nga gọi phi công F-22 Raptor là gà bay, phải cúp đuôi chạy trốn ở Syria? - Ảnh 4.

Đặc tính kỹ thuật của S-300V4.

Ông Leonov cho biết Nga cũng đã cải tiến tên lửa phòng không (SAM) tầm trung Buk, bao gồm nâng cấp radar với khả năng phát hiện tốt hơn đối với máy bay và tên lửa hành trình bay ở tầm cực thấp cho biến thể Buk-M2.

Kể từ năm 2016, quân đội Nga đã nhận được biến thể mới nhất là Buk-MZ.

Ông Leonov cho biết thêm: "Do có radar đa chức năng với ăng-ten mảng pha và tên lửa mới, năng lực của hệ thống Buk-MZ vượt trội gấp từ 2 đến 3 lần so các hệ thống SAM trước đó thuộc dòng sản phẩm này. Một đơn vị tự hành có thể khai hỏa tới 6 mục tiêu".

Cuối cùng, ông Leonov mô tả một số dự án phát triển các hệ thống phòng không đang được phát triển như biến thể tham chiến ở Bắc Cực của Tor-M2, được lắp trên khung gầm máy kéo, sẽ được đưa vào sử dụng vào năm tới.

Hay một phương án thay thế pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka, được cho là với cỡ nòng 57mm mà ông Leonov cho biết sẽ dễ "sống sót" hơn Shilka vì sử dụng các hệ thống cảm biến thụ động thay vì chủ động.

Đối với các hệ thống phòng không cơ động, Nga đang phát triển một phương tiện chỉ huy và điều khiển cho chỉ huy các trung đội phòng không.

Ngoài ra, một tổ hợp huấn luyện phòng không sẽ sử dụng các mục tiêu được điều khiển từ xa để mô phỏng máy bay phản lực, tên lửa hành trình, UAV chiến thuật và trực thăng tấn công của đối phương.

Giới thiệu tính năng kỹ chiến thuật của tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung - xa Buk-M3.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM