Theo tờ The New York Times của Mỹ, cuộc đột ở Nagorno-Karabakh giữa Azerbaijan và Armenia đã kết thúc với thỏa thuận hòa bình ba bên 9/11, cùng với đó là sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga trong khu vực này. Đối với Moscow mà nói đây là một vai trò mới, nhờ đó họ tiếp tục duy trì thậm chí là mở rộng ảnh hưởng ở các nước thuộc không gian hậu Xô Viết.
Tờ báo Mỹ cũng nhấn mạnh vị thế của Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi ký thỏa thuận hòa bình ba bên ở Nagorno-Karabakh, Moscow đã có một hướng tiếp cận khéo léo hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của nước Nga.
Nhiều cư dân của Nagorno-Karabakh thực sự biết ơn Tổng thống Putin về điều này. Theo ý kiến của họ, chính ông chủ Điện Kremlin là người đứng ra chấm dứt cuộc xung đột đang cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và khó có thể tưởng tượng thương vong của các bên sẽ lên đến con số nào nếu cuộc chiến này tiếp tục.
Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga làm nhiệm vụ ở Nagorno-Karabakh sau thỏa thuận ngừng bắn. Ảnh: Foreign Policy.
Cũng theo nhận định của The New York Times, Tổng thống Putin đã quyết định không sử dụng đến "nắm đấm thép" để xử lý cuộc khủng hoảng ở Nagorno-Karabakh như cách mà Moscow đã từng làm ở Gruzia hay Ukraine, khiến các nước này xem Nga như kẻ thù.
Với cuộc chiến giữa Azerbaijan và Armenia, Moscow đã từ bỏ chiến thuật sử dụng sức mạnh quân sự để gây sức ép lên cả hai quốc gia vốn được xem là "đồng minh" của Nga. Sự kết hợp tinh tế giữa "quyền lực mềm" và "quyền lực cứng" đã giúp Điện Kremlin giải được bài toán hóc búa ở Nagorno-Karabakh, trong khi đó lợi ích của nước Nga vẫn được đảm bảo.
Tổng thống Putin chỉ cần cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu Azerbaijan và Armenia tiếp tục bắn giết lẫn nhau, đồng thời cho họ thời gian suy nghĩ về điều này. Khi cơ hội đến, Moscow tung ra đòn quyết định cấp tốc đưa lực lượng gìn giữ hòa bình đến Nagorno-Karabakh, chấm dứt cuộc xung đột.
Cách Tổng thống Putin xử lý cuộc khủng hoảng Nagorno-Karabakh giúp mối quan hệ giữa nhà lãnh đạo Nga với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev càng trở khăng khít hơn, Baku sẽ không coi Moscow là kẻ thù. Trong khi đó, hình ảnh của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở một số điểm nóng tại Đông Âu cũng được nâng lên đáng kể.
Cũng với thỏa thuận hỏa bình, mối quan hệ đồng minh giữa Nga và Armenia ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn. Có một thực tế là những năm gần đây chính quyền của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan có xu hướng xích lại gần hơn với phương Tây, cuộc chiến vừa qua cho thấy rõ một thực tế là Moscow có vai trò cực kỳ quan trọng đối với "sự sống còn" của Yerevan.
Tờ báo Mỹ kết luận rằng chiến thắng "không tiếng súng" của Nga ở Nagorno-Karabakh không chỉ giúp Moscow ngăn hai nước 'đồng minh" tiếp tục cuộc chiến có thể làm ảnh hưởng đến an ninh khu vực Nam Caucasus mà nó còn hạn chế ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.