Báo Anh: Vén màn góc tối - Nga "quay lưng" với Armenia vì thỏa thuận với Azerbaijan?

QS | 24-11-2020 - 11:34 AM

(Tổ Quốc) - Nhà báo Nikola Mikovic đưa ra những nhận định về nguyên nhân khiến Nga quyết định không đứng về phía Armenia trong cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh.

Quan hệ đối tác chiến lược của Nga với quốc gia Azerbaijan giàu năng lượng dường như đã thắng thế trước liên minh quân sự Nga-Armenia.

Sau thất bại tại Karabakh, nhiều người dân ở thủ đô Yerevan vẫn chưa thôi thắc mắc tại sao Điện Kremlin lại từ chối công khai ủng hộ Armenia - quốc gia đồng minh và là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), cũng như Liên minh Kinh tế Á-Âu.

Theo nhà báo Nikola Mikovic trên tờ Byline Times (trụ sở tại Anh), nguyên do có thể nằm ở các hợp đồng năng lượng béo bở của Nga với Azerbaijan.

Chỉ 20 ngày trước khi cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh nổ ra, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã gửi thư chúc mừng tới ông Igor Sechin, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần dầu khí Rosneft.

Báo Anh: Vén màn góc tối - Nga quay lưng với Armenia vì thỏa thuận béo bở với Azerbaijan? - Ảnh 1.

Hai nhà lãnh đạo của Rosneft và SOCAR trong một cuộc gặp gỡ. Ảnh: report.az

"Hợp tác giữa Rosneft và Công ty Dầu khí Nhà nước của Cộng hòa Azerbaijan (SOCAR) là một phần hợp tác quan trọng giữa Azerbaijan và Nga trong lĩnh vực năng lượng, góp phần lớn vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa Azerbaijan và Liên bang Nga" - Ông Aliyev viết.

Rosneft – tập đoàn dầu khí hàng đầu của Nga – là công ty có quy mô lớn thứ 3 và là công ty do nhà nước quản lý đứng thứ 2 tại Nga, chỉ sau Gazprom, khi xét về doanh thu.

Trước đó, vào tháng 1/2012, Gazprom Export và Azerbaijan’s SOCAR đã ký một phụ lục cho hợp đồng mua bán khí đốt tự nhiên ký kết hồi tháng 10/2009. SOCAR và Gazprom hiện là đầu tàu của cả nền kinh tế Nga và Azerbaijan.

Đường ống dẫn vào châu Âu

Sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, cả Nga và Azerbaijan đều trở thành những xã hội hậu công nghiệp phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu năng lượng. Nga tiếp tục là nước có ảnh hưởng lớn nhất ở nam Caucasus, mặc dù vị thế của họ có thể bị suy yếu khi ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục gia tăng. Ankara là đồng minh lớn của Azerbaijan và là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Moscow trong khu vực.

Mặc dù cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh đã dẫn đến quyết định triển khai gần 2.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình của Nga gần Stepanakert, thủ phủ của khu vực này, nhưng việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập lực lượng Nga chỉ còn là vấn đề thời gian.

Về trung hạn, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể thiết lập căn cứ quân sự ở Azerbaijan, đây sẽ là một đòn giáng mạnh đối với Nga, đặc biệt nếu cơ sở tiềm năng đó nằm gần biên giới với Cộng hòa Dagestan.

Toàn bộ khu vực này có tầm quan trọng thiết yếu đối với cả Moscow và Ankara vì nó có trữ lượng dầu và khí đốt tự nhiên lớn. Đối với nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những hệ thống đường ống chính yếu là Đường ống dẫn khí đốt tự nhiên xuyên Anatolian (TANAP).

Báo Anh: Vén màn góc tối - Nga quay lưng với Armenia vì thỏa thuận béo bở với Azerbaijan? - Ảnh 2.

Lễ khánh thành đường ống dẫn khí xuyên Anatolian tại thành phố Eskişehir của Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 12/6/2018. Ảnh: Wiki

Đây là phần trung tâm của Hành lang khí đốt phía Nam, kết nối mỏ khí khổng lồ Shah Deniz ở Azerbaijan với châu Âu thông qua Đường ống Nam Caucasus và Đường ống xuyên Adriatic.

Theo các chuyên gia, đường ống TANAP có thể bơm khoảng 16 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, 6 tỷ mét khối trong số đó đến Thổ Nhĩ Kỳ và phần còn lại đến các nước châu Âu.

Nhà báo Nikola Mikovic nhận định, xét tới việc Moscow đã cẩn trọng để tránh làm hỏng mối quan hệ của mình với Azerbaijan trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh, Nga có thể sẽ sớm tham gia TANAP.

Moscow được cho là đang quan tâm đến việc vận chuyển khí đốt tự nhiên của Nga thông qua TANAP. Khí đốt của Nga có thể được chuyển tới Azerbaijan thông qua đường ống Mozdok – Makhachkala – Kazi-Magomed, từ đó nó có thể được đưa vào TANAP thông qua Đường ống Nam Caucasus.

Hồi tháng 1, Đại sứ Nga tại Azerbaijan, Mikhail Bocharnikov, tuyên bố đây có thể là một khả năng. Ông Bocharnikov nói: "Có thể một ngày nào đó, khí đốt của chúng tôi sẽ đi qua hệ thống TANAP, tôi sẽ không loại trừ khả năng ấy".

Theo nhà báo Mikovic, việc thực hiện một dự án như vậy sẽ đòi hỏi phải có thỏa thuận chính trị giữa Moscow, Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ. Về phần mình, Nga đã từng có các thỏa thuận năng lượng quan trọng với Azerbaijan mặc dù cũng có quan hệ đồng minh chính thức với kẻ thù không đội trời chung của nước này là Armenia.

Những ưu tiên thương mại của Nga

Tháng 1 năm nay, công ty dầu khí Lukoil của Nga đã công bố kế hoạch cho các dự án chung mới ở Biển Caspi với SOCAR.

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Giám đốc điều hành Lukoil cũng đã thảo luận về khả năng công ty này tham gia vào dự án phát triển mỏ dầu Nakhichevan và Goshadash. Thỏa thuận về việc cùng thăm dò tiềm năng dầu khí của mỏ Goshadash đã được ký kết vào ngày 1/9/2018 tại Sochi trong khuôn khổ chuyến thăm của ông Aliyev tới Nga.

Đối với Moscow, mối quan hệ thương mại với Azerbaijan dường như được ưu tiên hơn quan hệ với Armenia. Tuy nhiên, trong quá khứ, Nga đã thu được nhiều lợi ích từ hoạt động bán vũ khí cho cả hai nước.

Ngay sau cuộc xung đột Nagorno-Karabakh năm 2016, còn được gọi là Cuộc chiến 4 ngày, Thủ tướng Nga khi đó là Dmitry Medvedev đã nói rằng, nếu Moscow ngừng bán vũ khí, cả hai nước Armenia và Azerbaijan sẽ đơn giản là đi tìm kiếm các nhà cung cấp mới.

"Họ sẽ mua vũ khí ở các quốc gia khác và mức độ thảm khốc sẽ không thay đổi. Song điều này, ở một mức độ nhất định, có thể phá vỡ sự cân bằng hiện có" - ông Medvedev phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước Nga sau các chuyến thăm đến các thủ đô của Armenia và Azerbaijan.

Báo Anh: Vén màn góc tối - Nga quay lưng với Armenia vì thỏa thuận béo bở với Azerbaijan? - Ảnh 3.

Đối với Moscow, mối quan hệ thương mại với Azerbaijan dường như được ưu tiên hơn quan hệ với Armenia (Ảnh minh họa. Nguồn: mediamax.am)

Tới nay, Azerbaijan đã mua vũ khí hiện đại từ Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Người ta tin rằng các máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến mới ở Nagorno-Karabakh vì chúng cung cấp cho Baku ưu thế trên không so với các lực lượng Armenia.

Trong khi đó, Nga từ chối can thiệp quân sự và giúp đỡ đồng minh của mình. Nhà báo Mikovic cho rằng, Điện Kremlin đang muốn tập trung vào lợi ích thương mại của mình trong khu vực.

Song, để đi đến một kết luận chắc chắn, vẫn còn phải xem liệu các công ty năng lượng khổng lồ của Nga như Rosneft, Gazprom và Lukoil có được lợi từ cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh hay không.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM