Theo số liệu của The Council on Standards for International Educational Travel (CSIET), năm 2018 có 32.134 học sinh trung học toàn cầu đến Mỹ tham gia chương trình du học này (visa J-1)
Lịch sử và xuất phát:
Sau chiến tranh thế giới lần thứ II, một số nhà hoạt động xã hội Mỹ cho rằng, xung đột chiến tranh là do sự thiếu hiểu biết lẫn nhau giữa các nước. Từ đó, tổ chức Youth For Understanding (YFU) được thành lập năm 1951 tại Mỹ với nỗ lực hàn gắn vết thương do chiến tranh gây ra. Ông John Eberly đã nhìn thấy những ảnh hưởng tàn phá đối với thanh thiếu niên Đức và đề nghị các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ xây dựng một chương trình du học "trao đổi văn hóa" để đưa học sinh Đức đến Mỹ. Ông hy vọng, nếu những bạn trẻ này đến sống cùng gia đình bảo trợ (GĐBT) bản xứ và trải nghiệm học trung học một năm thì họ sẽ được khai sáng, lấy lại niềm tin xây dựng nền dân chủ tại Đức trong tương lai (tham khảo web: yfu.org).
Học sinh, sinh viên trao đổi của YFU Đức
Tiến sĩ Rachel Andresen là người đã đưa ý tưởng trên áp dụng vào thực tế và trở thành giám đốc điều hành YFU trong nhiều năm. Sự nỗ lực làm việc và những đóng góp bền bỉ của bà đã được ghi nhận vào năm 1964 khi YFU nhận được bức tượng công nhận là một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận. Không dừng tại đó, vào năm 1973, bà đã được đề cử giải Nobel Hòa bình vì những cam kết cao quý trong việc trao đổi văn hóa & giáo dục cho thanh thiếu niên quốc tế.
Cần hiểu rõ bản chất:
Chương trình này chỉ kéo dài đúng 1 năm, dành cho học sinh từ 15 đến dưới 18 tuổi, tham gia học văn hóa tại trường PTTH công lập và sống trong các GĐBT bản xứ Mỹ. PTTH công lập Mỹ miễn phí cho công dân Mỹ và không được phép nhận học sinh quốc tế một cách trực tiếp. Thông qua tổ chức phi lợi nhuận (được chính phủ Mỹ cấp phép), DHS mới được đến học các trường công này. Vì vậy, có những luồng thông tin nói rằng, trường công lập Mỹ cấp học bổng toàn phần 100% là hoàn toàn không đúng sự thật.
Học sinh, sinh viên trao đổi của YFU Vietnam tại Mỹ
Về GĐBT bản xứ: Được tổ chức phi lợi nhuận tuyển chọn cẩn thận, nghiêm ngặt theo quy chuẩn của Bộ Ngoại giao Mỹ mới được trở thành host family nhận DHS dưới 18. Như vậy, xin khẳng định việc miễn hoàn toàn học phí và ăn ở, bảo trợ là do chính sách quy định của Chính phủ Mỹ chứ không phải do sự tùy ý của một ai. Khoản phí mà phụ huynh và học sinh đóng góp là phí hành chính, phí định hướng, phí sắp đặt nhà ở & trường học, phí quản lý của tổ chức (nhân sự vận hành, quản lý và hoạt động). Chương trình du học này xuất phát gần 70 năm trước từ Mỹ và ngày nay đã phổ rộng khắp thế giới với gần 60 nước.
Những tổ chức nào được phép tiếp nhận DHS đến Mỹ
Khác với chương trình du học tự túc trường tư, phụ huynh và học sinh có thể tham gia đăng ký trực tiếp, với chương trình du học này, học sinh muốn tham gia thì bắt buộc đăng ký qua tổ chức phi lợi nhuận đã được CSIET cấp phép (danh sách tại đây: https://www.csiet.org/).
Phần lớn các tổ chức này không có văn phòng tại Việt Nam. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp nhận học sinh do các đơn vị tư vấn du học gửi đến. Vì vậy, các phụ huynh, học sinh ít nắm vững các quy định, các cam kết, các tiêu chí tuyển chọn GĐBT bản xứ như thế nào, quyền lợi và nghĩa vụ ra sao hoặc trường hợp vi phạm nào sẽ bị "trở về nhà sớm" kết thúc chương trình trước thời hạn…
Học sinh, sinh viên trao đổi của YFU Ba Lan
Đặc biệt là chương trình "Định hướng trước khi khởi hành" (Pre-Departure Orientation) rất quan trọng đối với học sinh dưới 18 tuổi lần đầu xa gia đình, sống cùng GĐBT bản xứ khác biệt về văn hóa, lối sống, ẩm thực…. Do đặc điểm của chương trình, chỉ cần tiếng Anh đạt 212 điểm ELTiS (giao tiếp cơ bản) là đủ tiêu chuẩn tham gia. Vì thế, nhiều em bị choáng ngợp với các bạn Mỹ, với phương pháp học mới, với tốc độ nói quá nhanh… Cho nên, nếu không thực hiện tốt khâu "Định hướng trước khi khởi hành" sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho DHS.
Lời khuyên của tôi là các phụ huynh nên biết con em mình tham gia chương trình này thông qua tổ chức phi lợi nhuận nào. Họ đều đăng tải công khai mọi quy định, cam kết, phạm vi trách nhiệm trên website. Phụ huynh cần xem kỹ để biết đơn vị dịch vụ nhận làm hồ sơ cho con mình có cam kết đúng theo nội dung đó hay không? Bởi, nếu rủi ro xảy ra, không phải phụ huynh nào cũng dễ dàng có visa sang Mỹ để tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc, nếu có.
Học sinh, sinh viên toàn cầu trao đổi tại YFU USA
Trước tình hình dịch cúm COVID-19 hoàn toàn có thể tái bùng phát, phụ huynh và học sinh cần lưu ý về 3 điều quan trọng sau: 1. Cam kết luôn luôn có GĐBT chăm sóc con mình trong trường hợp xấu nhất; 2. Tiêu chuẩn chọn GĐBT phải thật rõ ràng, minh bạch để học sinh và GĐBT thống nhất, hiểu rõ nhau, tránh tranh cãi, đổ lỗi lẫn nhau. Đặc biệt là cần tìm hiểu kỹ nghĩa vụ và quyền lợi của gia đình bảo trợ bản xứ với HSSV và ngược lại; 3. Bảo hiểm y tế phải bao gồm 100% chi phí điều trị COVID-19.
Thông tin chi tiết, vui lòng xem tại:
Website: https://yfuvietnam.org/.
Fanpage: https://www.facebook.com/YFUVietnam.