Được bố mẹ mai mối, ngày cưới mới dám cầm tay
Hơn 50 năm về trước, ông Nguyễn Văn Kết (hiện 75 tuổi) và bà Nguyễn Thị Sang (hiện 71 tuổi), cùng quê ở Bến Tre được hai bên gia đình mai mối. Năm ấy, ông Kết là một chàng thanh niên mới hơn 20 tuổi. Khi gặp bà Sang - người con gái xinh đẹp, duyên dáng, nết na, ông Kết đã thầm cảm ơn cuộc đời cho mình được thỏa ý nguyện. Về phía bà Sang, ngày ấy bà chẳng dám nhìn ông nên không có ấn tượng gì nhiều. Chỉ biết rằng, cha mẹ đặt đâu thì bà chịu ngồi đó.
Được hai bên gia đình vun đắp, 1 tháng rưỡi sau thì ông Kết, bà Sang tổ chức đám hỏi. “Ngày đám hỏi tôi cũng chưa nhìn kỹ ông ấy, chỉ nhìn thoáng qua thôi. Vài tháng sau thì tôi mới dám nhìn kỹ, và khoảng nửa năm thì mới bắt đầu có cảm tình với ông ấy. Tôi không nghĩ gì nhiều, chỉ cho rằng chắc bố mẹ đã đồng ý gả thì người ấy cũng được chứ không đến nỗi”, bà Sang kể.
Thấy bà nhút nhát nên ông cũng không dám làm thân ngay, chỉ nói chuyện bình thường. Đến tận ngày cưới, ông Kết mới nắm tay bà lần đầu khi dắt bà đi qua cầu. Lúc đó ông thì run run còn bà thì sợ, mà không biết là sợ cái gì.
Sau khi kết hôn, bố mẹ chồng cho phép ông Kết, bà Sang ra ở riêng, cho ruộng đất để làm lụng. Vì muốn phụ cha mẹ lo cho các em, ông bà xin ở chung. Cứ thế 7 năm sau, khi các em đều đã được dựng vợ gả chồng, họ mới ra riêng.
Được bố mẹ tạo điều kiện, ông Kết chăm chỉ làm ăn, nuôi tôm, cá, vịt,… Thấy công việc quá vất vả, đêm không được ngủ nhiều, phải thức để trông giữ nên ông quyết định nghe theo lời khuyên của mấy người cô, vào Tân Phú, Đồng Nai lập nghiệp.
“Hai vợ chồng lấy hết vàng đem bán để mua đất ở Đồng Nai, được 2,5 mẫu, rồi đưa cả 3 đứa con vào đây lập nghiệp. Xứ lạ, quê người, tiền không có nhiều nên cuộc sống chật vật lắm. Các con thì được ăn cơm, còn bố mẹ thì chỉ ăn bắp thôi. Nhưng may mắn là trồng trọt được mùa nên sau đó vợ chồng tôi lấy lại vốn cũng nhanh”, ông Kết nói về những ngày tháng bắt đầu lập nghiệp ở xứ người.
Luôn ở bên nhau dù cuộc sống không ít khó khăn
Ngày ấy, ông Kết làm rẫy còn bà Sang làm cỏ thuê, tuy khó khăn nhưng vợ chồng thương nhau, sống hạnh phúc, không cãi vã, la mắng bao giờ. Nhiều lúc, bà Sang cũng tủi thân, nhưng nghĩ vì mình đi lập nghiệp nên phải chấp nhận chịu cực khổ để mai sau có tương lai tốt đẹp hơn.
“Khoảng năm 1992-1993, tôi trồng 6 mẫu nhãn. Lúc mua giống là 18.000 đồng/kg, trồng 3 năm thu hoạch được 17 tấn nhưng chỉ được giá 12.000 đồng/kg. Qua năm sau nữa được 50 tấn, năm sau nữa thì được hơn 80 tấn, nhưng giá lúc đó chỉ còn có 6.000 đồng/kg.
Rồi có năm tôi trồng 3 mẫu quýt nhưng mua phải phân bón giả nên hỏng hết. Thất bại nhiều lắm, đúng lúc đó thì bà nhà tôi còn bị bệnh, tiền bạc không có phải đi vay để chữa cho bà xã, nhưng hai vợ chồng vẫn cùng nhau cố gắng. Quãng thời gian vất vả thì dài lắm, còn thời gian gần đây mới đỡ cực hơn”, ông Kết nói thêm.
52 năm hôn nhân, ông Kết, bà Sang ít khi cãi vã, nếu có chỉ là nói qua, nói lại một vài câu. Không thể hiện tình cảm nhiều, điều mà ông bà dành cho nhau luôn là sự yêu thương, quan tâm, trân trọng. Ông bà có với nhau 5 người con, hiện đã có 3 cháu nội, 2 cháu ngoại. Con cháu ai cũng ngưỡng mộ tình cảm của bố mẹ, ông bà.
Sau tất cả những điều đã cùng nhau trải qua, ông Kết gửi lời cảm ơn bà Sang vì đã luôn là người đồng hành với ông trong những thời điểm khó khăn nhất.
Nguồn: Tình trăm năm