Theo báo cáo của các địa phương, đến hết ngày 24/6, cả nước ghi nhận khoảng 77.000 ca sốt xuất huyết, trong đó đã có 30 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết. Như vậy, số trường hợp mắc sốt xuất huyết tăng khoảng hơn 10.000 ca so với tuần trước đó.
Bộ Y tế nhận định hiện nay đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, số mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.
Nguyên nhân do dịch sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, thời điểm mùa Hè thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho loăng quăng, bọ gậy phát triển; bên cạnh đó sự giao lưu đi lại của người dân cao, trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt, còn chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Bộ Y tế dự báo số mắc sốt xuất huyết thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Tổng quan về sốt xuất huyết nặng
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, sốt xuất huyết nặng là một tình trạng bệnh nghiêm trọng có thể dẫn đến sốc sốt xuất huyết, xuất huyết nội tạng và thậm chí tử vong. Nhiễm các loại huyết thanh khác nhau của virus làm tăng nguy cơ phát triển sốt xuất huyết nặng.
Điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại TP HCM. Ảnh: Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế)
Cứ 1 trong 4 người bị nhiễm virus sốt xuất huyết sẽ xuất hiện các triệu chứng tương tự như bệnh nhiễm virus thông thường khác. Cứ khoảng 20 người mắc bệnh sốt xuất huyết thì sẽ có 1 bệnh nhân bị sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo. Những trường hợp bệnh diễn tiến thành biến chứng sốt xuất huyết nặng có nguy cơ đe dọa tính mạng bệnh nhân trong vòng vài giờ, do đó cần phải nhập viện điều trị kịp thời.
Bệnh nhân có nhiều khả năng bị sốt xuất huyết nặng tùy vào type virus mà bệnh nhân mắc phải (trong sốt xuất huyết Dengue thì nhiễm Dengue-2 nặng hơn so với các type còn lại). Trong đó, sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi có bệnh lý kèm theo thường là nhóm đối tượng có nguy cơ cao diễn tiến thành sốt xuất huyết nặng.
Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết
Theo hướng dẫn từ Cục Y tế dự phòng, biểu hiện của người mắc bệnh sốt xuất huyết bao gồm:
Thể bệnh nhẹ:
• Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt.
• Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu.
• Có thể có nổi mẩn, phát ban.
Thể bệnh nặng:
Bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu sau:
• Dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng).
• Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Vì sao gia tăng các ca sốt xuất huyết nặng?
Tại buổi tập huấn toàn quốc về tăng cường công tác điều trị sốt xuất huyết do Bộ Y tế tổ chức giữa tuần trước, các chuyên gia nhấn mạnh: Dịch sốt xuất huyết bùng phát trong bối cảnh COVID-19 khiến nhiều người nhầm lẫn và có tâm lý chủ quan, không đến cơ sở khám chữa bệnh ngay mà tự theo dõi. Khi đến cơ sở khám chữa bệnh thì bệnh đã chuyển nặng, khó khăn trong công tác điều trị.
Tuyệt đối không nhầm lẫn, chủ quan giữa sốt xuất huyết với các bệnh khác
Các chuyên gia cũng cho hay, năm nay số ca sốt xuất huyết nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Số trẻ em tử vong do sốt xuất huyết nhiều hơn người lớn, trong khi những năm trước số người lớn tử vong nhiều hơn.
Phải khẳng định rằng, sốt xuất huyết đến nay vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có vắc xin phòng bệnh và có thể tử vong.
Do đó, người dân khi có triệu chứng nghi ngờ mắc sốt xuất huyết gồm sốt trên 2 ngày, đau đầu dữ dội, nổi phát ban... cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị sớm. Cần chú ý các dấu hiệu bệnh chuyển nặng gồm chảy máu cam, máu răng, ói ra máu, đau bụng, buồn nôn, tiêu phân đen, tay chân lạnh...
Về phía y tế, việc chẩn đoán và phân loại sốt xuất huyết ban đầu rất quan trọng. Từ thực tế điều trị, các chuyên gia nhấn mạnh cán bộ y tế cần chẩn đoán phân biệt COVID-19 cấp tính, sốt phát ban, viêm não, sốc nhiễm khuẩn… phải luôn nghĩ tới bệnh nhân mắc sốt xuất huyết khi bệnh nhân có triệu chứng sốt, để không bỏ qua thời gian điều trị sớm.
Trường hợp điều trị ngoại trú, đối với trẻ sốt trên 38,5 độ C dùng paracetamol 10-15mg/kg/lần, sử dụng 3-4 lần/ngày, lau mát bằng nước ấm khi sốt cao. Bên cạnh đó, người bệnh uống nhiều nước, thức ăn lỏng dễ tiêu và tránh thức ăn màu đỏ, đen nâu (để tránh nhầm lẫn với xuất huyết). Bác sĩ hướng dẫn chăm sóc trẻ tại nhà, dặn dò tái khám khi trẻ có triệu chứng.
Theo Bộ Y tế, khi mắc sốt xuất huyết và tự điều trị tại nhà, người bệnh lưu ý không được uống acid acetylsalicylic (aspirin), mefenemic acid (ponstan), ibuprofen hay các chất chống viêm không-steroid khác (NSAID) hay các thuốc steroid. Nếu đã uống thuốc này, người bệnh cần tới bác sĩ để thăm khám. Người bệnh không cần thiết uống kháng sinh.