"Bạn còn câu hỏi nào cho chúng tôi không?": Thử thách đánh gục vô số ứng viên, nhưng ai nói trúng điều nhà tuyển dụng muốn nghe thì sẽ ghi điểm tuyệt đối

Linh Hân | 30-08-2020 - 06:51 AM

(Tổ Quốc) - Phỏng vấn là một quá trình hai chiều. Bạn không chỉ phải chứng minh bản thân khác biệt so với những người khác, mà còn phải thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn là người phù hợp nhất cho công việc.

"Em/bạn còn điều gì muốn hỏi không?".

Nếu từng đi xin việc, có lẽ bạn không lạ gì câu hỏi này. Bởi lẽ, đây là câu mà 99,9% nhà tuyển dụng sẽ hỏi ứng viên cuối mỗi buổi phỏng vấn.

Theo các nhà tuyển dụng, hầu hết các ứng viên đều đưa ra những câu hỏi vô cùng an toàn. Có người thậm chí còn chẳng dám hỏi lại gì. Đây thực sự không phải là một nước đi khôn ngoan. Bởi lẽ, bạn đang ứng tuyển vào một vị trí sẽ tốn của mình hàng giờ đồng hồ mỗi ngày, chưa kể còn ảnh hưởng đến sự nghiệp tương lai.

Câu hỏi này chính là cơ hội để bạn tìm hiểu xem công việc thực sự có phù hợp với mình không. Dưới đây là 7 câu hỏi mà nhà tuyển dụng nào cũng muốn nghe, giúp bạn gây ấn tượng trong mắt họ cũng như hiểu rõ hơn về vị trí trong mơ của mình.

1. Tôi sẽ gặp phải những thách thức gì khi đảm nhiệm vị trí này?

Câu hỏi trên nhất định sẽ cho nhà tuyển dụng thấy quyết tâm của bạn. Bởi lẽ, việc đề cập tới các "thách thức tiềm năng" tức là bạn đã hình dung mình đảm nhiệm vị trí này rồi.

Nhà tuyển dụng sẽ nghĩ bạn không sợ hãi trước thách thức, sẵn sàng chuẩn bị kế sách để thành công nếu trúng tuyển vào vị trí. Ngoài ra, câu hỏi này còn giúp họ hiểu hơn về cách giải quyết vấn đề của bạn trong công việc cũ.

Tác dụng:

Nếu hỏi "một ngày làm việc tại đây diễn ra như thế nào", bạn sẽ chỉ được nghe những mặt tốt đẹp của công việc. Còn nếu hỏi về thách thức, bạn sẽ biết mình có chịu đựng được áp lực hay không và có thể từ chối công việc nếu cần thiết.

Bạn còn câu hỏi nào cho chúng tôi không?: Thử thách phỏng vấn đánh gục vô số ứng viên, nhưng ai nói trúng điều nhà tuyển dụng muốn nghe sẽ ghi điểm tuyệt đối - Ảnh 1.

2. Người cực kỳ thành công trong vai trò này thường sở hữu những phẩm chất nào?

Nhà tuyển dụng không muốn thuê một người tàm tạm; họ muốn nhân viên phải hoàn thành xuất sắc công việc. Việc hỏi câu này sẽ cho thấy bạn cũng rất quan tâm đến thành công.

Tác dụng:

Nhà tuyển dụng sẽ một "người tài giỏi" về để làm việc, nhưng mỗi nơi lại có định nghĩa khác nhau về "người tài giỏi".

Liệu công ty này có tuyển dụng và thăng chức những người có thái độ, phương pháp, đạo đức nghề nghiệp và phong thái giao tiếp đặc biệt không? Những người thành công trong vai trò này có phải là những người hướng ngoại và ưa giao lưu, trong khi bạn thì chăm chỉ và dè dặt? Liệu đây có phải kiểu công ty hay thưởng cho nhân viên làm việc "điên cuồng", trong khi bạn muốn làm việc trong một môi trường dễ chịu?

Nếu câu trả lời là không, có thể đây không phải là môi trường phù hợp cho bạn.

Khi hỏi câu này, bạn sẽ biết mình có đủ khả năng để làm hài lòng cấp trên không. Nếu nhà tuyển dụng không trả lời được, bạn nên cẩn thận khi chấp nhận công việc.

3. Sau khi tìm hiểu về công ty, tôi thấy văn hoá ở đây rất ủng hộ cho XYZ. Anh/chị có thể nói cho tôi nghe về những yếu tố văn hoá đó và ảnh hưởng của chúng đến công việc này?

Nếu chỉ hỏi "Văn hoá công ty ở đây như thế nào?", bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội cho nhà tuyển dụng thấy bạn đã nghiên cứu kỹ về công ty.

Nhà tuyển dụng luôn tặng điểm cộng cho những người biết chú ý và tìm tòi. Với câu hỏi trên, bạn không chỉ cho thấy mình là một người chăm chỉ tìm hiểu và quan tâm đến văn hoá công ty, mà còn sẵn sàng hoà nhập với nó.

Tác dụng:

Đây là cơ hội để bạn hiểu rõ hơn về văn hoá công ty, nhằm tránh bị bất ngờ hay mắc kẹt trong một công việc nhàm chán mà không có cơ hội học hỏi. Trên thực tế, nhiều công ty xây dựng hình ảnh bóng bẩy bên ngoài nhưng lại vô cùng mục ruỗng bên trong. Vì thế, bạn cần tìm hiểu vô cùng kỹ lưỡng để xem họ có làm đúng những gì họ nói không.

Chẳng hạn, nếu một công ty cam kết luôn làm điều đúng đắn cho khách hàng, họ sẽ không đánh giá thành công dựa trên doanh số của nhân viên.

Bạn còn câu hỏi nào cho chúng tôi không?: Thử thách phỏng vấn đánh gục vô số ứng viên, nhưng ai nói trúng điều nhà tuyển dụng muốn nghe sẽ ghi điểm tuyệt đối - Ảnh 2.

4. Vị trí này có cơ hội thăng tiến ra sao? Hiệu suất làm việc của tôi sẽ được đánh giá như thế nào?

Đừng hỏi khi nào bạn được thăng chức, bởi điều này ám chỉ rằng bạn nghĩ mình giỏi hơn vị trí ứng tuyển.

Một ứng viên cầu tiến sẽ luôn có kế hoạch rõ ràng về con đường sự nghiệp. Câu hỏi này sẽ chứng tỏ cho nhà tuyển dụng thấy, bạn có tinh thần học hỏi, tiến bộ và mong muốn gắn bó lâu dài với công ty.

Tác dụng:

Đầu tiên, bạn cần tìm hiểu về hệ thống thứ bậc trong doanh nghiệp. Mọi tổ chức đều có cách phân cấp quyền lực khác nhau: giám đốc, quản lý cấp cao, quản lý tầm trung, nhân viên… Việc hiểu rõ hệ thống này sẽ giúp bạn biết liệu mình có thể leo lên vị trí mong muốn hay không.

Tại các công ty hoạt động theo mô hình tổ chức kim tự tháp, những người ở dưới đáy thường có rất ít quyền tự quyết. Vị trí càng cao thì quyền lực càng nhiều. Tuy nhiên, quản lý tầm trung không có quyền quyết định chính sách mà chỉ có nghĩa vụ giám sát việc thực hiện do cấp trên giao phó.

Nếu là người đề cao tinh thần trách nhiệm và sự tự chủ, có thể bạn sẽ làm việc tốt hơn ở những nơi theo mô hình tổ chức phẳng. Khi đó, nhân viên được chia thành các nhóm khác nhau, làm việc theo cách riêng của mình để hoàn thành mục tiêu chung.

5. Điều quan trọng nhất mà các nhân viên giỏi có thể đạt được trong 3 tháng/6 tháng/1 năm đầu tiên là gì?

Trong số các câu nên hỏi vào cuối buổi phỏng vấn, đây là câu hỏi gây ấn tượng nhất. Bởi lẽ, nó cho thấy bạn đã xác định và mong muốn trở thành một nhân viên giỏi, chứ không chỉ là một người tầm thường.

Với câu hỏi này, bạn đang đào sâu tìm hiểu xem công ty cần gì (hoặc cần gì vô cùng). Ngoài ra, bạn cũng chứng minh được rằng mình muốn đóng góp thêm giá trị cho công ty, chứ không chỉ muốn hưởng lợi.

Tác dụng:

Hầu hết các bản mô tả công việc (JD) đều đi kèm với 8-12 loại trách nhiệm khác nhau. Câu hỏi này sẽ cho phép bạn xác định đâu là nhiệm vụ quan trọng nhất mà công ty cần bạn thực hiện khi đảm nhiệm vị trí này. Đôi khi, đó không phải là điều đã thu hút bạn đến với công việc này.

Chẳng hạn, bạn có hứng thú với việc đào tạo cấp dưới, nhưng thành công ở đây lại được đánh giá bằng doanh số bán hàng. Đây có phải mà điều bạn mong muốn khi ứng tuyển không?

Bên cạnh đó, câu hỏi này cũng giúp bạn hiểu thêm về tiến trình thực sự của công việc. Nếu là kiểu người thích bắt tay ngay vào công việc, bạn sẽ thất vọng nếu biết mình sẽ phải dành 3 tháng đầu tiên để làm chân sai vặt cho người khác.

Bạn còn câu hỏi nào cho chúng tôi không?: Thử thách phỏng vấn đánh gục vô số ứng viên, nhưng ai nói trúng điều nhà tuyển dụng muốn nghe sẽ ghi điểm tuyệt đối - Ảnh 3.

6. "Anh/chị thích điều gì khi làm việc tại đây?"

Câu hỏi đơn giản này dùng để xây dựng mối quan hệ với nhà tuyển dụng. Hầu hết mọi người đều thích nói về bản thân, do đó nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy vui vẻ khi bạn quan tâm đến ý kiến của họ.

Tác dụng:

Bạn có thể học hỏi rất nhiều từ công việc này. Nếu nhà tuyển dụng thực sự thích công việc đang làm, họ sẽ liệt kê được một vài lý do và câu trả lời cũng chân thành và thực tế hơn. Ngược lại, nếu họ trả lời một cách đầy khó khăn, bạn cần cảnh giác cao độ. Bạn sẽ biết được rất nhiều về văn hoá công ty qua câu hỏi này.

7. Sau buổi phỏng vấn, anh/chị có bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc gì về bằng cấp và kỹ năng làm việc của tôi cho vị trí này không?

Đây là một câu hỏi tuyệt vời để kết thúc buổi phỏng vấn xin việc. Nó cho thấy bạn không ngại bị nhận xét, thậm chí còn đón nhận rất cởi mở. Đối với các nhà tuyển dụng, việc ứng viên không có khả năng tiếp nhận chỉ trích thường bị xem là điểm trừ. Họ muốn bạn luôn sẵn sàng tiếp nhận những lời khuyên và dạy bảo với một thái độ học hỏi.

Ngoài ra, câu hỏi này cũng cho thấy bạn rất hứng thú với vị trí ứng tuyển, cũng như làm rõ những điểm yếu ngăn cản công ty thuê bạn.

Bạn còn câu hỏi nào cho chúng tôi không?: Thử thách phỏng vấn đánh gục vô số ứng viên, nhưng ai nói trúng điều nhà tuyển dụng muốn nghe sẽ ghi điểm tuyệt đối - Ảnh 4.

Tác dụng:

Nhìn bề ngoài, câu hỏi này rất thẳng thắn, nhưng nó lại cho bạn biết 4 mẩu thông tin quan trọng.

Thứ nhất, bạn sẽ biết liệu cấp trên có khả năng đánh giá và nhận xét bạn không. Nhiều vị sếp ngại nhận xét nhân viên hoặc không nghĩ đây là điều đáng bận tâm. Liệu bạn có muốn làm việc cho một người như thế? Làm sao bạn có thể cải thiện trình độ nếu không ai chỉ ra lỗi sai cho bạn?

Thứ hai, bạn sẽ biết đánh giá của cấp trên có mang tính xây dựng hay không. Có những vị sếp phàn nàn liên tục về thiếu sót của nhân viên, nhưng cũng có những người khéo léo phê bình theo mô hình "bánh kẹp" (khen ngợi - phê bình - đưa ra gợi ý giải quyết). Bạn cần tự hỏi xem mình muốn làm việc cho kiểu người như thế nào.

Thứ ba, bạn sẽ biết nhà tuyển dụng đang quan ngại về điều gì trước khi rời cuộc phỏng vấn. Như vậy, bạn sẽ có cơ hội để thuyết phúc lại họ.

Cuối cùng, bạn sẽ biết nhà tuyển dụng đang gặp vấn đề gì hiện tại. Nếu đang gặp khó khăn về doanh thu, họ sẽ không hài lòng với những ứng viên thường xuyên nhảy việc. Nếu gặp vấn đề về xung đột và giao tiếp, họ sẽ đánh giá khả năng giao tiếp và xử lý xung đột của bạn gắt gao hơn.

(Theo Lifehack)

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Tết an vui với ưu đãi miễn phí bảo dưỡng từ Panasonic

Dịp cuối năm là thời điểm mỗi gia đình đều chú trọng tân trang cho ngôi nhà của mình cũng như quan tâm đến sức khỏe cho các thành viên. Hiểu được mong muốn đó, Panasonic triển khai chương trình chăm sóc khách hàng thường niên 2024 với nhiều ưu đãi hấp dẫn, giúp bạn và cả nhà chuẩn bị một mùa Tết khỏe mạnh và an lành.