Bàn chuyện gồng lỗ, BTV Ngọc Trinh: Không cổ phiếu nào giảm mãi, nhưng không ai trung bình giá mãi được

Quang Vũ | 30-06-2022 - 09:29 AM

(Tổ Quốc) - Thà đau 1 lần bán sạch cổ phiếu rồi làm lại từ đầu hay tiếp tục gồng lỗ trong thời điểm này?

Gồng lỗ đến lên cả “cơ tay" chắc hẳn là điều nhiều chứng sĩ đang cảm thấy đồng cảm. Với thị trường “bấp bênh" như bây giờ, sau một thời gian giảm không thấy hồi kết, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu buông xuôi. Tức là họ xoá ứng dụng, không ngó ngàng đến, không bán cũng chẳng mua, xem như để luôn khoản tiền đầu tư ở đó. 

Tuy nhiên, đây liệu có phải là biện pháp hiệu quả trong thời điểm này? Gồng lỗ đến khi “về bờ", nhưng “mùa xuân" ấy bao giờ mới đến với các chứng sĩ? Thấu hiểu tâm lý đó, trong Bí Mật Đồng Tiền số 27 với chủ đề “Đại hội gồng lỗ”, các chuyên gia đã cùng nhau thảo luận về việc có gồng lỗ có cần xác định mục tiêu hay không. 

Bàn chuyện gồng lỗ, BTV Ngọc Trinh: Không cổ phiếu nào giảm mãi, nhưng không ai trung bình giá mãi được - Ảnh 1.

Host Ngọc Trinh

Nguyễn Gia Khánh - Chuyên viên tư vấn chứng khoán tại CTCP Chứng khoán SSI chia sẻ rằng điều bản thân luôn hướng đến cho mọi người là chúng ta mua vì gì thì sẽ bán vì như vậy. Cần phải xem xét khi cổ phiếu giảm, yếu tố gì đang gây ra điều đó, và nó có sự thay đổi so với lúc mua không. 

“Nếu yếu tố tác động, ảnh hưởng chung của thị trường, chưa có gì thay đổi trong doanh nghiệp, càng xuống vùng mua, mình càng mua. Cứ mỗi đà giảm tầm 3 cân sàn, mình sẽ bắt đầu chia vốn ra để gom gần vào. Trong quá trình giảm sẽ luôn có những nhịp hồi, từ đó khéo léo đưa mức trung bình giá của mình xuống. Và không có cổ phiếu nào mãi xuống được, trừ khi cầm cổ phiếu quá xấu”.

Tuy nhiên, trong trường hợp này host Ngọc Trinh đã cho rằng: “Không cổ phiếu nào giảm mãi nhưng đi kèm với đấy là cũng không ai trung bình mãi được”. Về vấn đề này, chuyên gia Phạm Lưu Hưng (Mr. X30) - Kinh tế trưởng SSI giải thích rằng, việc trung bình giá khi thấy giá cổ phiếu giảm và mua thêm là không nên làm. Giống như Khánh nói, phải đánh giá về cổ phiếu, triển vọng của công ty. Lúc đấy tốt thì mới tính, chứ không mua tiếp cổ phiếu khi giá giảm, mặc kệ tình hình thị trường và doanh nghiệp. 

“Còn nói về dấu hiệu, có câu nói là không nên yêu cổ phiếu chúng ta mua, phải rất rõ ràng trong quan điểm. Nhiều khi mua cổ phiếu, rồi có ‘cảm tình’ với nó, sẽ rất khó để thoát ra được. Trong phần đầu tư, phải rất khó tính. Giống như người ta nói ‘dễ thương thì đáng yêu mà dễ yêu thì đáng thương’.”, anh X30 dí dỏm giải thích.  

Bàn chuyện gồng lỗ, BTV Ngọc Trinh: Không cổ phiếu nào giảm mãi, nhưng không ai trung bình giá mãi được - Ảnh 2.

chuyên gia Phạm Lưu Hưng (Mr. X30) - Kinh tế trưởng SSI

Kết lại phần bàn luận, host Ngọc Trinh nhấn mạnh: “Có lẽ có 4 từ mà tôi rất muốn chia sẻ với các bạn cổ đông, dù là vô tình hay có tâm thế, đó chính là quản trị cảm xúc. Đây là điều rất quan trọng để nhắc chúng ta biết mục tiêu và đích đến là gì. Chúng ta sẽ chịu đựng cảm xúc thua lỗ này trong bao lâu. Vì khi chúng ta đầu tư không có mục đích, 2 chữ chịu đựng có lẽ là điều ta đang phải gánh chịu. Nhưng khi có mục đích, dù lỗ hay lãi, điều đó vẫn giúp chúng ta kiểm soát được bản thân. Và quan trọng nhất là không đặt niềm tin của mình chẳng vào đâu”. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM