Bên cạnh hầu hết các công ty sẽ phỏng vấn ứng viên để chốt người vào làm chính thức thì còn một kiểu khác, đó là thử thách thực tế. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ đưa tới ứng viên một đề bài và yêu cầu họ vận dụng trí óc để giải đố. Hình thức ấy được cho là sẽ làm ứng viên bộc lộ nhiều đặc điểm trong tính cách, tư duy, từ đó quá trình chọn người cũng chính xác hơn.
Ở công ty A nọ làm về mảng thiết kế nội thất, anh sếp đang muốn tuyển một nhân sự phụ trách vị trí kế toán trưởng. Anh nghĩ người này có thể trình độ chuyên môn chưa cần đạt mức xuất sắc nhưng chắc chắn phải là người trung thực, chỉn chu, có tầm nhìn và đối xử tốt với nhân viên khác.
Sau các vòng nộp CV, làm bài test thì có 3 người được vào vòng cuối là Thu Huệ, Lê Hồng và Đan Chi. Anh sếp tổng quyết định sẽ không chọn hình thức phỏng vấn mà giao một nhiệm vụ thực tế tới ba cô nàng này.
Sắp tới 8/3, công ty A muốn tổ chức một buổi liên hoan ăn mặn rất cần người đi mua đồ và chuẩn bị thức ăn. Vậy là anh sếp đưa mỗi người 2 triệu đồng để mua đồ ăn cho quy mô 30 nhân viên. Anh yêu cầu ai mà lo toan được chỉn chu nhất sẽ là người giành phần thắng. Trong quá trình mua sắm đồ, sẽ có người trong ban giám đốc đi cùng để ngầm kiểm tra, giám sát.
Đầu tiên là Thu Huệ, sau khi cầm 2 triệu đồng, cô nghĩ "Tận 30 cái miệng ăn mà đưa mỗi 2 triệu đồng thì ai ăn ai đừng đây? Thôi thì hay là nhân dịp này mình thể hiện với sếp và lấy thêm tiền cá nhân để bù vào tổ chức, biết đâu sếp sẽ cảm động thì sao?". Nghĩ xong, Huệ bù thêm 1 triệu vào để mua đồ. Cô nghĩ dù sao đánh đổi 1 triệu để nhận vị trí kế toán trưởng là vô cùng xứng đáng. Thế là Huệ vào siêu thị chuẩn bị với chi phí khoảng 100k/người.
Tiếp đến là Lê Hồng, cô chạy thẳng ra chợ để mua đồ vì Hồng nghĩ chả đâu rẻ bằng thức ăn ở chợ cả. Đến từng hàng rau củ, Hồng mặc cả với thái độ gắt vì cô nghĩ phải tiết kiệm, chu đáo như vậy thì mới xứng đáng với vị trí kế toán trưởng. Thậm chí, Hồng còn không ngần ngại chê bai hàng ôi thiu để nhằm mua được với giá hời. Kết thúc buổi đi chợ, cô đã dùng hết số tiền 2 triệu để mua nhiều đồ, bỏ lại sau lưng là ánh nhìn khó chịu của nhiều người bán hàng.
Cuối cùng là Đan Chi. Cầm 2 triệu trên tay, Chi lưỡng lự một hồi lâu. Nhưng thay vì đi mua đồ ngay cho công ty, Chi quay sang đề nghị với anh sếp: "Em thấy công ty mình hầu hết đều là con trai thì em định là mỗi nhân sự nam sẽ góp 100k/người để góp chung với 2 triệu này. Sau đó khi em đi mua thức ăn thì cũng sẽ thoải mái hơn. Đã thế các chị em trong công ty mà biết như thế thì còn cảm động hơn ấy chứ! Anh thấy sao ạ?".
Người sếp gật gù đồng ý, vậy là hôm đó Đan Chi đã có hơn 4 triệu để mua đồ ăn cho buổi liên hoan.
Đến ngày thông báo kết quả, người được nhận vào vị trí kế toán trưởng chính là Đan Chi. Sếp tổng còn giải thích thêm:
"Tôi đã quan sát và theo dõi quá trình "giải bài tập" của cả ba người. Theo quan điểm cá nhân của tôi, kế toán nên là người vừa trung thực vừa có tầm nhìn. Với Thu Huệ, giả sử nếu em không có một đồng nào bù thêm thì em sẽ làm như thế nào? Chẳng lẽ sau này vào làm em cũng tự tiện lấy tiền của công ty để tiêu pha như vậy sao?
Còn Lê Hồng, em rất biết chắt chiu nhưng điều ấy lại không hợp tình lắm. Dù gì cũng là bữa liên hoan, mọi người ai nấy đều muốn làm cho đàng hoàng một chút mà em lại đi chợ với thái độ mặc cả, chọn hàng kém chất lượng như thế thì có chấp nhận được không? Sợ rằng sau khi vào công ty, em cũng sẽ có cái thái độ như vậy với nhân viên thì chẳng ổn chút nào."
"Duy chỉ có Đan Chi đã biết suy xét thấu đáo, khôn ngoan để biến 2 triệu tăng lên 4 triệu mà ai cũng thấy vui vẻ, nhiệt tình đóng góp. Em xứng đáng với vị trí kế toán trưởng mà công ty mong muốn."
Nói xong, anh sếp đưa 1 triệu trả lại Thu Huệ vì đã bỏ tiền ra mua đồ ăn và mời Huệ lẫn Hồng ở lại liên hoan cùng. Hai cô này dù đã bị loại nhưng không ức chế mà vui vẻ nhận lời bởi suy cho cùng, họ đã được sếp tổng dạy một bài học đắt giá.
Quả thực, khi đứng trước những đề bài như vậy, ngay cả khi là để ứng tuyển hay nhiệm vụ từ cấp trên, chị em hãy dành một chút thời gian suy nghĩ, tránh nên nóng vội, gian dối mà hỏng chuyện. Hãy nghĩ rộng ra, sáng tạo kèm theo đột phá nhưng vẫn đảm bảo hợp tình hợp lý. Đó mới là cách tư duy của người vừa có tầm vừa có tâm!
Vậy với ý kiến của chị em công sở, bạn nghĩ sếp đã đúng đắn khi chọn Đan Chi chứ?