Bán đảo giữa trung tâm TP.HCM có hình hài lạ mắt bị "lãng quên" 30 năm
Phùng Tiên |
20-04-2022 - 08:26 AM
(Tổ Quốc) - Những căn nhà chắp vá bằng tôn, đường sá xen giữa kênh, ruộng, đất đai bỏ hoang… là hiện trạng của bán đảo Thanh Đa sau 30 năm vướng quy hoạch “treo”.
Người dân bán đảo Thanh Đa ở dự án "treo" 30 năm.
Bán đảo Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh) có hình lạ mắt, nằm ở vị trí đắc địa, giữa trung tâm TP. HCM, được bao bọc bởi sông Sài Gòn và kênh Thanh Đa.
Bán đảo này được quy hoạch thành "siêu đô thị" Bình Quới - Thanh Đa (phường 27, 28, quận Bình Thạnh, TP. HCM). Quy hoạch được phê duyệt từ năm 1992 với diện tích khoảng 426 ha, khu đô thị mới kỳ vọng với đầy đủ chức năng theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại, phục vụ dân số 41.000 - 50.000 người. Tuy nhiên, quy hoạch đã bị "treo" suốt 30 năm, hiện nơi đây vẫn còn là vùng nông thôn nằm giữa lòng thành phố.
Năm 2004, dự án được giao cho Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn thực hiện. Tuy nhiên đến năm 2010, UBND TP. HCM đã có quyết định thu hồi dự án do chủ dự án không đủ năng lực, khả năng tài chính và cũng không kêu gọi được nguồn vốn đầu tư, làm dự án đình trệ kéo dài. Trong ảnh là cầu Kinh Thanh Đa, cửa ngõ đường bộ duy nhất để người dân ra vào bán đảo.
Đến cuối năm 2015, với tổng vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng, liên doanh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty bất động sản ở Dubai) được UBND TP. HCM chỉ định làm nhà đầu tư thực hiện dự án, thời gian thực hiện trong 50 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, đến giữa năm 2016, Emaar Properties PJSC cũng đã rút lui vì không đủ kiên nhẫn chờ tới lúc được bàn giao đất sạch.
Nằm trong vùng quy hoạch “treo” 30 năm, người dân Bình Quới - Thanh Đa đi từ bức xúc đến chán nản vì lâm vào tình trạng “có đất mà không thể làm, có nhà mà không thể sửa”. Trong ảnh là một con hẻm nằm trên đường Bình Quới (phường 28, quận Bình Thạnh). Con đường nhỏ, hẹp, được trải bê tông, hai bên đường là ao nuôi cá, chăn vịt, cây cối mọc um tùm. Được biết, đến mùa mưa, trên đường xuất hiện những vũng nước lớn, khiến việc di chuyển trở nên khó khăn.
Ông Tư Trung (62 tuổi), ngụ tại phường 28 ở bán đảo Thanh Đa, chia sẻ: “Phải nói rằng chuyện quy hoạch “treo” là truyện dài nhiều tập, không thể kể hết bức xúc của bà con nơi đây. Nhiều người dân khi nghe thông tin nơi mình ở vào diện quy hoạch, họ bỏ bẵng thửa đất một thời gian, đến khi chờ quy hoạch không nổi, đi làm lại, thì phải tốn công cải tạo đất vì cỏ đã mọc um tùm. Nông dân vừa phải làm lại từ đầu, vừa không có thu nhập gì cả”.
Tưởng chừng như đất nông nghiệp nhiều, người dân ở bán đảo có thể sống vịn vào nghề làm nông. Tuy vậy, người nông dân vẫn phải đang đương đầu với nhiều vấn đề về hạ tầng xuống cấp, thiếu thốn, gây ảnh hưởng đến kế sinh nhai của họ. “Ngoài vấn đề về việc không được cấp phép xây dựng cơ sở, chúng tôi còn nhiều rào cản khi tiếp cận với nguồn nước tưới tiêu”, ông Tư Trung nói.
Được biết, nguồn nước sử dụng cho trồng trọt, chăn nuôi chỉ mới được kéo vào tới nhà ông Tư Trung cỡ 3 tháng nay. Trước đó, nguồn nước ở cách nhà ông gần 3 km, đoạn dây dẫn nước phải chia ra ít nhất cho 10 hộ sử dụng. “Bây giờ thì vẫn còn xài tập thể, nhưng ít ra thì từ 10 hộ giảm xuống còn 2-3 hộ”, ông chia sẻ. Tuy vậy, thất thoát nguồn nước vẫn diễn ra vì khi đặt ở ngoài đường, bị trâu, bò giẫm, xe cán lên. Trong ảnh là những chùm ống nước được đặt hai bên lề đường.
Ngoài ra, vấn đề đường xá chật hẹp cũng đẩy người nông dân ở Thanh Đa vào tình trạng bị ép giá vận chuyển. “Đối với các hộ chăn nuôi giống như nhà tôi, khi xuất chuồng bán bò thì phải thuê xe có tải trọng lớn đến chở, nhưng đường xá thì nhỏ, chỉ đủ cho 1-2 xe máy đi song song với nhau”, ông Tư Trung nói.
Năm 2018, UBND TP. HCM đã chấp nhận kiến nghị của Sở Xây dựng và các sở có liên quan, cho phép Sở Xây dựng thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng có thời hạn tại khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa để người dân chủ động xây dựng, sửa chữa nhà cửa. Tuy vậy, người dân nơi đây vẫn sống trong những căn nhà lợp tôn lụp xụp.
“Chính quyền cho phép người dân sửa nhà, nhưng với “hiện trạng cũ”, nghĩa là phải giữ nguyên diện tích, chỉ được nâng nền, sửa mái, chứ không được xây mới hoàn toàn”, ông Tư Trung thông tin. Anh Minh (47 tuổi), hàng ngày xách đồ nghề đi “đắp chỗ này, vá chỗ nọ” ở dãy nhà trọ cho thuê của gia đình. Được biết, dãy trọ được dựng từ năm 2001, đã xuống cấp nhưng anh chưa thể xây mới được.
Nhiều hộ gia đình đã trải qua 3 đời ở khu quy hoạch “treo” này chỉ mong được ở trong một ngôi nhà mới khang trang. Một hộ dân chia sẻ: “Nhà tôi con cháu đông, chỉ mong được chuyển đổi đất để xây nhà. Nhưng vì giấy tờ, hồ sơ vẫn còn vướng mắc, chúng tôi vẫn phải ở trong căn chòi lụp xụp”.
Chỗ bị nứt trên bức tường trong căn phòng trọ của gia đình của anh Nhĩ vừa được trám lại. Nhiều khi mưa xuống, hai vợ chồng anh phải ngủ chung với tiếng nước rỉ từ mái tôn và những bức tường bị dột.
Cách biệt chỉ một con sông, bên kia là “Khu nhà giàu Thảo Điền”, còn bên bán đảo Thanh Đa vẫn chỉ là một miền quê. Suốt 30 năm nay, nhiều cư dân ở Bình Quới - Thanh Đa bày tỏ sự chán nản vì mặc dù có chí hướng làm ăn, nhưng vướng phải quy hoạch “treo”, cả đất và người vẫn cứ giậm chân tại chỗ.
Từ 19h, hàng quán ăn uống ở phường 27 thuộc bán đảo Thanh Đa bắt đầu nhộn nhịp, bên kia bờ tòa Landmark 81 lên đèn tỏa sáng một vùng trời Sài Gòn. Nơi này là điểm hẹn quen thuộc của nhiều người muốn ngắm thành phố lên đèn hay hóng gió ven sông.
CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM
Dịp cuối năm là thời điểm mỗi gia đình đều chú trọng tân trang cho ngôi nhà của mình cũng như quan tâm đến sức khỏe cho các thành viên. Hiểu được mong muốn đó, Panasonic triển khai chương trình chăm sóc khách hàng thường niên 2024 với nhiều ưu đãi hấp dẫn, giúp bạn và cả nhà chuẩn bị một mùa Tết khỏe mạnh và an lành.