Được remake từ tác phẩm điện ảnh có doanh thu khủng nhất nhì xứ Hàn - Blind (Nhân Chứng Mù) ra mắt công chúng vào năm 2011, bộ phim Bằng Chứng Vô Hình của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh ngay từ khi còn thai nghén cho tới lúc công chiếu đã nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Và vì đây là tác phẩm remake nên ngay khi ra rạp, bộ phim do nữ diễn viên trẻ Phương Anh Đào đóng chính đã được đặt lên bàn cân so sánh với bản gốc cùng nhiều ưu và nhược điểm rõ rệt.
Một kịch bản quá an toàn cùng cảnh phim thiếu kịch tính hơn bản gốc
Được dán nhãn 18 cùng lời cảnh báo về tính giật gân pha màu sắc kinh dị, Bằng Chứng Vô Hình đã làm rất tốt vai trò của một bộ phim thuộc thể loại trinh thám gay cấn qua chất lượng hình ảnh và âm thanh sống động. Tiếng bước chân, tiếng mưa rơi, tiếng rao hàng, tiếng điện thoại,… trong khung hình thiếu sáng chính là yếu tố quan trọng giúp khán giả dễ dàng liên kết với những tình tiết hồi hộp trong phim.
Những cảnh quay tạo cảm giác mạnh cho người xem.
Tuy nhiên, cũng giống như những bản remake của Trung Quốc hay Nhật Bản trước đó, Bằng Chứng Vô Hình của điện ảnh Việt vẫn không đủ để làm khán giả thỏa mãn với những thước phim rượt đuổi thiếu kịch tính giữa tên tội phạm biến thái và hai nhân chứng. Nếu ở bản Hàn, biên kịch đã cho nữ chính Min Soo Ah (Kim Ha Neul) bước lên chiếc xe của tên ác nhân chỉ sau vài phút ngắn ngủi chia sẻ về quá khứ đau buồn thì đến bản Việt, tình tiết đầu phim được nhận xét là kéo dài lê thê thiếu hấp dẫn.
Tình tiết đầu phim kéo dài và chưa đủ kịch tính nên dễ gây nhàm chán.
Xuyên suốt bộ phim của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh là những tình tiết khá từ tốn chứ không kịch tính như bản gốc, thậm chí mạch phim còn được cho là quá rề rà khiến Bằng Chứng Vô Hình mất đi màu sắc kinh dị vốn được coi là điểm nhấn. Thậm chí cái kết của phim cũng không làm khán giả quá bất ngờ vì dễ đoán và lặp lại một cách rập khuôn kết phim của bản gốc, dường như không có tính sáng tạo ở bất cứ chi tiết nào để đẩy cái kết lên cao trào khiến người xem phải trăn trở ngẫm nghĩ.
Những cảnh quay chưa thực sự có màu sắc kinh dị và chưa thực sự kịch tính.
Điểm cộng là dàn diễn viên chất lượng, dám thử sức ở thể loại phim mới
Dù là một tác phẩm làm lại nhưng phải công nhận rằng Bằng Chứng Vô Hình đã thành công trong khâu chọn lựa diễn viên khi tất cả dàn cast đều thể hiện tốt cảm xúc nhân vật. Nếu đem so sánh với bản gốc, bộ phim đã thắng giải kịch bản xuất sắc và nữ diễn viên xuất sắc ở những giải thưởng lớn thì có vẻ như quá khập khiễng. Trong bộ phim này, nữ diễn viên trẻ Phương Anh Đào đã diễn rất tròn vai và tỏ ra không hề thua kém Kim Ha Neul.
Phương Anh Đào đã diễn rất tròn vai.
Nữ diễn viên tỏ ra không hề kém cạnh nữ chính ở bản gốc.
Bên cạnh đó, anh chàng Otis – người đảm nhiệm vai diễn Hải cũng trở thành điểm sáng của bộ phim, và giống như Yoo Seung Ho, Otis đã thực sự cho người xem thấy tầm quan trọng của mình khi là "đôi mắt" của nữ chính. Đặc biệt là vai diễn tên sát nhân biến thái của Quang Tuấn với đôi mắt sắc lạnh khiến người xem phải rùng mình khi cứ thoắt ẩn thoắt hiện trong bóng tối không hề thua kém sự hung tợn của Yang Yung Jo ở bản gốc. Ngoài ra, vai diễn nữ cảnh sát tên Hòa ở Bằng Chứng Vô Hình còn được nhận xét là màn chào sân điện ảnh xuất sắc của nữ ca sĩ Ái Phương.
Tất cả các nhân vật đều thể hiện tốt vai trò của mình.
Bỏ qua những điểm còn thiếu sót, Bằng Chứng Vô Hình thực sự là một bộ phim có chất lượng khá so với mặt bằng chung của phim Việt hiện nay, đặc biệt là những tác phẩm remake không quá nổi bật. Nếu như bản Hàn đưa đến cho người xem những thước phim hồi hộp kịch tính đúng thể loại trinh thám, hành động, kinh dị thì ở bản Việt, nội dung kịch bản mang màu sắc nhân văn khi đề cao những khả năng đặc biệt của người khiếm thị hay nhấn mạnh về tình cảm gia đình mới chính là điều mà ekip sản xuất hướng tới.
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Bằng Chứng Vô Hình đang công chiếu trên các cụm rạp toàn quốc.