Nga sẽ tăng cường các hoạt động 'vùng xám'
Đầu tuần này, đã xuất hiện các báo cáo cho biết Nga di chuyển lực lượng và thiết bị quân sự về phía biên giới với Phần Lan. Tại phương Tây, chiến thuật kiểu này được xem như bước mở đầu cho một chuỗi các hoạt động "vùng xám" nhằm ngăn chặn Phần Lan gia nhập NATO.
Trớ trêu thay, theo chuyên gia Eric Tegler trên tạp chí Forbes (Mỹ), những động thái đó của Moscow hoàn toàn có thể phản tác dụng.
Hôm thứ Hai, theo tờ Daily Mail (Anh), một đoạn video được chia sẻ trên Twitter cho thấy các phương tiện quân sự Nga mang tổ hợp phòng thủ bờ biển K-300 Bastion-P đang tiến về phía biên giới Phần Lan.
Nga được cho là đã di chuyển các thiết bị quân sự hạng nặng, trong đó có tổ hợp phòng thủ bờ biển Bastion-P về phía vịnh Phần Lan và biên giới Phần Lan.
Cùng ngày, NATO thông báo hai nhóm hải quân đa quốc gia gồm 16 tàu do Hải quân Hoàng gia Hà Lan dẫn đầu sẽ tuần tra bờ biển Baltic của các quốc gia thành viên như Ba Lan và Estonia để "duy trì năng lực phòng thủ mạnh mẽ và đáng tin cậy".
Theo nhà phân tích Eric Tegler, không rõ liệu hai động thái này có liên quan tới nhau hay không do thời điểm diễn ra gần như tương đồng, nhưng NATO rõ ràng muốn trấn an các thành viên đến từ các nước Baltic, cũng như Ba Lan.
Ngược lại, việc Nga di chuyển các thiết bị quân sự tới gần Phần Lan là một tín hiệu rõ ràng cho thấy Tổng thống Putin đang tìm cách gây sức ép lên quốc gia này.
Điều thúc đẩy nhà lãnh đạo Nga làm như vậy là khả năng ngày càng cao Phần Lan, cùng quốc gia láng giềng – Thụy Điển, sẽ gia nhập NATO trước khi mùa xuân khép lại.
Hôm thứ Tư, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Thụy Điển Magdalena Andersson rằng, Phần Lan sẵn sàng đưa ra quyết định về việc gia nhập NATO "trong vài tuần tới" sau cuộc tranh luận mở rộng trong cơ quan lập pháp của nước này.
Bryan Clark, thành viên cấp cao tại Viện Hudson nhận định: "Không còn nghi ngờ gì nữa, họ [Nga] đang tìm cách ngăn chặn Phần Lan không gia nhập NATO". Theo vị chuyên gia, trong tình huống này, thời điểm đóng một vai trò quan trọng. Khoảng thời gian từ bây giờ cho tới khi có thông báo về việc gia nhập NATO của Phần Lan sẽ là một cơ hội tiềm năng cho Nga.
"Nhiều Đảng ở Phần Lan theo chủ nghĩa hòa bình có thể tập hợp lại và phản đối tư cách thành viên NATO. Tổng thống Putin có lẽ đang nghĩ nếu gây áp lực lên Phần Lan, ông ấy có thể khiến nhiều nghị sĩ theo chủ nghĩa hòa bình đi ngược lại ý tưởng của NATO" – Chuyên gia Clark nêu quan điểm.
Theo ông Clark, mặc dù có quan điểm rộng rãi ở Washington cho rằng Phần Lan sẽ đăng ký tư cách thành viên NATO, nhưng không có gì đảm bảo cho kết quả đó. "Các cuộc thăm dò công khai ở Phần Lan và Thụy Điển đang có xu hướng ủng hộ tư cách thành viên NATO nhưng Quốc hội hai nước này vẫn phải bỏ phiếu và tỷ lệ hiện tại đang là 50-50. Vẫn có cơ hội để Phần Lan gia nhập NATO nhưng đó chưa phải là điều gì chắc chắn".
Nga đã cảnh báo về những "rủi ro" nếu Phần Lan gia nhập NATO. Tuần trước, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Nga "sẽ tái cân bằng tình hình hiện nay" bằng các động thái riêng. Những động thái đó có thể diễn ra trước khi có bất cứ thông báo nào [từ phía Phần Lan hoặc Thụy Điển] và trong khoảng thời gian mà 30 quốc gia thành viên NATO đang cân nhắc xem có nên bật đèn xanh cho Phần Lan trở thành thành viên hay không.
Quá trình này có thể mất từ 4 tháng đến 1 năm để hoàn tất, để lại một "kẽ hở lớn" trước khi các biện pháp bảo vệ theo Điều 5 (điều khoản bảo vệ lẫn nhau của liên minh NATO) có hiệu lực.
Trong lúc này, ông Putin gần như chắc chắn sẽ tăng tốc các chiến dịch "vùng xám" nhằm vào Phần Lan, có thể hiểu là những hành động không mang tính đối đầu quân sự rõ ràng nhằm gây sức ép lên đối phương.
Phần Lan sẵn sàng ứng phó
Trả lời tờ Breaking Defense trong tuần trước, ông Esa Pulkkinen - Thư ký thường trực tại Bộ Quốc phòng Phần Lan cho biết: "Tất nhiên, chúng tôi phải sẵn sàng để đối mặt với hậu quả".
Những hậu quả đó đã được đề cập trong báo cáo an ninh do chính phủ Phần Lan công bố sáng thứ Tư. Báo cáo đã cảnh báo Phần Lan sẽ là mục tiêu của các hoạt động phức hợp trên nhiều phương diện. Chúng có thể bao gồm hoạt động gây áp lực quân sự, như việc Nga tái triển khai hệ thống phòng thủ bờ biển K-300P, hoặc thậm chí lực lượng quân sự.
Báo cáo cũng đề cập tới một số hoạt động phức hợp khác mà Nga có thể sẽ tiến hành. Ví dụ như Nga có thể phát động chiến dịch thông tin bên trong Phần Lan liên quan tới vấn đề người di cư, can thiệp vào đường dây liên lạc giữa chính phủ với các khu vực hoạt động tư nhân, làm gián đoạn các dịch vụ cơ bản và nền kinh tế của Phần Lan.
"Những điều này đã bắt đầu", chuyên gia Clark lưu ý, “Họ [Nga] muốn báo chí Phần Lan thu thập các hoạt động của họ và công khai những điều họ đã làm. Họ đang đưa tên lửa xuống những con đường mà có thể thấy rất rõ ràng là tới biên giới Phần Lan, để người ta chụp ảnh chúng”.
Máy bay F-18 Hornet của Phần Lan được chụp tại sân bay Rovaniemi trong cuộc tập trận chung với Thụy Điển ngày 25/3/2019. Ảnh: Getty
Ông Pulkkinen nói thêm rằng Nga có thể sẽ thực hiện các hành động tác chiến điện tử phức hợp tiên tiến, từ đó giành quyền điều khiển mạng điện thoại di động để đưa ra các cảnh báo rằng: Nếu Phần Lan gia nhập NATO, họ sẽ thấy mình trở thành mục tiêu của Nga. Bên cạnh đó, Moscow được dự đoán có thể sẽ tiến hành những cuộc tấn công gây tê liệt nhằm vào cơ sở hạ tầng của Phần Lan từ xa hoặc thông qua các mạng không dây.
Sean Monaghan, một thành viên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định, tuy khó khăn những hành động đó không phải là điều mới mẻ gì với Phần Lan và nước này đã sẵn sàng cho điều đó.
"Phần Lan đã có kinh nghiệm đối với các hoạt động ‘vùng xám’ của Nga. Họ có thể chống lại các mối đe dọa phức hợp và có đã có những năng lực nằm trong hiến pháp và trên thực tiễn để đối phó cái gọi là ‘ảnh hưởng phức hợp’ từ Nga" – Ông Monaghan nhận định.
Phần Lan được cho là đã chuẩn bị cho viễn cảnh tồi tệ nhất với Nga kể từ Chiến tranh Mùa đông năm 1939, khi nước này một mình đẩy lùi được lực lượng Nga trong 6 tháng, dẫn tới Hiệp ước Hòa bình Moscow năm 1940. Giờ đây, 80 năm giữ lập trường trung lập của họ có thể sẽ kết thúc với tư cách thành viên NATO.
Một bài phân tích trên tờ Financial Times gần đây còn cho biết, Phần Lan đã chuẩn bị cho khả năng xung đột với Nga, từ dự trữ nhiên liệu, ngũ cốc và dược phẩm đủ dùng trong 6 tháng cho tới việc lên kế hoạch tránh bom, đường dây liên lạc dân sự và tuyển mộ 1/3 dân số trưởng thành của nước này vào quân đội.
Chiến thuật 'vùng xám' của Nga sẽ phản tác dụng?
Xét tới mức độ sẵn sàng và kinh nghiệm lịch sử của Phần Lan, chuyên gia Clark cho rằng, có khả năng các hoạt động "vùng xám" của Nga sẽ phản tác dụng, thúc đẩy công chúng và quốc hội của họ mong muốn gia nhập NATO.
"Có vẻ như chúng tôi đã vượt qua ranh giới Rubicon, nơi ngày càng có nhiều người dân yêu chuộng hòa bình ở Phần Lan và Thụy Điển nhận thấy rằng việc duy trì hòa bình sẽ đạt được hiệu quả tốt nhất bằng cách gia nhập NATO" – Ông Clark nói.
Chuyên gia Monagahn đến từ tổ chức CSIS cũng đồng ý với nhận định này. "Theo kinh nghiệm của tôi, Phần Lan rất bình tĩnh và kiên quyết. Hành động của Nga gần đây đã đẩy Phần Lan và Thụy Điển tỉnh giấc, nhận ra rằng tư cách thành viên NATO là điều tất yếu [đối với họ]".
Đó sẽ là điều phản tác dụng với ông Putin. Trong số các quốc gia EU, Phần Lan có chung đường biên giới dài nhất với Nga, trải dài hơn 810 dặm. Nếu gia nhập NATO, nước này sẽ liên kết một trong những đội quân tinh nhuệ nhất (vượt trội hơn nhiều so với Đức) vào liên minh phương Tây tại khu vực Baltic đang nắm giữ tầm quan trọng chiến lược.
Bản đồ cho thấy tuyến đường cao tốc mà các tên lửa phòng thủ bờ biển của Nga đã di chuyển theo, hướng tới gần biên giới Phần Lan. Ảnh: Daily Mail
"Họ đã đáp ứng được các mục tiêu của NATO về chi tiêu quốc phòng. Ngoài một quân đội hiện đại và có năng lực cao [tính cả 64 chiếc F-35 sắp nhận], Phần Lan là nước có mạng lưới phòng thủ dân sự tiên tiến nhất ở châu Âu, với lực lượng dự bị lớn, chế độ lính nghĩa vụ, và hệ thống giáo dục phòng thủ dân sự rộng khắp ở các trường học.
NATO rất ngưỡng mộ mô hình ‘phòng thủ toàn diện’, hay còn gọi là ‘an ninh toàn diện’ của Phần Lan, điều đó sẽ giúp củng cố chiến lược tăng khả năng phục hồi của liên minh phương Tây" – Chuyên gia Monaghan cho hay.
Giới chuyên gia nhận định, về lâu dài, tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển sẽ củng cố điều mà Nga đang tìm cách tránh khỏi trong suốt nửa thế kỷ qua.