Cho đến giờ không một ai trên vùng đất "hai vua" biết rõ bánh lá răng bừa ra đời như thế nào. Kể cả người dân trên vùng đất Xuân Lập, Thọ Xuân - nơi được xem là "cái nôi" của bánh lá răng bừa cũng không thể tường tận được sự ra đời của loại bánh dẻo thơm này.
Tương truyền rằng, nghề làm bánh lá răng bừa cùng với các phong tục tập quán đã gắn liền với cuộc đời thân thế của nhân vật lịch sử Lê Hoàn - Hoàng đế Lê Đại Hành. Xưa kia, Hoàng đế Lê Đại Hành là người đích thân khởi xướng tục cày ruộng tịch điền tạo khí thế yêu lao động, sản xuất nông nghiệp của bà con.
Độc đáo từ tên gọi: bánh lá răng bừa
Chính từ lễ hội này, bà con nơi đây đã chắt lọc những hạt gạo ngon nhất, làm nên những chiếc bánh gần gũi, giản dị, gắn với hình tượng và thành quả lao động của người nông dân vùng nông nghiệp lúa nước để dâng vua.
Tên gọi bánh lá răng bừa hay "bánh răng bừa" cũng ra đời từ đấy, tên bánh gợi nhớ đến hình ảnh chiếc răng của cái bừa trong lao động sản xuất của người nông dân Việt Nam. Cũng từ đấy về sau, dù là một món ăn dân dã nhưng bánh răng bừa là sản vật dùng để tiến vua ở vùng đất cổ Lam Kinh của xứ Thanh.
Ngày nay, bánh lá răng bừa được ưu chuộng trong mỗi dịp lễ, tết. Tại nhiều vùng quê ở xứ Thanh như Vĩnh Lộc, Yên Định, Hà Trung, Hậu Lộc,… Dù được làm từ các nguyên liệu tương đối giống nhau nhưng ở mỗi vùng đều có những "bí kíp" để tạo nên "thương hiệu" riêng của mình, chả vì thế mà khi thưởng thức bánh răng bừa ở mỗi vùng sẽ có độ mềm, dẻo khác nhau.
Đặc biệt, bánh lá răng bừa ở nhiều nơi được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh Thanh Hóa, gói và bán bánh mang lại thu nhập cao cho nhiều người dân. Bà Đỗ Thị Khương, chủ một cơ sở sản xuất bánh răng bừa ở thôn Trung Lập 2, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa cho biết, gia đình bà đã có 4 đời làm bánh lá răng bừa.
Trước đây, bánh lá chỉ được làm vào những dịp quan trọng để phục vụ nhu cầu của gia đình và dòng họ nhưng hiện nay chúng tôi đã thương mại hóa sản phẩm truyền thống quê hương.
Trung bình mỗi ngày chúng tôi làm được từ 2.000 - 3.000 cái để cung cấp ra thị trường. Với giá bán giao động từ 3.000 đến 4.000 đồng/ chiếc. Mỗi năm gia đình bán cả vạn chiếc bánh, thu nhập từ làm bánh đủ trang trải cuộc sống.
Đến càng ăn càng mê…
Nguyên liệu làm bánh là gồm những nguyên liệu sẵn có như: Gạo tẻ, thịt lợn sấn vai cùng một số gia vị như muối, hạt tiêu, mộc nhĩ, hành khô.
Tuy nhiên, để làm ra một chiếc bánh răng bừa đúng điệu, người làm bánh phải có kinh nghiệm chọn gạo, theo kinh nghiệm của bà Đỗ Thị Khương, chủ một cơ sở sản xuất bánh răng bừa ở thôn Trung Lập 2, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa thì, gạo để làm ra bánh lá răng bừa Xuân Lập phải là gạo làm từ lúa 13/2, một giống lúa thuần có thời gian sinh trưởng dài, hạt gạo trắng, dẻo, thơm ngon.
"Gạo tẻ phải ngâm trong nước lạnh khoảng 2 đến 3 giờ rồi đem xay thành bột nước. Sau đó, bột làm bánh được đặt lên bếp nấu, dùng tay khuấy liên tục sao cho bột không bị vón cục, không quá chín. Đến khi nồi bột gạo đặc sền sệt thì bắc ra ngoài để bắt đầu gói bánh" - Bà Khương chia sẻ.
Nhân bánh được làm từ thịt lợn sấn vai, thịt được rửa sạch, băm hoặc xay nhỏ sẽ ướp cùng với một số loại gia vị khác như hành, mộc nhĩ (băm nhỏ) hạt tiêu, muối vừa đủ... rồi mới xào cho chín.
Lá gói bánh thường là lá dong, nếu không có lá dong thì người gói có thể dùng lá chuối hột. Hai loại lá này đều phải được phơi nắng hoặc hơ qua lửa nhằm tăng độ dẻo cho lá, giúp người gói dễ dàng gói bánh hơn. Bánh được theo kiểu gấp nếp lá, bẻ gập hai đầu. Cách gói này tạo nên chiếc bánh gọn gàng, chắc chắn, lại rất đẹp mắt.
Sau khi gói xong, bánh được xếp ngay ngắn vào nồi hoặc lò hấp. Theo bà Trịnh Thị Hà, tổ trưởng tổ sản xuất bánh lá của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hà Lai cho biết: Bánh lá răng bừa Hà Lai, huyện Hà Trung, Thanh Hóa, trước kia, thường được luộc trên bếp than, bếp củi truyền thống với thời gian từ 25-30 phút bánh sẽ chín…
Ngày nay, bánh được đồ trong tủ hấp, vừa có thể sản xuất số lượng lớn, vừa giúp bánh thơm ngon và thời gian bảo quản được lâu hơn, lại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bánh sau khi hấp chính được ăn nóng chấm với nước mắm cốt ngon sẽ vô cùng "gây nghiện". Trong mỗi dịp tết đến xuân về, trong mâm cơm của nhiều gia đình tại các vùng quê Hà Trung, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Yên Định,… của Thanh Hóa lại có thêm những bánh lá răng bừa.
Người thưởng thức bị lôi cuốn bởi vị dẻo ngọt của bột gạo hòa quyện với thứ béo ngậy thơm ngào ngạt của nhân thịt, hành đặc trưng.