Bắn rơi Su-24 Nga, Thổ Nhĩ Kỳ "lãnh đủ" hậu quả: Đừng mạo hiểm một lần nữa ở Syria!

Tú Anh | 19-02-2020 - 13:13 PM

(Tổ Quốc) - Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ phản đối một giải pháp quân sự ở Syria nhưng nước này có lẽ không dám mạo hiểm đối đầu với Moscow như hồi năm 2015 khi bắn hạ một máy bay chiến đấu Su-24 của Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ lớn tiếng đe dọa QĐ Syria dưới sự bảo trợ của Nga

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đe dọa sẽ phát động các cuộc tấn công quân sự chống lại Quân đội Chính phủ Syria (SAA) ở Idlib và Aleppo nếu như SAA không rút lui trước khi tháng 2 này kết thúc và trở về đúng ranh giới phân định theo Thỏa thuận Sochi ký kết giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều này có nghĩa là Quân đội Syria phải rút khỏi tất cả các khu vực mà họ đã chiếm giữ trong những tuần gần đây ở Tây Bắc đất nước, đặc biệt là tuyến cao tốc Damascus - Aleppo.

Đáp trả những yêu cầu của ông Erdogan, Tổng thống Syria Bashar Al-Assad tuyên bố "Thổ Nhĩ Kỳ muốn kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Syria", đồng thời cáo buộc "kẻ thù của nhân dân Syria đang cố gắng bảo vệ những phần tử khủng bố".

Trước sức ép từ những cuộc tấn công gần đây của các lực lượng quân sự Syria với sự yểm trợ từ Nga nhằm chống lại các phe phái đối lập ở Tây Bắc Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu đẩy mạnh việc triển khai quân đội và xe bọc thép cũng như xây dựng thêm các tiền đồn quan sát trong khu vực để ngăn chặn đà tiến công của SAA.

Tuy nhiên, không hề nao núng trước sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, Quân đội Syria tiếp tục tiến công và thậm chí còn đánh bom phá hủy cả các trạm quan sát của Ankara khiến nhiều binh lính nước này thương vong. Thổ Nhĩ Kỳ lập tức đe dọa sẽ trả đũa khi Tổng thống Erdogan tuyên bố "Syria sẽ phải trả giá đắt".

Bắn rơi Su-24 Nga, Thổ Nhĩ Kỳ lãnh đủ hậu quả: Đừng mạo hiểm một lần nữa ở Syria! - Ảnh 1.

Lính Mỹ tuần tra cùng xe thiết giáp Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Ảnh: Reuters

Bài học đắt giá từ vụ bắn rơi máy bay Su-24 Nga

Cuộc chiến ngôn từ này diễn ra trùng hợp với thời điểm xảy ra bất đồng giữa Moscow và Ankara. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã tỏ ra ngạc nhiên trước quyết tâm của Nga ủng hộ các cuộc tiến công từ phía lực lượng chính phủ Syria ở vùng Tây Bắc đất nước. Không quân Nga thậm chí còn huy động máy bay chiến đấu yểm cho các chiến dịch tấn công của Syria dưới mặt đất.

Nga cáo buộc Ankara đã không tuân thủ 2 điều khoản trong Thỏa thuận Sochi: 1) Giải giáp và loại bỏ tổ chức khủng bố cực đoan Hay'at Tahrir al-Sham (HTS), từng là một chi nhánh của al-Qaeda ở Syria; 2) Thông tuyến trở lại hai trục đường cao tốc chiến lược M4 và M5 kết nối thủ đô Damascus với các thành phố lớn Latakia và Aleppo để thúc đẩy giao thông và thương mại.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ nhất quyết buộc các lực lượng quân sự Syria được Nga hậu thuẫn phải rút về các vị trí trước đây. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa xuất hiện tín hiệu thu hẹp nào về sự khác biệt giữa quan điểm của hai bên. Điểm sáng duy nhất là hai bên đã đồng ý ngồi lại với nhau ở Moscow để cùng tìm ra giải pháp cho vấn đề trước thời điểm tháng 2 kết thúc.

Bắn rơi Su-24 Nga, Thổ Nhĩ Kỳ lãnh đủ hậu quả: Đừng mạo hiểm một lần nữa ở Syria! - Ảnh 2.

Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ chiến đấu bên cạnh các tay súng Syria được Ankara hậu thuẫn. Ảnh: AFP

Mặc dù Ankara phản đối một giải pháp quân sự ở Tây Bắc Syria nhưng nước này có lẽ không dám mạo hiểm đối đầu với Moscow như hồi năm 2015 khi Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay chiến đấu Su-24 của Nga gần biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara hiện đang đứng trước quá nhiều sức ép.

Ở trong nước, Chính phủ của Tổng thống Erdogan đang bị hối thúc phải trả đũa cho việc 13 binh lính nước này bị Quân đội Syria giết chết. Ankara cũng sẽ bị công kích nặng nề nếu lực lượng quân sự nước này rút khỏi các trạm quan sát hiện đang bị bao vây bởi quân chính phủ Syria.

Ở ngoài nước, Ankara cần tới sự hỗ trợ hữu hình hơn từ Washington nhưng chưa rõ liệu nước Mỹ có sẵn lòng khi mà chính Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien từng phát biểu về tình hình ở Idlib:

"Chúng tôi sẽ làm gì để ngăn chặn điều đó? Chúng tôi sẽ phải nhảy dù xuống như một cảnh sát toàn cầu à? Rồi dựng lên biểu hiệu "STOP" và nói rằng: Thổ Nhĩ Kỳ hãy dừng lại ngay? Nước Nga hãy dừng lại ngay? Dừng lại ngay, Iran? Dừng lại ngay Syria?”

Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây có lẽ chỉ trông chờ vào Nga. Thế nhưng, Tổng thống Recep Erdogan hiểu rằng sử dụng vũ lực ở Syria sẽ mang đến những hậu quả nặng nề.

Năm 2015, sau khi bắn rơi máy bay Su-24 của Nga, Ankara đã bị Mỹ và đồng minh phương Tây phó mặc đứng ra "chịu trận" tự giải quyết với Tổng thống Vladimir Putin. Đích thân ông Erdogan sau đó phải bay tới Moscow để xin lỗi ông Putin trước những sức ép về kinh tế và thương mại từ Moscow.

Bất chấp những đe dọa quân sự và ngoại giao mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra với Chính phủ Syria và các lực lượng quân sự của họ ở Idlib, diễn biến thực tế trên hiện trường đang có lợi cho Quân đội Syria nhờ các cuộc tấn công dưới sự bảo trợ của Nga.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, viễn cảnh tương lai vùng Tây Bắc Syria giờ đây tùy thuộc vào sự lựa chọn của Tổng thống Recep Erdogan dựa trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng ý đồ của Tổng thống Nga Vladimir Putin và mức độ hỗ trợ thực tế từ Washington chứ không phải chỉ những ngôn từ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Tết an vui với ưu đãi miễn phí bảo dưỡng từ Panasonic

Dịp cuối năm là thời điểm mỗi gia đình đều chú trọng tân trang cho ngôi nhà của mình cũng như quan tâm đến sức khỏe cho các thành viên. Hiểu được mong muốn đó, Panasonic triển khai chương trình chăm sóc khách hàng thường niên 2024 với nhiều ưu đãi hấp dẫn, giúp bạn và cả nhà chuẩn bị một mùa Tết khỏe mạnh và an lành.