Tết Trung thu đang đến gần, một trong những mặt hàng được quan tâm nhất hiện tại không gì khác chính là các loại bánh nướng, bánh dẻo. Trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 8 Âm lịch, nhiều gia đình sẽ bắt đầu sắm sửa, mua bánh về để thắp hương trong ngày rằm, mồng 1.
Đặc biệt, trong đúng đêm rằm tháng 8 Âm lịch, người Á Đông thường có hoạt động đó là cả gia đình cùng quây quần bên nhau, thưởng thức hương vị bánh Trung thu cùng tách trà ấm nóng.
Tuy nhiên, theo dòng chảy của thời đại, bánh Trung thu không đơn thuần chỉ là một món ăn trong ngày hội trăng rằm nữa. Mà thêm vào đó, nó còn mang giá trị về mặt tinh thần, là một món quà thể hiện tình cảm cũng như nét đẹp văn hóa.
Theo lời nghệ nhân làm bánh Nguyễn Thừa Tỵ (làng nghề Xuân Đỉnh, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trả lời trên Báo Tiền phong: "Bánh trung thu truyền thống có 2 nhân cổ truyền chủ đạo là thập cẩm và đậu xanh. Sau này đời sống người dân dư dả hơn thì có thêm nhân xá xíu với gà quay và dăm bông."
Có thể nói, nhân thập cẩm và đậu xanh là 2 loại nhân bánh phổ biến nhất của bánh Trung thu truyền thống. Đậu xanh được xay nhuyễn, bọc bên trong lớp bánh nướng, bánh dẻo thơm, bùi.
Còn với nhân thập cẩm, nó là sự hòa trộn giữa các nguyên liệu như thịt xá xíu, lạp xưởng, hạt sen, hạt dưa, mứt bít và mỡ phần... Tất cả chúng tạo nên hương vị bùi béo quen thuộc, gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ.
Những chiếc bánh Trung thu thập cẩm truyền thống của làng Xuân Đỉnh. (Ảnh minh họa)
Ông Tỵ cũng chia sẻ: “Ngày xưa gần như cả làng Xuân Đỉnh đều làm bánh trung thu cổ truyền vì cứ đến dịp là ai nấy đều đổ về đây mua bánh, vì nhà nào cũng cần mà, thế nên mới hình thành làng nghề." Có những ngày đơn dồn dập, nhà ông phải làm việc liên tục từ 4 giờ sáng đến 12 giờ đêm mới kịp để trả cho khách.
Bên cạnh mâm ngũ quả, bánh Trung thu là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ đêm trông trăng của người Á Đông. Cả gia đình sẽ cùng nhau ngồi trò chuyện, uống trà và thưởng thức bánh.
"Cách gói bánh ngày xưa cũng không giống bây giờ, ngày trước bánh đến tay người mua khi mới ra lò, vẫn còn nóng hổi và 5 cái được gói trong một tờ báo rồi lấy dây đai buộc lại." - nghệ nhân làm bánh Nguyễn Thừa Tỵ cho biết thêm.
Bánh Trung thu trước kia thường có bao bì khá đơn giản. (Ảnh minh họa)
Theo lời chia sẻ của nghệ nhân làm bánh, có thể thấy cách gói bánh Trung thu khi xưa còn khá thô sơ và đơn giản. Bởi lẽ, trước kia đây chỉ được coi đơn giản là một món ăn truyền thống trong ngày rằm tháng 8. Chỉ cần bánh có hương vị thơm ngon là được, không cần quá cầu kỳ về thức.
Thêm vào đó, ở thời đại trước, các nguyên phụ liệu để gia công hộp bánh cũng không được hiện đại như bây giờ.
Ngày nay, không chỉ đơn thuần là món ăn truyền thống không thể thiếu trong dịp Trung thu, bánh nướng bánh dẻo còn trở thành món quà mang ý nghĩa văn hóa lớn. Công nghệ ngày càng hiện đại cũng như nhu cầu của người dân thay đổi, bánh Trung thu cũng có nhiều phiên bản mới mẻ hơn so với loại bánh truyền thống trước kia.
Từ hình dáng, loại nhân cho tới cách đóng gói đều được các thương hiệu sản xuất biến hóa trở nên đa dạng và sống động. Bởi lẽ, không chỉ còn dùng để ăn, bánh Trung thu còn được coi là một món quà để dành tặng người thân, bạn bè trong dịp rằm tháng 8.
Bạn N.T.H. (26 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Cứ đến Trung thu là mình lại cần mua khoảng 2-3 hộp để tặng gia đình người yêu, gia đình bạn thân và cho nhà mình. Nên cũng thích loại nào có hộp đẹp chút, giá đắt hơn cũng không phải vấn đề quá lớn.”
Nhu cầu sử dụng bánh Trung thu như một món quà biếu, tặng bạn bè, người thân ngày càng tăng cao. (Ảnh minh họa)
Nhiều doanh nghiệp còn sử dụng bánh Trung thu để tặng đối tác, đặc biệt là các đối tác nước ngoài. Việc làm này vừa để thể hiện tấm lòng, vừa để quảng bá món quà truyền thống với bạn bè quốc tế.
Chính vì mục đích sử dụng để biếu, tặng, nên nhiều thương hiệu bánh Trung thu không chỉ tập trung vào nâng cao, cải thiện và đổi mới nguyên liệu tạo nên hương vị của chiếc bánh, mà còn chú trọng vào phần hình thức.
Xuất hiện những chiếc bánh mang tên tuổi và thương hiệu nổi tiếng, và phần hộp được trang trí cầu kỳ, đầu tư. Đồng nghĩa với nó, là giá thành của những loại bánh này cũng không hề rẻ. Ví dụ điển hình có thể tới như các hộp bánh Trung thu quà tặng của một thương hiệu chuỗi cà phê cao cấp.
Bánh Trung thu với phần bao bì được sản xuất tỉ mỉ, công phu, dễ dàng được bán với giá cao để trở thành món quà tặng đẹp mắt. (Ảnh Facebook thương hiệu)
Chiếc hộp bánh Trung thu của thương hiệu này được làm từ gỗ kết hợp với hoa văn sơn mài, bên trong là khung cảnh chị Hằng, chú cuội, đèn và có cả nhạc khi được bật lên. Hộp không chỉ có những chiếc bánh Trung thu, mà còn có thể kèm theo trà hoặc cà phê.
Cũng theo chia sẻ trên fanpage chính thức của thương hiệu, họ không gọi đây là những chiếc hộp bánh, mà gọi là "tủ sân khấu". Cảm hứng cho những sáng tạo này đến từ vẻ đẹp thiên nhiên, ý nghĩa các nhân vật đêm trăng rằm hòa cùng nền hòa tấu nhạc cụ dân tộc.
Được biết, giá rẻ nhất cho một "tủ sân khấu" bánh Trung thu cầu kỳ như thế vào khoảng 1 - 2 triệu đồng, loại đắt nhất lên tới... 32 triệu đồng.
Bánh Trung thu của thương hiệu trên chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về việc các nhà sản xuất từ tập đoàn lớn cho đến các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đang dần tập trung phát triển cả về hương vị bánh cũng như bao bì sản phẩm.
Các thương hiệu, nhà sản xuất ngày càng chú trọng vào hình thức hộp bên cạnh hương vị bánh. (Ảnh minh họa)
Bà Nguyễn Lê Phương, Phó giám đốc Margram - một công ty về phát triển thương hiệu và bao bì chuyên nghiệp trả lời trên VNExpress, bỏ qua yếu tố thương hiệu, người mua sẽ chọn sản phẩm khi nhìn thấy chúng có bao bì "xịn" hơn các sản phẩm cùng loại.
Có thể nói, bánh Trung thu xưa hay nay đều đóng góp quan trọng vào giá trị tinh thần to lớn của con người trong đêm hội trăng rằm.
Và giờ đây, bên cạnh giá trị hương vị của một món ăn, được cảm nhận bằng vị giác và thính giác, nó còn được nâng tầm, trở thành một món quà mang ý nghĩa văn hóa to lớn, cần được cảm nhận và đánh giá dựa trên cả thị giác, xúc giác và cảm giác.
Tư vấn thời điểm thích hợp mua bánh Trung thu:
Nếu bạn và gia đình muốn thưởng thức bánh Trung thu vào đúng đêm rằm tháng 8, tốt nhất hãy đặt mua ngay trong khoảng thời gian từ ngày 1 - 8/8 Âm lịch. Theo lời các thợ làm bánh, đây là thời điểm phù hợp, không quá sớm cũng không quá muộn. Nếu đặt mua quá sớm, bánh có thể bị hết hạn. Còn nếu mua quá muộn, các cửa hàng có thể bị hết bánh, không còn các loại mà bạn yêu thích nữa.