Báo Mỹ: Từ tiền lệ F-16 Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn "khe cửa hẹp" để sở hữu F-35?

DK | 28-08-2020 - 11:26 AM

(Tổ Quốc) - Quyết giữ lại hệ thống phòng không S-400 trong tình trạng "đắp chiếu", Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn cơ hội dù nhỏ để được Mỹ đồng ý bán tiêm kích tàng hình F-35?

Ngày 25/8, tờ War on the Rock đăng tải bài viết của các nhà phân tích Aaron Stein và Robert Hamilton có nhan đề: "How American's Experience With Pakistan Can Help It Deal With Turkey" (tạm dịch: Kinh nghiệm với Pakistan sẽ giúp Mỹ đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ).

Nhằm đem lại cho độc giả một phân tích độc đáo về khả năng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách giải quyết "vấn đề S-400" và đưa Ankara trở lại chương trình F-35 trong tương lai gần, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

S-400 và F-35: "Canh bạc" sai lầm của Thổ Nhĩ Kỳ

Trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, người Mỹ đang rơi vào tình huống "Catch-22" - tình huống tiến thoái lưỡng nan hoặc khó khăn không lối thoát vì các điều kiện phụ thuộc hoặc mâu thuẫn lẫn nhau.

Chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ thường gây ra ảnh hưởng đến các lợi ích của Mỹ, tuy nhiên Ankara đồng thời là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), liên minh quân sự quan trọng nhất đối với Washington.

Do vậy, động thái trừng phạt Ankara cũng đồng thời làm suy yếu quân đội Thổ, ảnh hưởng tới chính sách gia tăng năng lực đồng minh của Mỹ, đặc biệt là những quốc gia thành viên nằm gần với Nga tại "sườn" phía đông của NATO.

Vào tháng 12/2017, Ankara đã hoàn tất thỏa thuận với Moscow về việc mua hệ thống phòng không S-400.

Có lẽ vấn đề mà Washington quan tâm nhất đó là bảo vệ các công nghệ trên F-35 khỏi "những con mắt tò mò" của người Nga. Điều đó vẫn sẽ tiếp diễn ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn toàn kiểm soát được S-400.

Báo Mỹ: Từ tiền lệ F-16 Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn khe cửa hẹp để sở hữu F-35? - Ảnh 1.

Vận tải cơ của Nga đưa các thành phần của hệ thống S-400 tới Thổ Nhĩ Kỳ năm 2019.

Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của chương trình F-35 kể từ năm 2001. Nước này đã chi trả 175 triệu USD ở giai đoạn ban đầu giúp phát triển loại tiêm kích này. Ankara cũng đã đầu tư hàng trăm triệu USD để nâng cấp các căn cứ, chuẩn bị vận hành ít nhất 100 chiếc tiêm kích F-35.

Một loạt các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đang sản xuất các chi tiết cấu thành F-35 (họ cũng là nhà sản xuất duy nhất của một số chi tiết) và nước này được cho là "trung tâm bảo dưỡng động cơ" của F-35 một số nước châu Âu (ví dụ Bỉ, Đan Mạch, Italia, Ba Lan, Hà Lan, Na Uy và Anh).

Ở thời điểm Ankara và Moscow đàm phán về việc mua S-400, Washington đã cảnh báo rằng thỏa thuận có thể dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình F-35.

Người Thổ đã phớt lờ cảnh cáo vì tin rằng có thể xoa dịu lo ngại của Mỹ và đây rõ ràng là một "canh bạc" sai lầm.

Cùng với việc tuyên bố loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình, Mỹ cũng đã tìm kiếm các nhà sản xuất thay thế phần việc của các công ty Thổ trong chương trình F-35, chặn việc bàn giao các tiêm kích đã được sản xuất cho Ankara và chuyển chúng cho Không quân Mỹ (USAF).

Báo Mỹ: Từ tiền lệ F-16 Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn khe cửa hẹp để sở hữu F-35? - Ảnh 2.

Những chiếc F-35 Thổ Nhĩ Kỳ "thành phẩm" từng được làm lễ bàn giao nhưng vẫn ở trên đất Mỹ hiện đã được USAF đưa vào trang bị.

"Gió đổi chiều"

Tất nhiên khi giơ "cây gậy" người Mỹ vẫn không quên "củ cà rốt". Trong một động thái có thể giúp Ankara "đảo ngược tình thế", Washington đã đề xuất bán các hệ thống phòng không do Mỹ sản xuất cho Thổ để thay thế S-400.

Tuy nhiên ở thời điểm đó, lời đề nghị này đã quá muộn. Ankara và Moscow đã đạt được thỏa thuận về tín dụng liên quan tới thương vụ, các kỹ thuật viên vận hành hệ thống đã được huấn luyện tại Nga và 2 trung đoàn S-400 đầu tiên đã hoàn thành việc bàn giao vào tháng 1/2020.

Ankara cũng đã đi xa hơn bằng cách thử nghiệm radar S-400 để đối phó với các tiêm kích F-16 của chính họ, một hành động khẳng định với Washington rằng họ quyết tâm vận hành hệ thống phòng không Nga bất chấp phản ứng dữ dội của Mỹ.

Báo Mỹ: Từ tiền lệ F-16 Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn khe cửa hẹp để sở hữu F-35? - Ảnh 3.

Tiêm kích F-16 trở thành mục tiêu để Radar của hệ thống S-400 Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm tại căn cứ Murdet tháng 11/2019.

Tuy nhiên, các tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi sau khi nền kinh tế nước này suy thoái nghiêm trọng và sự bùng nổ của đại dịch COVID-19.

Đối mặt với nguy cơ tiếp tục oằn mình hứng chịu trừng phạt của Mỹ, Ankara đã lựa chọn tuyên bố không "kích hoạt" S-400.

Động thái này được đánh giá là chỉ có tính "tính biểu tượng" vì hệ thống S-400 hiện đã có mặt tại Căn cứ Không quân Akinci và bất kỳ lúc nào cũng có thể chuyển trạng thái sang chiến đấu.

Với việc Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã sở hữu S-400 và những chiếc F-35 của Thổ Nhĩ Kỳ đã "sang tay" USAF, đã đến lúc tìm hiểu xem liệu hai đồng minh NATO có thể vượt qua tình trạng xấu trong quan hệ song phương này hay không.

Ankara sẽ phải đối mặt với một quyết định vô cùng khó khăn trong vài năm tới vì nếu không còn khả năng tiếp cận F-35 thì họ sẽ thay thế những chiếc F-16 đã cũ bằng thứ gì?

Nỗ lực kéo dài tuổi thọ của máy bay phản lực sẽ rất tốn kém và sự không chắc chắn về kinh tế cũng khó có thể giúp Ankara hoàn thiện tiêm kích tàng hình của riêng mình.

Với việc người Mỹ quyết tâm trong việc khiến S-400 là những vũ khí hiện đại cuối cùng mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể mua của Nga, có lẽ phương án Ankara tìm tới Moscow để mua hoặc lắp ráp tiêm kích Nga chắc chắn sẽ phải đối mặt với "cơn thịnh nộ" của Washington.

Nói tóm lại, theo quan điểm của người Mỹ, nếu tình tình trở nên "ấm lên", Thổ Nhĩ Kỳ nên lựa chọn các tiêm kích Phương Tây và thậm chí là F-35 trong tương lai - miễn là có một cơ chế nào đó giúp đảm bảo rằng S-400 sẽ không được triển khai.

Một thỏa hiệp để người Mỹ quản lý S-400 Thổ Nhĩ Kỳ có thể không cho phép Ankara quay trở lại chương trình F-35, nhưng nó có thể tạo ra một "lộ trình" cho phép họ mua tiêm kích tàng hình trong tương lai.

Báo Mỹ: Từ tiền lệ F-16 Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn khe cửa hẹp để sở hữu F-35? - Ảnh 4.

Với tình hình kinh tế ảm đạm và đại dịch COVID-19, nhiều khả năng sẽ còn rất lâu nữa chương trình TAI TF-X của Thổ Nhĩ Kỳ mới từ mô hình triển lãm trở thành tiêm kích tàng hình.

Từ tiền lệ chương trình F-16 của Pakistan

Trước Thổ Nhĩ Kỳ, người Mỹ đã có kinh nghiệm ứng phó với "đồng minh rắc rối" khác - Pakistan.

Bất chấp việc quốc gia Nam Á có liên quan nhất định tới các nhóm nổi dậy ở Afghanistan, gia tăng số lượng vũ khí hạt nhân và là bàn đạp để các nhóm vũ trang tấn công nước láng giềng Ấn Độ, Mỹ vẫn bán và nâng cấp tiêm kích F-16 cho Islamabad.

85 chiếc F-16 trong trang bị hiện vẫn tiếp tục là niềm tự hào của Không quân Pakistan (PAF).

Nguồn gốc của chương trình này bắt nguồn từ năm 1981 khi Mỹ đồng ý bán F-16 cho Pakistan, giúp ngăn máy bay Liên Xô xâm nhập biên giới, không kích các trại huấn luyện của Mujahideen - phiến quân đối địch trong Chiến tranh Liên Xô - Afghanistan.

Từ năm 1986 đến 1990, F-16 của PAF đã bắn rơi ít nhất 10 phản lực cơ, trực thăng và vận tải cơ của quân chính phủ Afghanistan và Không quân Liên Xô.

Báo Mỹ: Từ tiền lệ F-16 Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn khe cửa hẹp để sở hữu F-35? - Ảnh 5.

Cho tới thời điểm hiện tại, F-16 vẫn là "xương sống" của Không quân Pakistan (PAF).

Tuy nhiên trong những năm 1990, chương trình đã không tránh khỏi việc trở thành nạn nhân của rạn nứt trong mối quan hệ giữa Washington và Islamabad.

Lo ngại về chương trình hạt nhân không được công bố của Pakistan và trở nên mất "hứng thú" với Afghanistan sau khi Liên Xô rút quân vào năm 1989, Mỹ đã từ chối bàn giao 28 chiếc F-16 cho Islamabad.

Mặc dù cuối cùng cũng nhận lại phần lớn số tiền đặt cọc vào khoảng 658 triệu USD, nhưng Pakistan đã nhận được một bài học và vẫn giữ thái độ dè dặt về những gì họ gọi là "sự thiếu tin cậy" trong quan hệ đồng minh với Mỹ.

Tuy nhiên, sau sự kiện 11/9/2001, thái độ của Washington lại một lần nữa thay đổi. Nam Á trở thành ưu tiên trong chính sách an ninh quốc gia của Mỹ và Pakistan được coi là "đối tác không thể thiếu" đối với vấn đề Afghanistan.

Các nhà sản xuất F-16 cũng được hưởng lợi từ sự tái khôi phục quan hệ song phương nói trên.

Mỹ đồng ý bán cho Pakistan 18 tiêm kích F-16 Block 52 với giá khoảng 1,4 tỷ USD đi kèm với các pod ngắm mục tiêu tiên tiến và tác chiến điện tử cùng bộ kit nâng cấp cho 53 chiếc F-16 cũ để đạt chuẩn Block 52.

Tuy vậy, để dẫn tới quyết định chuyển giao các biến thể tiên tiến của F-16 cho Pakistan và nâng cấp những chiếc cũ hơn, người Mỹ kiên quyết yêu cầu một mức độ giám sát "chưa từng có" với những khí tài nói trên.

Cụ thể, Washington yêu cầu Islamabad đồng thuận và chi trả chi phí cho các nhóm kỹ thuật viên người Mỹ hoạt động tại căn cứ không quân Shahbaz và Mushaf - hai địa điểm PAF triển khai F-16.

Báo Mỹ: Từ tiền lệ F-16 Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn khe cửa hẹp để sở hữu F-35? - Ảnh 6.

Các quan chức PAF và các kỹ thuật viên thuộc USAF cùng những chiếc F-16 tại Căn cứ không quân Shahbaz vào năm 2010 (Nguồn: F-16.net).

Mỗi đội kỹ thuật viên có từ 4 tới 5 nhân sự thuộc USAF và khoảng 30 nhà thầu dân sự "túc trực" cả ngày lẫn đêm bên cạnh những chiếc F-16 hiện đại.

Nhiệm vụ của họ là đảm bảo rằng PAF vận hành F-16 theo đúng mục đích đã được Mỹ chấp thuận, không tiến hành sửa đổi máy bay hay vũ khí và cuối cùng là không chia sẻ công nghệ với một "bên thứ 3" mà không được sự cho phép của Washington.

Vì PAF cũng vận hành tiêm kích JF-17 liên doanh với Trung Quốc tại các căn cứ có F-16, người Mỹ yêu cầu người Pakistan tách F-16 ra khỏi các máy bay khác và hạn chế nghiêm ngặt việc tiếp cận.

Bất chấp các động thái của Islamabad trong các vấn đề khác, Pakistan vẫn tiếp tục ổn định trong cương vị đối tác chương trình F-16. Các phi công của PAF tiếp tục vận hành những chiếc F-16 và chia sẻ cảnh quay từ buồng lái về các hoạt động quân sự với phía Mỹ.

Kể từ khi Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Pakistan sau vụ 11/9, cả hai phía đã cùng đầu tư khoảng 3 tỷ USD cho chương trình F-16, và mặc dù tồn tại khác biệt trong quan hệ song phương, sự hợp tác giữa không quân hai nước hiện tại vẫn rất mạnh mẽ.

Tất nhiên, trong những trường hợp khẩn cấp liên quan tới an ninh quốc gia, việc giám sát liên tục nói trên cũng không thể ngăn PAF sử dụng F-16 theo cách mà người Mỹ "không thích", ví dụ như việc Ấn Độ cáo buộc F-16 của Pakistan tham gia cuộc không chiến tháng 2/2019.

Báo Mỹ: Từ tiền lệ F-16 Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn khe cửa hẹp để sở hữu F-35? - Ảnh 7.

Đồ họa miêu tả vụ không chiến và cáo buộc F-16 Pakistan bắn rơi MiG-21 Ấn Độ tháng 2/2019.

Tới "khe cửa hẹp" cho F-35 Thổ Nhĩ Kỳ!

Pakistan từng được mô tả là "đồng minh từ địa ngục". Tuy nhiên, Mỹ vẫn có thể bán F-16 cho họ với các ràng buộc nghiêm ngặt. Washington nên có cách tiếp cận tương tự đối với Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh "có vấn đề" trong NATO nhưng lại vô cùng quan trọng.

Mặc dù có những khác biệt đáng kể về quan điểm trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi, nhưng năng lực phòng thủ tập thể của NATO quan trọng hơn nhiều so với quan hệ song phương giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nếu áp dụng một mô hình tương tự, người Mỹ có thể theo dõi mọi hoạt động vận hành F-35 trong tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ và đảm bảo việc triển khai nó cùng với S-400 được giới hạn nghiêm ngặt.

Căn cứ vào sự hợp tác sâu rộng giữa Không quân Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) và PAF, bao gồm các hoạt động tập trận chung và việc nâng cấp F-16 của Pakistan, có thể thấy Ankara không lạ gì cách làm này và nó có thể là cách tiếp cận thực tế nhất giúp tái tạo một lộ trình tiếp cận F-35.

Báo Mỹ: Từ tiền lệ F-16 Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn khe cửa hẹp để sở hữu F-35? - Ảnh 9.

Công ty Hàng không Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) là đối tác tham gia quá trình nâng cấp F-16 của Không quân Pakistan (PAF).

Một thỏa thuận theo mô hình F-16 của Pakistan có thành công hay không phụ thuộc vào việc Ankara sẵn sàng duy trì sự hiện diện của lực lượng "giám sát" Mỹ tại các căn cứ không quân của mình hay không.

Tuy nhiên, nó có thể tạo ra một "khe cửa hẹp" để Ankara tiếp nhận F-35 theo các điều khoản được giới hạn chặt chẽ và có khả năng vận hành song song S-400 và F-35 - mặc dù về mặt kỹ thuật thì điều này không hoàn toàn chính xác.

Để "củng cố lòng tin", việc đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ cần làm là cung cấp cho Mỹ một danh sách đầy đủ các thành phần của hệ thống S-400.

Trong các chuyến thăm viếng hiện trường, các kỹ thuật viên người Mỹ có thể kiểm kê hệ thống phòng không này để đảm bảo chúng vẫn tiếp tục ở trong kho.

Cách tiếp cận này có thể được sử dụng để đảm bảo rằng Ankara nghiêm túc trong việc bảo vệ bí mật quân sự.

Sau một thời gian nhất định, Ankara có thể sẽ lại được phép mua F-35 và họ nên chuẩn bị chào đón một đội kỹ thuật viên của USAF tại Căn cứ Malatya, nơi không quân nước này đã triển khai hạ tầng cần thiết để phi đội F-35 đầu tiên chính thức được đưa vào hoạt động.

Về lâu về dài, Ankara có thể tính toán thời gian để các cuộc thử nghiệm S-400 không trùng với những ngày F-35 hoạt động trên bầu trời.

Các kỹ thuật viên người Mỹ cũng có thể xem lại nhật ký bay của F-35 để kiểm tra "dấu vết" của S-400 nhằm xác minh rằng 2 hệ thống này không hoạt động cùng lúc.

Quá trình nói trên được cho là tương đối gian khổ đối với người Thổ, nhưng đó cũng là thực tế mà Ankara phải đối mặt.

Rõ ràng, bằng việc mua hệ thống S-400, Ankara đã mạo hiểm với chương trình F-35 và khi có một cơ hội khác để khắc phục vấn đề, cả Mỹ lẫn Thổ Nhĩ Kỳ cần "tư duy sáng tạo" và giải pháp F-16 của Pakistan có thể là một lựa chọn đầy tính thực tế vào lúc này.

Mỹ phô diễn khả năng bay lượn đáng nể của tiêm kích F-35.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM