Trước ngày ra rạp, tác phẩm của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh được hy vọng giúp rạp chiếu bóng khởi sắc, thoát khỏi chuỗi ngày ảm đạm sau giãn cách xã hội. Sau buổi ra mắt, phim nhận nhiều lời khen từ báo chí và nhà phê bình. Nhưng cuối tuần qua, tác phẩm gây thất vọng khi chỉ thu hơn ba tỷ (theo trang Box Office Vietnam), bị Ngôi Đền Kỳ Quái 2 bỏ xa dù phim Thái Lan đã chiếu đến tuần thứ hai. Hiện tại, Bằng Chứng Vô Hình mới kiếm hơn bốn tỷ và thành tích cuối cùng có thể chỉ xấp xỉ phim đầu tay của cùng đạo diễn - Thưa Mẹ Con Đi (gần 10 tỷ đồng).
Trailer "Bằng Chứng Vô Hình"
Ở một số trường hợp trước đây, có ý kiến cho rằng phim Việt bị o ép trên sân nhà do ít suất chiếu và thất thế trước bom tấn ngoại. Tuy nhiên, Bằng Chứng Vô Hình không ra mắt cùng dự án lớn nào từ Hollywood, Trung Quốc hay Hàn Quốc. Trong ngày thứ Sáu 10/7, phim có số suất chiếu tương đương Ngôi đền kỳ quái và nhiều hơn hoạt hình Scooby-Doo. Có thể thấy, các nhà rạp đã tạo nhiều thuận lợi cho phim trước lúc ra mắt nhưng không đạt hiệu quả như mong đợi. Cũng khó có thể nói Bằng Chứng Vô Hình vấp phải sự cạnh tranh lớn tuần qua, khi phim dẫn đầu - Ngôi Đền Kỳ Quái 2 - tạo nhiều tiếng cười nhưng chưa phải thuộc hàng xuất sắc trong những tác phẩm Thái cập bến Việt Nam.
Bộ phim có Phương Anh Đào đóng chính đạt doanh thu không cao.
Bằng Chứng Vô Hình có chất lượng chỉn chu trong mặt bằng phim Việt nhưng vẫn thiếu một điểm nhấn lớn để kéo khán giả đến rạp. Tác phẩm là bản remake của phim Blind (Hàn Quốc), kể về cuộc săn đuổi giữa tên sát nhân biến thái (Quang Tuấn đóng) và cô gái mù (Phương Anh Đào). Với thể loại thriller và hung thủ đã lộ diện từ đầu, sự hứng thú của khán giả không được như những phim vẫn còn "giấu" tình tiết trước lúc ra rạp. Một số fan phim Hàn có thể đã nắm rõ bản gốc và không đặt ưu tiên cuối tuần qua vào việc xem lại câu chuyện này lần nữa.
Hai phim remake thành công vang dội nhất ở Việt Nam - Em Là Bà Nội Của Anh và Tháng Năm Rực Rỡ - đều mang chất tình cảm, hài, dễ chịu và phù hợp nhiều đối tượng khán giả. Chúng nhận khen ngợi nhiệt liệt sau buổi công chiếu, được xem như một sự kiện điện ảnh không thể bỏ qua lúc đó. Trong khi đó, Bằng Chứng Vô Hình dù cũng được đánh giá tốt nhưng những lời khen chỉ dừng ở mức "chỉn chu", "xem tròn trịa". Phản hồi dành cho tác phẩm ở các fanpage và group phim ảnh không quá "bùng nổ" và phim không tạo đủ "word of mouth" (hiệu ứng truyền miệng) để khuếch đại ra số đông. Có thể ở thời điểm nhiều sức ì này, người xem cần nhiều hơn một tác phẩm dừng ở mức "xem được".
Việc hung thủ lộ diện khá rõ có thể cũng làm phim kém sức hút.
Trên thực tế, Bằng Chứng Vô Hình còn một số lỗi về câu chuyện và kỹ thuật, như ánh sáng trong những cảnh đêm. Hoạt động phá án của nhóm cảnh sát được khắc họa còn nhiều sơ hở: quá trình lật tẩy thủ phạm tương đối đơn giản còn hai nhân chứng lại không được bảo vệ cẩn thận. Như đã nói ở trên, phim còn thiếu yếu tố bất ngờ, hoặc một điểm nhấn lớn thu hút cho công chúng - những điểm giúp loạt phim kinh dị/giật gân như Thất Sơn Tâm Linh, Bắc Kim Thang ăn khách năm qua.
Phương Anh Đào, Quang Tuấn hay Ái Phương đều có thực lực nhưng chưa phải những ngôi sao hàng đầu để khán giả bỏ tiền mua vé khi thấy tên họ trên poster. Trong khi Phương Anh Đào mang vẻ đẹp sáng màn ảnh và nhiều nỗ lực diễn xuất bằng hình thể, nét mặt để thay cho ánh mắt, Quang Tuấn còn hơi "một màu". Lối diễn trừng mắt, tỏ vẻ bí ẩn của anh dường như lặp lại chính mình từ Thất Sơn Tâm Linh. Trong phim, nhân vật bác sĩ của Quang Tuấn hay tỏ vẻ nguy hiểm, biến thái nhưng còn thiếu những mưu kế. Cuộc chơi "mèo vờn chuột" của hắn với nạn nhân không có nhiều sự trúc trắc tạo nên độ hấp dẫn của phim thriller. Kẻ này thậm chí còn liều lĩnh quá độ khi đuổi theo một nhân chứng ở chốn đông người. Hành động của hắn khá bản năng và thiếu đi sự nguy hiểm của một ác nhân để người ta phải nhớ đến sau khi rời rạp.
Thành tích thấp của phòng vé Việt gần đây cũng chứng tỏ sự trống vắng của thị trường khi không có các phim Hollywood. Kể từ khi loạt bom tấn mới của Mỹ dời lịch ra mắt vì Covid-19, phòng vé bị hụt đáng kể về nguồn phim phát hành. Phim Hollywood có hay, có dở, nhưng khó phủ nhận vai trò của chúng trong việc duy trì một lượng người xem ổn định, đều đặn ở rạp chiếu bóng, tạo ra một kiểu "thói quen" xem phim cho công chúng. Ở điểm này, có thể nói là bom tấn nước ngoài không chèn ép tác phẩm Việt mà mang tác dụng cộng sinh, giúp cả hai cùng đẩy nhau lên và có doanh thu. Trong lúc nước Mỹ vẫn còn tăng cao ca nhiễm mỗi ngày, Peninsula - ngoại truyện của Train to Busan, khởi chiếu vào tuần này - có thể sẽ mang tới sự kích cầu thị trường cần thiết này.
Peninsula - ngoại truyện của Train to Busan, khởi chiếu vào tuần này - có thể sẽ mang tới sự kích cầu thị trường cần thiết này.
Sau Bằng Chứng Vô Hình, ba phim Việt khác sẽ nối đuôi nhau ra mắt tháng này, gồm Đỉnh Mù Sương, Bí Mật Thiên Đường và Ròm. Trong đó, Đỉnh Mù Sương mang màu sắc võ thuật, quy tụ nhiều cao thủ đời thực nhưng chất lượng điện ảnh vẫn là ẩn số. Bí Mật Thiên Đường có cái tên đình đám Lý Nhã Kỳ nhưng nhiều lùm xùm trong quá trình sản xuất có thể khiến tác phẩm hợp tác Việt - Hàn bị nhìn với ánh mắt nghi hoặc. Còn Ròm được bảo chứng về chất lượng, nhận nhiều quan tâm sau giải ở Busan, nhưng sức hút với khán giả đại chúng vẫn còn bỏ ngỏ. Nếu những phim này chưa thể tạo cú hích phòng vé, Tiệc Trăng Máu nhiều khả năng sẽ đảm nhận vai trò này vào tháng 8.
Bằng Chứng Vô Hình hiện đang chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc!