Ngày 27/3, tờ Haaretz của Israel xuất bản bài viết: "As Armies Reassess Risk, Coronavirus Is Making Peace in the Middle East" (tạm dịch: Khi các đội quân đánh giá lại rủi ro, virus corona đang "tạo ra" hòa bình ở Trung Đông) của tác giả Bar Zel
Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều về cách mà đại dịch COVID-19 đang lan rộng trên thế giới và ảnh hưởng tới các cuộc xung đột ở Trung Đông, chúng tôi xin lược dịch bài viết.
Virus SARS-CoV-2 có mang lại hòa bình cho Trung Đông ?
Sau những sự kiện liên quan tới căng thẳng giữa Mỹ và Iran trên lãnh thổ Iraq vào đầu năm 2020, quốc hội nước này đã yêu cầu Mỹ rút lực lượng khỏi Iraq nhưng Washington chỉ đơn giản là từ chối.
Nhưng trong tuần này, Lầu Năm Góc đã quyết định rút bớt lính Mỹ ở Iraq nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Một số căn cứ của Mỹ ở nước này sẽ bị đóng cửa, nhân sự chỉ huy sẽ bị cắt giảm và tất cả các cuộc tập trận với quân đội Iraq đã dừng vô thời hạn.
Mỹ tuyên bố vẫn tiếp tục cam kết bảo vệ Iraq khỏi các cuộc tấn công của IS nhưng sẽ sử dụng các lực lượng nhỏ hơn và ở quy mô này, họ cũng sẽ duy trì hoạt động của các căn cứ nhỏ.
Tại Afghanistan, một thông báo tương tự đã được đưa ra liên quan đến việc Mỹ sẽ không đưa thêm lính tới đây sau khi 21 binh sĩ Mỹ bị phát hiện có triệu chứng nhiễm SARS-CoV-2 và 1.500 binh sĩ và nhà thầu quân sự tư nhân tới Afghanistan tháng này đã được kiểm dịch.
Người Mỹ đã bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan sau gần 20 năm chiến tranh.
Vấn đề lớn nhất ở đây là Afghanistan không có các phòng thí nghiệm có thể xác định được bệnh, vì vậy tất cả các mẫu xét nghiệm được chuyển về Đức.
Điều này diễn ra song song với việc trong khi những người được kiểm tra sẽ phải cách ly cho đến khi nhận được kết quả trong bối cảnh cơ sở vật chất dành cho việc cách ly đang ngày càng thiếu thốn.
Điều này đồng nghĩa với việc những người lính Mỹ ở Afghanistan sẽ không thể trở về nhà trong thời gian gần.
Trong hiệp định được ký vào tháng 2/2020 với Taliban, Mỹ đã cam kết giảm số lượng binh lính đóng quân tại Afghanistan xuống còn 8.600 lính (trong 135 ngày kể từ 9/3).
Hiện tại vẫn chưa rõ người Mỹ sẽ làm thế nào để có thể đạt được mục tiêu trên khi khá nhiều binh sĩ chưa thể trở về nhà (do đang trong quá trình cách ly) và việc rút quân có thể sẽ bị kéo dài ra trong nhiều tháng.
Lính Mỹ rút khỏi căn cứ Qayyarah, Iraq (Nguồn: al-Jazeera).
Syria cũng sẽ "đến lượt"?
Câu hỏi về cách các đội quân có thể hoạt động dưới sự đe dọa của COVID-19 cũng đang là "vấn đề hóc búa" của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Syria, Arab Saudi và Libya (các quốc gia này đang tham gia tích cực vào các hoạt động quân sự trong khu vực).
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga bắt đầu tổ chức tuần tra chung ở khu vực Idlib khi một phần của Thỏa thuận Moscow được Nga-Thổ đồng thuận.
Các nguồn tin địa phương ở tỉnh Idlib cho biết giao tranh giữa các lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và các lực lượng trung thành với chính phủ Syria gần như đã chấm dứt hoàn toàn, ngoại trừ các vụ nổ súng lẻ tẻ.
Mối quan tâm chính hiện nay của tất cả các phe tham chiến là sự bùng phát của dịch Covid-19 tại tỉnh bị bao vây này.
Trong vùng do Quân đội Arab Syria (SAA) kiểm soát, việc vệ sinh và khử trùng đã bắt đầu nhưng việc cách ly chắc chắn sẽ khó khăn do số lượng quá lớn người di tản.
Dân quân thân chính phủ Syria (người tị nạn Palestine) khử trùng tại một chỉ huy sở.
Trong các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng người Kurd ở đông bắc Syria hiện vẫn chưa có trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 nào được phát hiện. Nhưng điều đáng sợ là virus này cũng sẽ sớm xuất hiện do sự hiện diện của lực lượng Iran ở tỉnh Deir Ezzor.
Theo nguồn tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), họ đã gửi 1.200 bộ dụng cụ xét nghiệm tới Syria nhưng hông có có bộ dụng cụ nào được gửi đến các vùng lãnh thổ Syria do người Kurd kiểm soát.
Các trang thiết bị y tế quan trọng như máy trợ thở, thiết bị phục vụ việc cách ly và thậm chí khẩu trang và trang phục bảo hộ cho nhân viên y tế đều thiếu thốn.
Lực lượng người Kurd (được Mỹ hậu thuẫn) vẫn đang tiếp tục nỗ lực truy quét tàn quân của nhóm khủng bố IS ở phần này của Syria, nhưng cũng tự hỏi rằng họ sẽ chiến đấu ra sao nếu không được lại gần nhau và người Mỹ tránh tiếp xúc trực tiếp với họ.
Như ở Iraq, có vẻ như SARS-CoV-2 sẽ đẩy nhanh tiến trình rút quân của Mỹ ở Syria.
Vấn đề nan giải về cách thức tiến hành hoạt động quân sự dưới sự đe dọa của Covid-19 cũng là một trọng tâm của chính phủ và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF), họ lo ngại rằng virus có thể sẽ lây lan cho binh lính và các nhóm vũ trang đồng minh từ các tay súng người Kurd.
Có vẻ như mối đe dọa từ SARS-CoV-2 đang trở thành một yếu tố mang tính chiến lược trong việc hoạch định các hoạt động quân sự dài hạn ở Trung Đông.