Ông Putin muốn gửi gắm thông điệp gì trong tuyên bố hôm 4/12?
Ngày 4/12, TASS trích phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị trực tuyến quốc tế Hành trình trí tuệ nhân tạo (AI Journey) như sau:
"Chúng tôi đang phân bổ nghiêm túc các nguồn lực, cả tài chính và quản trị, vào việc tạo ra và phát triển công nghệ (trí tuệ nhân tạo)...
Lịch sử toàn thế giới cho thấy nhiều trường hợp khi các tập đoàn lớn, có quy mô toàn cầu và thậm chí các quốc gia thực sự đã ngủ quên khi công nghệ đột phá và bị cuốn ra khỏi sân khấu lịch sử chỉ sau một đêm.
Trước đó vào năm 2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố: "Ai dẫn đầu trong công nghệ AI sẽ thống trị thế giới".
Không nghi ngờ gì việc có rất nhiều công ty ở đất nước chúng tôi đang làm những gì mới đây chỉ là mơ ước.
Chúng bao gồm các tàu chiến có thể hoạt động mà không cần thuyền trưởng và thủy thủ đoàn. Chính chúng tôi đã tạo ra các tàu biển không người lái, bao gồm cả phiên bản dưới nước (tàu ngầm), trong lĩnh vực quốc phòng".
Nếu chỉ xét thông điệp nói trên ở nghĩa đen, có thể thấy Quân đội Nga, mà cụ thể là hải quân sẽ sớm được trang bị các phương tiện không người lái trên và dưới mặt nước mạnh mẽ với trí tuệ nhân tạo (AI).
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng chỉ trước đó 1 ngày, RIA Novosti cho biết Quân đội Nga đã tiến hành một loạt thử nghiệm trên máy bay không người lái (UAV) tấn công hạng nặng S-70 Okhotnik-B tại bãi thử nghiệm Ashuluk.
Đáng chú ý, thay vì hoạt động như một cường kích, S-70 đã được triển khai thử nghiệm với vai trò một tiêm kích đánh chặn và được trang bị một "thiết bị mô phỏng" tên lửa không đối không với đầu tự dẫn bằng hồng ngoại và radar.
Nguồn tin của RIA Novosti cho biết thêm rằng các thử nghiệm sẽ "giúp đánh giá sự kết hợp của hệ thống điện tử hàng không của UAV với hệ thống dẫn đường tên lửa và máy bay chỉ huy Su-57".
Có thể thấy ẩn ý trong thông điệp của ông Putin đã khá rõ ràng, người Nga đang tự tin rằng mình nằm trong top các nước đi đầu trong công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là áp dụng nó vào công nghệ quân sự với "ví dụ" trực quan là S-70 Okhotnik-B.
Ngoài thiết kế "tàng hình", động cơ phản lực AL-41F tương tự như Su-57, S-70 Okhotnik-B có thể mang theo nhiều loại vũ khí hiện đại được đặt trong 2 khoang thân.
Các "UAV khác" không thể sánh bằng S-70 Okhotnik-B?
S-70 Okhotnik-B, do Sukhoi phát triển được cho là có chiều dài 19 mét, sải cánh 14 mét, trọng lượng cất cánh 20 tấn và tốc độ tối đa khoảng 1.000 km / giờ.
S-70 được thiết kế theo phương án "cánh bay" và sử dụng các vật liệu làm giảm phản xạ tín hiệu radar và sẽ hoạt động chặt chẽ với tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Su-57.
Vẫn chưa rõ liệu máy bay không người lái này có được ghép nối với các máy bay khác ngoài Su-57, chẳng hạn như MiG-35 nhẹ hơn nhưng tích hợp nhiều công nghệ tương tự hay không.
Theo Military Watch, Không quân Vũ trụ Nga (VKS) có kế hoạch nhận chiếc UAV tấn công phản lực hạng nặng đầu tiên trên thế giới trước năm 2025.
S-70 được đưa vào trang bị sẽ chứng minh sản phẩm kết hợp giữa ngành công nghiệp quốc phòng truyền thống Nga và các công nghệ mới đã cho ra đời các loại vũ khí hiện đại đủ sức chiếm ưu thế trên không, trên mặt đất và trên biển.
Nếu so sánh với những chiếc UAV động cơ cánh quạt chủ yếu được thiết kế để tấn công mặt đất và hiện đang được xuất khẩu như Wing Loong II Trung Quốc, Bayraktar TB2 Thổ hay thậm chí là MQ-9 Reaper của Mỹ (có khả năng không chiến), S-70 vẫn nằm ở đẳng cấp hoàn toàn khác.
Máy bay tàng hình thế hệ 5 Su-57 và máy bay không người lái S-70 Okhotnik-B tạo thành đội hình.