Trong văn hóa hiện đại: hạnh phúc dường như sáng bóng, hấp dẫn – nó có tính vật chất (như vàng, bạc chẳng hạn).
Tuy nhiên, việc theo đuổi hạnh phúc đó thường dẫn chúng ta đi sai hướng. Đây là thứ mà các nhà tâm lý học ngày nay gọi là bẫy hạnh phúc. Hãy xem chính xác cái bẫy đó là gì, làm cách nào để biết mình đã rơi vào đó, cũng như biện pháp để thoát ra.
Cách thức sai lầm khi tìm kiếm hạnh phúc
Theo triết gia Hy Lạp Aristotle, hạnh phúc liên quan đến hoạt động và sự thể hiện đức hạnh, cái mà ông gọi là 'sự viên mãn của con người'. Xét trong bối cảnh đương đại, khái niệm này có lẽ đã xa vời.
Hãy nghĩ về tất cả những thông điệp về hạnh phúc mà các phương tiện truyền thông đã và đang gieo rắc vào đầu chúng ta. Hãy tự hỏi bản thân bao nhiêu lần trong ngày bạn có cảm nhận rằng mình hạnh phúc - sẽ hạnh phúc.
Theo rao giảng của truyền thông, theo đuổi hạnh phúc đi kèm với theo đuổi các mục tiêu khác. Ví dụ, bạn có thể đã nghe nói rằng ta sẽ hạnh phúc nếu theo đuổi tuổi trẻ của mình - với kem chống nếp nhăn. Hoặc người ta sẽ hạnh phúc nếu theo đuổi sự giàu có, bằng cách chọn sản phẩm đầu tư này thay vì sản phẩm đầu tư khác.
Tuy nhiên, hạnh phúc thực sự liên quan rất ít đến những điều đó. Qua nhiều thời kì, các nhà hiền triết về tinh thần như Đức Đạt Lai Lạt Ma đã dạy chúng ta phải từ bỏ mối liên hệ giữa hạnh phúc và của cải vật chất.
Hãy nhớ rằng của cải vật chất gia tăng có thể mang lại niềm vui, hay tạm thời cải thiện cuộc sống tại thời điểm nào đó, nhưng về lâu dài, ý niệm về hạnh phúc cũng sẽ bị dần méo mó đi đáng kể.
Biểu hiện của "Bẫy hạnh phúc"
Nếu vẫn nghĩ rằng hạnh phúc gắn liền với những hình ảnh về vật chất tiền tài, thì có khả năng bạn đang thực sự vướng vào cạm bẫy này. Tương tự, nếu bạn liên tục so sánh mức độ hạnh phúc của bản thân với mức độ bạn đánh giá ở bạn bè, gia đình, hàng xóm hay đồng nghiệp, thì điều này cũng có thể cho thấy bạn đang có một nhận thức sai lầm về hạnh phúc.
5 giải pháp thoát khỏi bẫy hạnh phúc
Tự xác định và chấp nhận đủ hạnh phúc là chìa khóa để thoát khỏi cạm bẫy đó. Nếu cảm thấy đủ hạnh phúc, ta sẽ không cần phải tiếp tục theo đuổi chủ nghĩa vật chất sai lầm. Tuy nhiên, trong nền văn hóa nặng tính vật chất như ngày nay, điều này nói thì dễ, làm mới khó.
Sau đây là năm giải pháp chính giúp ta thoát khỏi cạm bẫy hạnh phúc kể trên:
1. Có chiến lược tâm lý tích cực
Ta có thể tập viết lách hoặc suy nghĩ tích cực. Viết lách có thể có tác dụng hữu ích đối với cách ta cảm nhận về hạnh phúc
Đồng thời có thể tập suy nghĩ tích cực về bản thân, dưới nhiều hình thức. Ví dụ như xem lại những bức ảnh cũ về những sự kiện ấm áp và vui vẻ trong đời. Hoặc có thể kể về những khoảnh khắc hạnh phúc và bất hạnh nhất từng xảy ra trong đời với một người thân yêu.
Thảo luận về mục đích sống trong tương lai với bạn đời hoặc một người bạn đáng tin cậy nào đó cũng là một cách hay. Bằng cách tập trung tính tích cực theo hướng này, ta sẽ ít nghĩ đến những nguyện vọng ngắn hạn và những mục tiêu chỉ mang tính vật chất.
2. Dành thời gian để biết ơn
Khi có quá nhiều thứ trong cuộc sống hiện đại đang dần đẩy bạn tới cạm bẫy hạnh phúc, hãy dành thời gian để nhớ lại những khoảnh khắc biết ơn. Bằng cách này có thể nhìn ra bản chất ngắn hạn của những thông điệp như vậy và xác định được những gì thực sự mang lại hạnh phúc cho bản thân.
Ví dụ, ta có thể tập ghi nhật ký về lòng biết ơn, trong đó viết về những lời chúc của những người thân thiết, thể hiện tình yêu của họ dành cho mình, mong những điều tốt đẹp cho sức khỏe của mình. Ngoài ra, ta cũng có thể tập viết thư cảm ơn, để định hướng lại quan điểm về những gì thực sự quan trọng. Khi tập viết lách, sẽ có một hoạt động tinh thần diễn ra giúp cân bằng lại quá trình nhận thức, từ đó giúp hình thành cảm giác hạnh phúc.
3. Hãy vị tha
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vị tha có thể giúp con người cảm thấy mãn nguyện hơn và tìm thấy hạnh phúc. Nó giúp ta hiểu được những điều tốt đẹp trong cuộc sống, và hành động vị tha cũng mang lại những điều tốt đẹp cho người nhận.
Trước hết, hãy cân nhắc tử tế hơn khi đưa ra các quyết định, và thấu hiểu hơn trong các giao tiếp hàng ngày. Khi thường xuyên vị tha với người, ta sẽ cảm nhận được sức mạnh của lòng tốt.
Hãy cân nhắc làm điều gì đó thiết thực, chẳng hạn như hiến máu. Hoặc qua việc thường xuyên thực hiện những hành động tử tế, cố gắng làm cho một người thân yêu hạnh phúc, hạnh phúc sẽ thực sự hữu hình trong ta, và ít phụ thuộc vào suy nghĩ của người khác.
4. Khẳng định lại giá trị của bản thân
Tập trung lại vào những giá trị quan trọng nhất cũng là một bước quan trọng trong việc chấp nhận mức độ hạnh phúc của bản thân.
Bằng cách khẳng định lại con người thật của bản thân, ta có thể rũ bỏ những năm tháng suy nghĩ sai lầm về hạnh phúc, với ý niệm sai lầm về sự hoàn hảo - một ý niệm gắn liền với cuộc sống 'lý tưởng' mà văn hóa hiện đại nhắc đến rất nhiều.
5. Tận hưởng mọi khoảnh khắc của cuộc sống
Hãy dành thời gian để tận hưởng những trải nghiệm tích cực trong cuộc sống, thay vì lao theo chủ nghĩa khoái lạc để tìm kiếm hạnh phúc viển vông.
Giả sử có hai người cùng ăn. Một người tham lam, nhanh chóng nuốt chửng tất cả, sau đó lại hụt hẫng vì chẳng cảm nhận được gì, còn một người thưởng thức từng chút một. Cả hai sẽ cùng ăn hết thức ăn, nhưng nhận được những trải nghiệm rất khác nhau.
Vì vậy, hãy biết cách dành thời gian hợp lí, và sống chậm lại, đồng thời chú ý vào mặt tích cực của mọi tình huống để bản thân cảm thấy hạnh phúc hơn.
Kết luận về bẫy hạnh phúc
Cuộc sống hiện đại và mưu cầu về hạnh phúc dễ khiến con người mắc vào bẫy hạnh phúc như đã nhắc phía trên. Mặt khác, trong thời đại truyền thông ngày nay, việc so sánh cuộc sống, kinh nghiệm và tài sản với bạn bè hoặc những người khác là không tránh khỏi.
Tuy vậy, hãy cố gắng làm theo các biện pháp nêu trên để điều chỉnh lại suy nghĩ và hoạt động, để biết hài lòng hơn với những gì mình có trong cuộc sống và biết mình là ai, mình thực sự cần gì.