Kai Nguyễn (tên Việt là Phương Anh) là du học sinh Mỹ học ngành Báo ảnh của trường ĐH Syracuse. Trở về nước tránh dịch, cô bạn nhanh chóng thực hiện việc cách ly trong vòng 14 ngày. Suốt thời gian sống cùng những bạn du học sinh trở về từ khắp mọi nơi, Phương Anh đã có những cảm nhận riêng về điều kiện cách ly ở Việt Nam.
Cô bạn đã chia sẻ bài viết: "Kiểm dịch Việt Nam: Cuộc sống trong trung tâm cách ly cho những người trở về" được National Public Radio đăng tải. Với cuộc sống trong kí túc xá được ở miễn phí, chăm sóc sức khỏe cẩn thận bởi đội ngũ y bác sĩ, Phương Anh cảm thấy "không thể phàn nàn thêm được gì". Tuy nhiên cô bạn vẫn mang rất nhiều trăn trở về thời gian có thể quay trở lại bên Mỹ và cuộc sống của nhiều người cùng phòng cô bạn cũng đang bị đảo lộn.
Phương Anh cho biết lý do chia sẻ câu chuyện cách ly trên báo Mỹ: "Vì với độc giả Mỹ, nó rất khác với trải nghiệm của họ nhưng những cảm xúc bấp bênh và lo lắng trong một cơn đại dịch họ có thể hiểu thấu được. Mình cũng muốn qua góc nhìn cá nhân để người ta hiểu việc chống dịch ở Việt Nam đang diễn ra thế nào".
Những người mới đến sẽ bê hành lý lên phòng cách ly tại một ký túc xá nhỏ ở ngoại ô Hà Nội.
"Thông thường, khi mình về nhà ở Hà Nội, mình sẽ lái xe đi khắp phố phường, lách qua các quán cà phê nhỏ và đồ ăn vặt vỉa hè. Cảm giác phấn khích khi mình lách kịp qua một biển người đi bộ, xe máy và ô tô cảm thấy được tự do kì lạ.
Nhưng lần này thì khác. Mình có được một trong những tấm vé máy bay cuối cùng từ thành phố Syracuse, nơi mình đang là sinh viên năm cuối ngành Báo ảnh của ĐH Syracuse. Sau chuyến bay dài 30 tiếng với nhiều hành khách cũng đeo khẩu trang, găng tay vinyl và kính bảo hộ, mình không được trở về nhà với bố và ông nội mà sẽ được xịt khử trùng rồi đưa thẳng lên xe bus đến trung tâm cách ly phía bên kia thành phố.
Sau khi tiếp xúc và làm việc với người cách ly, các nhân viên y tế sẽ tự khử trùng cho nhau. Điện thoại luôn được đựng riêng trong túi zip.
Mọi người đứng đợi ở hành lang khi dân quân tiến hành khử trùng phòng.
Đó là kí túc xá của trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, một trong những nơi đã được chuẩn bị sạch sẽ cho những người cách ly từ khắp mọi nơi đến ở. Phòng của mình có 8 người, chia thành 4 chiếc giường tầng. Chúng mình luôn cố gắng giữ khoảng cách với nhau xa nhất có thể và luôn đeo khẩu trang, trừ khi ăn uống.
Đêm đầu tiên đến, chúng mình có gối, chăn, màn chống muỗi, xà phòng sát khuẩn và giấy vệ sinh. Sáng hôm sau chúng mình được phát thêm thêm cốc, khăn nhỏ, dầu gội, sữa tắm, dép và móc treo quần áo.
Mỗi ngày, một người sẽ được nhận được 3 suất cơm cùng khẩu trang và nước rửa tay. Các phòng đều được khử trùng thường xuyên. Vài ngày sau khi tới đây, chúng tôi được xét nghiệm Covid-19. Tất cả mọi thứ đều miễn phí.
Việc cách ly được tổ chức với mọi du học sinh sau khi trở về nước. Khẩu trang và bữa ăn được cấp miễn phí hàng ngày. Các phòng được khử trùng liên tục để ngăn việc lây nhiễm chéo.
Chị Huyền chơi với 2 con 2 và 5 tuổi. Các bậc cha mẹ luôn cố gắng giúp con mình vui vẻ trong suốt thời gian cách ly.
Cuộc sống ở đây thật thoải mái, mình không thể phàn nàn điều gì hơn. Nhưng có một khó khăn là không có nhiều việc làm ngoài ăn và ngủ. Bên cạnh làm bài tập, mình chơi một số trò chơi trên điện thoại, đi loanh quanh kí túc xá và chụp ảnh để giữ đầu óc tỉnh táo.
Mình biết trong một đại dịch toàn cầu, nếu chỉ cảm thấy buồn chán thì mình quá may mắn. Thế nhưng cũng khó để giữ tâm trạng không bị hụt hẫng. Khoảng thời gian ở Mỹ bị cắt ngắn và mình không biết bao giờ mới có thể trở lại. Trường mình đã hủy lễ tốt nghiệp vào tháng 5 và mình cũng không có cơ hội được mặc bộ cử nhân chụp cùng bố mẹ khi sang thăm.
Thời gian rảnh càng làm mình nghĩ về các bạn ở Mỹ, khoảng thời gian cùng nhau đi chụp ảnh, cùng làm bài tập và những buổi đi ăn uống và tâm sự. Phải chia tay mọi người quá đột ngột khiến mình rất buồn.
Thu, bạn cùng phòng với mình học online qua phần mềm Zoom vào buổi tối ở ngoài hành lang, nơi có sóng Wifi mạnh nhất. Thu cũng đang là du học sinh của một trường đại học bên Mỹ.
Ngay ở trong khu cách ly, cuộc sống của nhiều người bị đảo lộn theo nhiều cách khác nhau. Chị cùng phòng với mình đã về nước cùng hai đứa con 2 và 5 tuổi trong khi chồng vẫn ở Nhật Bản làm việc. Gia đình họ nói chuyện với nhau hàng đêm. Một cô em là sinh viên năm nhất đang học một trường đại học ở Ohio luôn cố gắng bắt kịp những bài giảng qua Zoom ở nơi cách Việt Nam 11 múi giờ. Một chị khác thì đang tạm hoãn cưới.
Có chú mặc quần phục được gọi là "chỉ huy" trong khu cách ly của mình. Có lần chú nhắc nhở một người không chịu đeo khẩu trang. Chú cũng hay kể chuyện để mong bà con thấu hiểu cho những nỗi vất vả của đội ngũ chiến sĩ nơi đây, người mà chú trìu mến gọi là "anh em".
Ngay cả khi cán bộ đã mặc đồ bảo hộ nhưng vẫn rất nguy hiểm cho tính mạng của họ. Họ sẽ phải cách ly thêm 2 tuần sau khi những người cuối cùng ra khỏi khu cách ly. Trước khi ra về, chúng mình đều vỗ tay ủng hộ và mong mọi người biết được chúng mình biết ơn họ đến mức nào.